Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Lạm phát cơ bản

Dân Trí đưa tin: "Phó Thủ tướng cũng cho rằng, phương pháp tính tăng giá của các nước không tính giá dầu, giá lương thực và nếu ta thực hiện theo cách này, chỉ số giá tiêu dùng của cả năm chỉ tăng 7,5%, không phải tăng 11,75% như cách tính hiện nay."

Không thể mập mờ giữa lạm phát 7,5% hay 11,75% như ông SH nói được.

Để đo lường sự thay đổi của chi phí sinh hoạt chúng ta phải dùng thước đo lạm phát tổng thế (Headline Inflation), 11,75%. Thước đo này cho biết người dân trung bình phải bỏ thêm bao nhiêu tiền để mua được rổ hàng hóa như trước.

Thước đo lạm phát cơ bản (Core Inflation) - loại trừ giá dầu và giá lương thực - được ngân hàng trung ương các nước dùng tham khảo để đưa ra phản ứng chính sách thích hợp. Ở nhiều nước, giá các mặt hàng này cả lên và xuống thường xuyên nên việc đưa ra phản ứng chính sách chỉ dựa vào lạm phát tổng thể là không thích hợp.

Tuy nhiên không phải lúc nào biến động giá năng lượng và lương thực cũng là tạm thời (volatility) mà có thể là xu hướng dài hạn (trend). Thailand, Colombia trong thời gian gần đây, và đặc biệt là Việt Nam là những nước rơi vào trường hợp này. Giá cả lương thực và năng lượng chỉ có xu hướng ngày càng tăng chứ không giảm. Đóng góp của mỗi mặt hàng vào lạm phát của Việt Nam năm 2010 trong hình vẽ dưới đây cho thấy rõ điều đó.

Cũng lưu ý trong hình vẽ này là đóng góp của nhóm hàng giao thông - transport đang bị bóp béo bởi sự trợ giá của chính phủ. Giá dầu thế giới thời gian tới khó giảm trừ khi lại có khủng hoảng. Trước sau cũng phải bỏ trợ giá, nếu không có sự trợ giá từ nửa cuối năm 2010 thì nhóm hàng này còn đóng góp thêm vào CPI năm nay ít nhất 1% nữa.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Lạm phát và các quy tắc chính sách tiền tệ

Năm 2010 kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng kiến sự biến động mạnh của lạm phát và những bất ổn đi kèm. Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối năm đã ở mức hai con số so với cùng kì năm trước, đồng thời nó đặt các hoạch định chính sách trước bài toán nan giải phải cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng với bình ổn lạm phát, lãi suất, và tỉ giá. Ngoại trừ năm 2009, khi lạm phát ở mức thấp phần lớn nhờ vào sự suy giảm của tổng cầu cộng với sự rớt giá nguyên nhiên liệu đầu vào do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những năm gần đây lạm phát ở Việt Nam luôn ở mức hai con số và vượt xa mục tiêu đặt ra của chính phủ.

Việc lạm phát cao và vượt xa mục tiêu đề ra liên tiếp trong những năm gần đây cho thấy việc xác định mục tiêu và công tác điều hành chính sách tiền tệ trong việc đạt được mục tiêu đó còn có những bất cập nhất định. Việc thực thi chính sách tiền tệ có vẻ như còn thiếu một cơ sở lý luận vững chắc do vậy thường dẫn đến những phản ứng thụ động, không hiệu quả, hoặc gây sốc cho nền kinh tế. Trong bài viết này, trước tiên chúng tôi chúng tôi cố gắng phân rã CPI thành nhiều thành phần khác nhau. Việc phân rã này góp phần làm rõ xu hướng biến động từng thành phần và từ đó đưa ra những gợi ý phản ứng chính sách thích hợp và chủ động hơn. Tiếp theo, các quy tắc chính sách tiền tệ cũng được thảo luận trong việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, tránh những phản ứng không cần thiết gây sốc thanh khoản cho nền kinh tế.

Xem chi tiết ở đây

Từ khóa: phân rã lạm phát, mục tiêu lạm phát, quy tắc chính sách tiền tệ