Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Nợ công

Quốc hội vừa thông qua bội chi ngân sách nhà nước là 121 ngàn tỉ đồng, tương đương 5,3% GDP tính theo giá hiện hành của năm 2011. Điều này cũng hàm ý GDP theo giá hiện hành của năm 2011 sẽ là 2.275 ngàn tỉ, tăng khoảng 18% so với con số dự kiến tương ứng của năm 2010.

Tăng trưởng của GDP theo giá hiện hành (GDP = tổngQxP) tương đương với tổng của tốc độ tăng sản lượng Q (tăng trưởng GDP theo giá so sánh hay còn gọi là tăng trưởng kinh tế) và tốc độ tăng giá cả P (lạm phát). Như vậy xem ra mục tiêu tăng trưởng 7-7.5% và lạm phát 7% (cộng lại mới chỉ bằng 14.5%) có vẻ như mâu thuẫn với con số tăng trưởng GDP theo giá hiện hành 18% này.

Như vậy, giả sử tăng trưởng kinh tế năm sau đạt 7%, thì một trong hai khả năng có thể xảy ra: (1) hoặc là bội chi ngân sách sẽ là 5,3% GDP nhưng lạm phát sẽ cao hơn mức mục tiêu (7%) hoặc; (2) Lạm phát sẽ là 7% và bội chi ngân sách sẽ cao hơn. Rõ ràng, bội chi ngân sách cao và kiềm chế lạm phát là hai mục tiêu khó có thể đạt được đồng thời.



Theo các quyết toán NSNN chính thức của Bộ Tài Chính, những năm gần đây chi tiêu công của Việt Nam đã vượt 30% GDP. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là rất nhiều khoản chi đầu tư phát triển được tài trợ bằng nguồn trái phiếu chính phủ đã được để ngoài bảng cân đối ngân sách (off-budget expenditure). Ngoài ra, cách tính toán bội chi của Việt Nam cũng khác so với các chuẩn mực của ADB hay IMF. Điều này dẫn đến các con số khác nhau về bội chi ngân sách và nợ công. Ví dụ trong năm 2009, bội chi ngân sách của Việt Nam theo công bố gần đây của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội là 6,9%, nhưng theo ADB là 7,7%, và theo IMF thậm chí lên tới 8,9% GDP.

Một điều đáng lo ngại nữa là cơ cấu các khoản thu ngân sách của Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều khoản thu kém bền vững. Những tính toán đơn giản từ bảng quyết toán NSNN cho thấy khoảng 17% tổng thu hàng năm là thu từ dầu thô và khoảng 8% là từ bán tài sản như đất đai và doanh nghiệp nhà nước. Đây không phải là những nguồn thu ổn định trong dài hạn, và việc đưa những khoản thu này vào tính toán bội chi ngân sách nhà nước cũng giống như một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu và trả nợ. Về bản chất, khoản vay và nợ của anh ta có thể giảm nhưng tài sản của anh ta cũng giảm tương ứng. Tức là anh ta đã nghèo đi.

Ngoài ra, thu viện trợ không hoàn lại và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chủ yếu là thuế nhập khẩu) lần lượt chiếm khoảng 1,7% và gần 25%. Sự gia tăng nhanh của nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu một phần cho thấy nhập khẩu của Việt Nam đang ngày càng lớn và nguồn thu này trong tương lai sẽ bị cắt giảm khi Việt Nam dần thực hiện các cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi đã chính thức gia nhập WTO.

Như vậy nguồn thu được coi là bền vững là thuế và phí trong nước chỉ chiếm khoảng trên 40% tổng thu, một con số quá thấp. Nhu cầu chi cho đầu tư phát triển vẫn rất lớn trong khi nguồn thu lại khó tăng trong những năm tới khiến cho thâm hụt ngân sách hàng năm sẽ còn tiếp tục ở mức cao.

Nợ công là lũy kế của các khoản bội chi ngân sách. Những con số công bố gần đây của Việt Nam cũng như IMF cho thấy tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện nay xấp xỉ 53%. Sự thay đổi của tỉ lệ này có thể được viết như sau:



Trong đó, D là nợ công, Y là GDP, G là tổng chi tiêu công, T là tổng thu NSNN, r là lãi suất của các khoản nợ công, g là tốc độ tăng hàng năm của GDP theo giá hiện hành, M là lượng tiền được in ra để tài trợ cho chi tiêu.

Phương trình này hàm ý rằng, tỉ lệ D/Y sẽ chỉ giảm khi có (i) thặng dư ngân sách; tăng trưởng GDP (g) lớn hơn lãi suất trả nợ và (iii) chính phủ in tiền để tài trợ cho chi tiêu.

Ngoài bội chi ngân sách hàng năm làm tăng tỉ lệ nợ/GDP của Việt Nam thì lãi suất vay nợ cũng là một vấn đề. IMF gần đây có tính toán mức lãi suất bình quân (Effective interest rates) của các khoản nợ bằng ngoại tệ (chiếm khoảng 75% tổng nợ) của Việt Nam là khoảng 3,3%/năm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp trước đây đang dần bị thay thế bởi các khoản vay thương mại với lãi suất cao (Các khoản vay được chính phủ bảo lãnh cho Vinashin, khoản vay 1 tỉ USD hồi đầu năm, và sắp tới bảo lãnh cho EVN 1 tỉ USD, và có thể sẽ là cả TKV, PVN,…). Những khoản vay này hiện có mức lãi suất khoảng 7% nhưng sẽ tăng theo mức bội chi ngân sách và nợ công. Ngoài ra, việc vay nợ bằng ngoại tệ còn chịu rủi ro về tỉ giá. Chỉ tính riêng năm 2010, VND đã mất giá khoảng 25% so với JPY (đồng tiền chiếm khoảng 40% trong tổng nợ nước ngoài), mất giá khoảng 15% so với USD và SDR (các đồng tiền chiếm hơn 45% trong tổng nợ nước ngoài),… Do vậy, khả năng kiềm chế tỉ lệ nợ công/GDP (hiện đã vượt 50%) trong những năm tới có lẽ chỉ còn kênh in tiền – một loại thuế đánh vào người dân thông qua việc gây lạm phát (Seigniorage).

Tổng chi cho hội làng Thăng Long vừa rồi vẫn chưa được tiết lộ.