Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

On Vneconomy

VNeconomy đưa tin về vấn đề hạ lãi suất.

Bản tin Tài chính VTV1 tối qua đưa tin Kho bạc Nhà nước có khoảng 57 ngàn tỉ đồng, vượt cả con số phát hành trái phiếu phát hành từ đầu năm, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu là Agribank và BIDV.

Đây là một thông tin tốt cho khả năng giảm lãi suất sắp tới bởi nó cho thấy nhiều khả năng lượng trái phiếu phát hành thêm từ giờ đến cuối năm sẽ rất hạn chế.

Tuy nhiên nó lại một lần nữa khiến chúng ta đặt câu hỏi về khả năng lập kế hoạch những người liên quan. Lý do của việc tồn đọng này là do nhiều dự án chậm triển khai. Việc phát hành trái phiếu thời gian qua đã góp phần làm lãi suất khó giảm, tuy nhiên lượng tiền thu về chỉ để gửi tại các NHTM. Ước tính đến thời điểm này, số tiền lãi phải trả cho lượng trái phiếu phát hành (Với lãi suất hơn 10%/năm) từ đầu năm tới nay có thể lên tới khoảng 2500 tỉ đồng!

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thâm hụt ngân sách (1)

Cafef đưa tin Bộ Kế hoạch & Đầu tư (MPI) vừa công bố số liệu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm. Tại sao lại là MPI mà không phải là Bộ Tài chính (MoF), cơ quan có chức năng quản lý tổng hợp thu chi ngân sách? Anh N dạo này hơn hẳn anh G ở NHNN về khoản im hơi bặt tiếng và không nổ linh tinh như hồi năm 2008 nữa.

Theo bản tin này thì tổng thu NSNN ước đạt gần 361 ngàn tỉ đồng, trong khi tổng chi ước đạt 405,5 ngàn tỉ đồng. Nhìn chung các nguồn thu, trừ thu dầu thô (có lẽ do đầu năm các anh dự kiến giá dầu thế giới cao hơn mức hiện tại), đều tăng khá so với dự toán. Như vậy, thâm hụt ngân sách từ đầu năm tới nay là gần 45 ngàn tỉ đồng.

So sánh con số này với tổng giá trị phát hành trái phiếu từ đầu năm là hơn 51,5 ngàn tỉ đồng thì MoF còn khoảng 6,5 ngàn tỉ đồng trong kho nhờ phát hành trái phiếu, chưa tính khoản 1 tỉ USD vay từ thị trường quốc tế (đã chi cho Vinashin 300 triệu trả nợ). Tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài năm nay cũng vào khoảng 1,1 tỉ USD. Sau đại lễ Thăng Long liệu nguồn chi có giảm? Xem ra con đường giảm lãi suất không hề dễ dàng.

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Kịch bản nào cho lạm phát cuối năm

Ngày 24 tháng 9 vừa qua Tổng cục Thống kê (TCTK) chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 tăng 1,31% so với tháng 8. Thông tin này hoàn toàn không gây sốc cho thị trường do nó đã được rò rỉ ra ngoài từ trước đó rất lâu và được thể hiện thông qua các bài dự báo CPI tháng 9 trên các trang báo điện tử. Tuy nhiên con số 1,31% rõ ràng là đột biến so với mức tăng chỉ từ 0,06-0,27% của nhiều tháng trước và đang gây ra những lo ngại nhất định về vấn kiểm soát lạm phát của kinh tế Việt Nam trong năm 2010. Hãy thử xem xem xét các kịch bản khác nhau cho lạm phát những tháng cuối năm trong mối tương quan với mức lạm phát mục tiêu (8%) trong năm nay của chính phủ và đồng thời phân tích những phản ứng có thể có của các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan.

Các kịch bản lạm phát cuối năm

Kể từ năm 2007 TCTK sử dụng thêm cách tính tốc độ tăng bình quân của CPI để phản ánh lạm phát trong năm. Con số lạm phát tính theo cách này chính là trung bình cộng của tốc độ tăng CPI mỗi tháng trong năm so với cùng kì năm trước. Gần đây, con số lạm phát tính theo cách này được sử dụng phổ biến nhất, ví dụ như các con số lạm phát được công bố 22,97% của năm 2008 và 6,88% của năm 2009 là tính theo cách này. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cũng ngầm sử dụng cách tính này để xác định lạm phát mục tiêu cho mỗi năm. Số liệu từ TCTK cho thấy, tốc độ tăng CPI của tháng 9 năm nay tăng 8,92% so với cùng kì năm trước, trong khi tốc độ tăng bình quân của CPI chín tháng đầu năm so với cùng kì là 8,64%, cao hơn khá nhiều so với lạm phát mục tiêu 8% của chính phủ.





Điểm qua các nhóm hàng trong giỏ hàng tính CPI chúng ta thấy rằng nhóm hàng có thể gây ra sức ép lạm phát cao trong những tháng cuối năm đó là lương thực và xăng dầu. Hai nhóm hàng này có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả khó lường của thế giới trong thời gian tới. Để có được bức tranh về các khả năng có thể xảy ra, chúng ta thử xây dựng ba kịch bản lạm phát cho những tháng cuối năm dựa vào số liệu quá khứ từ năm 2002 đến 2009. Kịch bản tốt sẽ lấy những số liệu thấp nhất, kịch bản xấu sẽ lấy những số liệu cao nhất, còn kịch bản trung bình sẽ lấy con số trung bình cộng của các tháng tương ứng trong giai đoạn 2002-2009. Kết quả của các kịch bản được trình bày trong Bảng 2.





Kết quả tính toán cho thấy kịch bản tốt là kịch bản có CPI giảm liên tiếp trong ba tháng cuối năm, một khả năng hầu như không thể xảy ra, sẽ cho con số lạm phát trung bình cả năm là 8,14%. Kịch bản xấu với mức CPI tăng khá cao trong những tháng tiếp theo sẽ cho con số lạm phát trung bình cả năm là 9,08%. Và kịch bản trung bình, nhiều khả năng xảy ra nhất, sẽ cho con số lạm phát trung cả năm là 8.6%. Như vậy có thể thấy, dù theo kịch bản nào đi chăng nữa, thì mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 8% sẽ là không khả thi (Tuy nhiên, nhiều khả năng vào cuối năm chính phủ sẽ thông báo rằng con số mục tiêu 8% là mức tăng CPI của tháng 12 so với cùng kì năm ngoái!).

Phản ứng của chính sách tiền tệ

Những phân tích thống kê sâu hơn cũng cho thấy nhiều khả năng lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay sẽ ở quanh mức 8,6-8,7% và vượt mức mục tiêu của chính phủ. Vậy Ngân hàng Nhà nước với công cụ chính sách tiền tệ trong tay sẽ phản ứng theo chiều hướng nào trong những tháng còn lại của năm? Cần lưu ý rằng thước đo lạm phát ở trên được gọi là thước đo lạm phát tổng thể (headline inflation). Nó là chỉ số phản ánh tổng mức lạm phát của một nền kinh tế và có thể bị ảnh hưởng bởi các nhóm hàng hóa có giá cả biến động bất thường như lương thực & thực phẩm và năng lượng. Sự biến động giá của của các nhóm hàng này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính sách tiền tệ như thiên tai và sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Vì lý do này, thước đo lạm phát tổng thể nhiều khi không phản ánh chính xác bức tranh về hiện trạng của nền kinh tế. Các cơ quan thống kê trên thế giới thường tính toán thêm thước đo lạm phát cơ bản (core inflation), loại trừ những thay đổi tạm thời của của giá lương thực & thực phẩm và năng lượng. Đây thường là chỉ số được ngân hàng trung ương các nước theo dõi để đưa ra những thay đổi chính sách tiền tệ thích hợp.

Quay trở lại diễn biến lạm phát trong tháng 9, chúng ta có thể thấy sự đột biến lớn nhất xảy ra ở nhóm hàng giáo dục (tăng 12,02%). Với tỉ trọng chiếm 5,75% trong giỏ hàng tính CPI, nhóm hàng này đã đóng góp khoảng 0,69% trong tổng mức gia tăng 1,31% của cả giỏ hàng tiêu dùng. Các nhóm hàng có đóng góp lớn khác lần lượt là hàng ăn & dịch vụ ăn uống (0,32%), nhà ở, điện nước, chất đốt & vật liệu xây dựng (0,11%), và giao thông (0,08%). Như vậy, nếu loại trừ sự đóng góp của hai nhóm hàng ăn & dịch vụ ăn uống và giao thông thì chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam trong tháng 9 sẽ là 0,91%. Và nếu loại bỏ cả sự gia tăng bất thường, và gần như chỉ xảy ra một lần trong năm, của nhóm hàng giáo dục thì chỉ số lạm phát của các nhóm hàng khác trong nền kinh tế chỉ còn khoảng 0.22%!

Sự gia tăng đột biến của lạm phát tháng 9 rõ ràng là phần lớn đến từ sự gia tăng bất thường của nhóm hàng giáo dục và chưa khẳng định được đó có phải là xu thế gia tăng dài hạn của giá cả hay không. Do vậy, tôi cho rằng việc thắt chặt tiền tệ lúc này sẽ một biện pháp không hợp lý khi chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức lạm phát cao của tháng này sẽ làm hạn chế sự lựa chọn giải pháp của chính phủ đối với việc cắt giảm lãi suất.

Có hai phương án khả thi để cắt giảm lãi suất đó là NHNN nên mua lại trái phiếu chính phủ với kì hạn dài hoặc chính phủ phải hạn chế phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Việc phát hành trái phiếu chính phủ với số lượng lớn đã thu hút đáng kể dòng vốn trong nền kinh tế, làm giảm lượng vốn cung ứng trên thị trường, đẩy lãi suất lên cao, và do vậy lấn át đầu tư của khu vực tư nhân. Lạm phát cao bất thường trong tháng 9 sẽ hạn chế việc thực hiện phương án 1 bởi nó khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn. Do vậy phương án hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ cần được ưu tiên.



Quan sát diễn biến trên thị trường sơ cấp thời gian gần đây thì có lẽ chính phủ đang theo đuổi phương án 2. Lượng trái phiếu phát hành, cả qua hình thức đầu thầu và bảo lãnh phát hành, trên thị trường sơ cấp đã giảm rõ rệt. So với cao điểm hồi tháng 5 và 6, khi lượng trái phiếu chính phủ được phát hành với trị giá trên chục ngàn tỉ đồng mỗi tháng, thì đến tháng 8 và 9, lượng phát hành thành công chỉ còn 900 tỉ đồng. Tuy nhiên sức ép phát hành vẫn còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu chính phủ đã phát hành thành công là 51.512 tỉ đồng, mới đạt hơn 51% kế hoạch trong tổng giá trị phát hành trong năm nay. Với việc tổng thu ngân sách ước tăng vượt kế hoạch, kế hoạch phát hành trái phiếu trên chắc sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài việc cắt giảm lãi suất cần phải được hỗ trợ từ việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ.