Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Lại giá vàng và giá đôla


On SGTT

Sự biến động của giá vàng trong những ngày vừa qua, xuất phát từ những biến động của kinh tế thế giới, về bản chất không làm thay đổi hiện trạng thực của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên nó gây ra những hiệu ứng tâm lý xấu, gây bất ổn thị trường tài chính và tiền tệ trong nước.

Áp lực lên CPI, lãi suất, trực tiếp nhất là tỷ giá

Những hiệu ứng tâm lý này có tác động tiêu cực đến hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp, và các tổ chức khác trong nền kinh tế. Cụ thể, mặc dù vàng không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI nhưng sự gia tăng đột biến giá vàng có thể khiến một số người kinh doanh lợi dụng để đòi hỏi tăng giá bán các hàng hoá khác. Ngoài ra, tính đầu cơ của thị trường Việt Nam là rất lớn. Sự gia tăng mạnh của giá vàng sẽ khiến dòng tiền tập trung cao vào thị trường này. Thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài, người dân sẽ gom tiền để mua vàng và điều này sẽ khiến cho nỗ lực cắt giảm lãi suất của ngân hàng Nhà nước (NHNN) gặp khó khăn hơn.

Sự biến động của giá vàng còn góp phần gây ra sự bất ổn của thị trường ngoại hối. Nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn tỷ giá là do nền kinh tế có thâm hụt thương mại cao và kéo dài. Nhưng sự biến động tỷ giá mạnh trong những ngày vừa qua còn được góp phần bởi những bất cập của chính sách tiền tệ. Việc để cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ nóng, cao gấp cả chục lần so với tăng trưởng tín dụng nội tệ kể từ đầu năm tới nay gần như chắc chắn sẽ tạo ra cầu ngoại tệ cao vào cuối năm, khi những khoản vay bằng ngoại tệ đáo hạn và thâm hụt thương mại tăng cao.

Mặt khác, nó còn tạo ra kỳ vọng về sự lên giá của đồng ngoại tệ. Khi tất cả mọi người từ cá nhân, đến doanh nghiệp và ngân hàng nghĩ rằng ngoại tệ sẽ lên giá, thì chỉ cần một thông tin hay một biến động nhỏ nào đó liên quan đến thị trường ngoại hối xuất hiện, nó sẽ khiến kỳ vọng lên giá này được chuyển hoá thành hành động găm giữ và đẩy giá ngoại tệ lên cao.

Việc xuất hiện thông tin NHNN cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng vừa qua thể hiện rất rõ điều này. Mặc dù 5 tấn vàng, nếu được nhập khẩu về, chỉ làm tiêu tốn khoảng hơn 300 triệu USD, bằng khoảng 20% so với lượng USD thu về nhờ xuất khẩu vàng trong hai tháng vừa qua, nhưng nó lại làm giá bán USD tăng vọt lên trên 21.200 VND/USD (khoảng 3%) trên thị trường tự do. Ngay bản thân các ngân hàng thương mại mặc dù niêm yết với tỷ giá thấp nhưng thực tế là họ không chịu giao dịch theo tỷ giá đó.

Mục tiêu và giới hạn của sự can thiệp

Sự can thiệp nhanh của NHNN bằng cách cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng phần nào giúp cải thiện sự thông suốt giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Sự gia tăng giá vàng trên thế giới là bất khả kháng đối với Việt Nam. Cái mà NHNN có thể làm lúc này là xoá bỏ sự chênh lệch giá thái quá giữa hai thị trường và giải toả vấn đề tâm lý.

Ngoài ra, việc giải quyết những bất cập mang tính kỹ thuật điều hành chính sách trong nước, ví dụ như sự chênh lệch quá lớn lãi suất tín dụng nội tệ và lãi suất tín dụng ngoại tệ, cũng có thể làm giảm bớt những cú sốc trên thị trường. Rõ ràng, khi cho phép chênh lệch lãi suất lớn như vậy giữa hai đồng tiền tồn tại thì tức là chúng ta đang tạo ra kỳ vọng về sự mất giá của nội tệ. Tác động của các cú sốc bên ngoài, ví dụ như cú sốc giá vàng vừa qua đối với thị trường ngoại hối, sẽ là nhỏ hơn rất nhiều nếu như người dân không có kỳ vọng này.

Thống đốc NHNN vừa nói với báo chí rằng NHNN không điều chỉnh tỷ giá quá 1% từ giờ cho đến cuối năm. Đây là một trong những biện pháp trấn an thị trường. Nếu công chúng tin vào điều này (khó) và NHNN không có những phản ứng chính sách nào khác thì gần như chắc chắn tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ còn nóng, và tiếp tục tích tụ rủi ro cho thị trường ngoại hối.

Ứng xử với thị trường

Bản chất của hoạt động kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận. Mua giá thấp và bán với giá cao là lẽ thông thường trong một nền kinh tế thị trường. Hoạt động này có thể góp phần giúp phân bổ nguồn lực xã hội theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc để xảy ra tình trạng đầu cơ thái quá đến mức gây bất ổn như ở Việt Nam là một vấn đề cần phải giải quyết. Một nền kinh tế không thể phát triển với việc chỉ tập trung nguồn lực loay hoay quanh vòng xoáy đầu cơ chứng khoán, bất động sản, vàng, và đôla.

Tuy nhiên hoạt động đầu cơ không thể ngăn chặn bằng những mệnh lệnh hành chính. Những quy định về quản lý giá khó có thể phát huy hiệu quả bởi chúng không thể chống lại được quy luật của thị trường. Nhà nước cũng không thể có đủ nguồn lực để giám sát việc thực thi các quy định đó ở mọi hang cùng ngõ hẻm của nền kinh tế. Ngay cả khi Nhà nước có ngăn chặn được làn sóng đầu cơ vàng thì quyết định của họ có được công chúng hoan nghênh hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo – cái mà cơ quan quản lý hầu như không có. Niềm tin của công chúng với cơ quan quản lý sẽ ra sao nếu như việc đầu cơ vàng bị ngăn chặn bằng biện pháp hành chính, trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Trong một thị trường tự do những người tham gia thị trường phải chịu rủi ro cũng như hưởng lợi nhuận từ quyết định của chính bản thân họ. Việc lựa chọn trú ẩn vào loại tài sản nào trong bối cảnh cả kinh tế thế giới lẫn trong nước đều bất ổn phải do người dân tự lựa chọn. Nắm giữ vàng hay đôla chỉ là sự hoán đổi tài sản trong dự trữ của tổng thể nền kinh tế. Trong ngắn hạn, cách làm tốt nhất của các cơ quan quản lý nhà nước có lẽ là tạo ra một thị trường có giá cả thông suốt giữa trong nước và quốc tế nhằm tránh tích tụ rủi ro và biến động giật cục. Ngoài ra, giải quyết những bất cập chính sách nội tại có thể giúp thị trường trong nước đỡ bị “tổn thương” hơn đối với các cú sốc bên ngoài. Còn trong dài hạn, các biện pháp có lẽ nên tập trung trả lời câu hỏi tại sao công chúng không nắm giữ tiền đồng hay trái phiếu chính phủ Việt Nam, mà lại chỉ loay hoay đầu cơ vàng và đôla?

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tăng cường kỷ luật ngân sách

On the SGTT

LTS: Quốc hội khoá XIII đang họp kỳ họp đầu tiên trong bối cảnh vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công nhiều nước trở nên trầm trọng, khiến nhiều người giật mình, lo ngại nguy cơ của Việt Nam. Trong nước, từ trước, sự đổ bể của tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến giám sát hoạt động kinh doanh đầu tư vốn nhà nước. Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có thẩm quyền tối cao đối với các vấn đề thuộc ngân sách. Thách thức đối với Quốc hội liên quan đến việc thực thi thẩm quyền này, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế: TS Phạm Thế Anh và TS Lê Hồng Giang.

Tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam có an toàn hay không, thưa ông?

Khi thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, nó lại chính là nguyên nhân gây ra những bất ổn về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

TS Phạm Thế Anh: Thật khó có thể đưa ra một ngưỡng an toàn với tỷ lệ cụ thể về nợ công đối với Việt Nam. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra ngưỡng an toàn này là rất khác nhau giữa các nước. Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản lên tới khoảng 200% vẫn được cho là an toàn. Trong khi đó, một số nước Đông Âu và Trung Á đã rơi vào khủng hoảng nợ khi tỷ lệ nợ công/GDP tăng lên mức 80 – 90%. Thậm chí các nước thu nhập thấp và trung bình rơi vào khủng hoảng nợ khi tỷ lệ này thấp hơn nhiều.

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện nay vào khoảng 60%. Việc tranh luận xem tỷ lệ này là an toàn hay không đôi khi là không cần thiết. Quan trọng hơn là chúng ta phải nhìn vào xu hướng, những rủi ro tiềm ẩn và chất lượng sử dụng các khoản nợ công này.

Vậy đâu là những rủi ro của nợ công Việt Nam hiện nay?

Nguy cơ thứ nhất đó là xu hướng tăng nhanh của cả nợ trong nước lẫn nợ nước ngoài trong những năm gần đây. Dù ngưỡng an toàn là bao nhiêu đi chăng nữa thì với tốc độ tăng nhanh của nó, mỗi năm tăng thêm khoảng 5 – 7% GDP, thì nợ công sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng an toàn.

Thứ hai, nợ công trong nước hiện nay chịu nhiều rủi ro về lãi suất. Trong khi đó, nợ công nước ngoài lại chịu rủi ro lớn về tỷ giá. Ngay cả trong trường hợp Việt Nam có khả năng duy trì cân bằng ngân sách cơ bản hàng năm, thì quy mô của các khoản nợ công cũng tăng nhanh với tốc độ bằng với lãi suất và tỷ lệ mất giá của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, quan hệ này không phải là một chiều. Khi thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao, nó lại chính là nguyên nhân gây ra những bất ổn về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Có thể nói thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả là những rủi ro liên quan đến chất lượng của việc sử dụng những khoản nợ công này. Nếu các khoản nợ công được sử dụng hiệu quả, đem lại tăng trưởng bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống thì nợ công nên được khuyến khích. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng nợ công lại gây thất thoát, tham nhũng, lạm phát, và các bất ổn vĩ mô khác thì cần phải tuyệt đối hạn chế nó. Những rủi ro này theo tôi ở Việt Nam hiện nay là rất lớn thông qua hàng loạt các vụ việc bị phát hiện gần đây. Chất lượng sử dụng các khoản nợ công sẽ quyết định đến khả năng thanh toán nó và triển vọng trong tương lai của nền kinh tế.

Để giảm thiểu những rủi ro này, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cần phải làm gì?

Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có chức năng đưa ra những quyết định và giám sát việc thực thi tài khoá, cần phải tăng cường kỷ luật và giám sát việc thực hiện thu chi ngân sách.

Kỷ luật ngân sách ở đây thể hiện qua việc Quốc hội cần phải đưa ra các quy tắc tài khoá rõ ràng và yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm ngặt. Quy tắc tài khoá ở đây có thể được thể hiện qua hàng loạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nợ công/GDP, tỷ lệ thâm thụt ngân sách tối đa hàng năm, quy tắc về vay mượn (ví dụ như không được vay mượn từ ngân hàng Trung ương hay không được ứng trước ngân sách để chi tiêu, không được vay mượn quá bao nhiêu phần trăm so với tổng thu/chi,…). Các chỉ tiêu này nếu được thực hiện nghiêm sẽ giúp giảm bớt các rủi ro về nợ công.

Để thực hiện và giám sát tốt kỷ luật ngân sách, các thông tin về thu chi ngân sách cũng cần phải được chuẩn hoá và công khai theo thông lệ quốc tế. Việc hạch toán theo những cách riêng sẽ làm cho công tác giám sát và so sánh quốc tế gặp khó khăn. Hy Lạp và một số nước khác đã và đang phải trả giá đắt khi trước đây cố tình che giấu tình trạng nợ công của họ.

Tuy nhiên, việc giám sát có chặt chẽ thế nào đi nữa thì Quốc hội cũng không thể đủ nguồn lực và kỹ thuật để giám sát từng dự án, từng chương trình chi tiêu ngân sách. Về lâu dài, cách tốt nhất có lẽ là phải làm thế nào để không hoặc ít phải giám sát. Hiện nay chúng ta thấy rằng quy mô của chi tiêu chính phủ/GDP của Việt Nam thuộc diện cao nhất trong những nước ở khu vực, và thậm chí nó còn có xu hướng tăng so với những năm đầu đổi mới. Việc “rút lui” dần khỏi các hoạt động kinh tế của nhà nước, đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân, sẽ giúp cho nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, ngân sách cân bằng hơn và việc giám sát kỷ luật ngân sách được thực hiện tốt hơn.

Gánh nặng thuế của người dân đang cao so với các nước trong khu vực. Quốc hội khoá mới sẽ bàn về chuyện miễn giảm một số loại thuế cho một số đối tượng để chia sẻ gánh nặng lạm phát, đó là việc đáng hoan nghênh nhưng mang tính thời điểm. Về lâu dài, phải chăng, Quốc hội nên tính đến những chính sách căn cơ hơn để giảm gánh nặng này nhằm khoan sức dân, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế?

Hiện nay mức thu ngân sách là khá cao. Số liệu so sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ thuế, phí và lệ phí của Việt Nam vào khoảng 25 – 26% GDP. Ngay cả khi trừ đi khoản thu từ dầu thô thì tỷ lệ này vẫn ở khoảng 21% GDP. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia vào khoảng 15%, Philippines còn thấp hơn với khoảng trên dưới 13%, Indonesia là 12%, một số nước có tỷ lệ này rất thấp ví dụ như Ấn Độ chỉ khoảng 7 – 8%. Như vậy, bên cạnh “thuế lạm phát” hai con số, trung bình mỗi người dân Việt Nam chịu tỷ lệ thuế/thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các nước trong khu vực.

Những biện pháp giảm thuế hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Ngoài ra, nó còn đặt ra những dấu hỏi về tính công bằng giữa những đối tượng được cắt giảm và gây thêm thâm hụt ngân sách. Về lâu dài, các biện pháp căn cơ đối với nền kinh tế vẫn phải là cắt giảm chi tiêu công, cân đối ngân sách phải tránh dựa vào những khoản thu kém bền vững như bán tài sản hay tài nguyên thiên nhiên, đưa lạm phát của nền kinh tế xuống còn 4 – 5% như những nước trong khu vực, tăng cường tỷ lệ tuân thủ nghĩa vụ nộp ngân sách chứ không nên tận thu thuế bằng cách tăng cơ sở tính thuế hay tăng thuế suất để giảm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, hệ thống thuế của Việt Nam cũng cần phải có những cải cách nhất định để tránh hiện tượng thuế chồng thuế, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, và khuyến khích hành vi trốn thuế.

-----------


TS: Lê Hồng Giang
: Giám sát việc đầu tư kinh doanh vốn nhà nước

Theo tôi hiểu Quốc hội hiện tại không giám sát trực tiếp phần tài sản của nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần.

Chức năng này được Quốc hội giao cho Chính phủ và Chính phủ đang chuyển dần cho tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Thực ra với một Quốc hội chưa hoàn toàn chuyên trách như hiện nay thì đây là phương thức duy nhất khả thi, vì việc giám sát trực tiếp 100% vượt ra ngoài khả năng của Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội nên sớm thông qua một bộ luật quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ và SCIC trong việc quản lý tài sản của các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước này, và bản thân Quốc hội cũng nên tham gia sâu hơn vào quá trình giám sát SCIC.

Mặc dù SCIC là một doanh nghiệp (một thành viên) phải chịu sự chi phối của luật Doanh nghiệp, có hai vấn đề quan trọng vượt ra ngoài khuôn khổ của bộ luật này. Thứ nhất là thu nhập của SCIC, về bản chất là lợi nhuận (return) sinh ra từ đồng vốn của nhà nước, sẽ được sử dụng như thế nào? Bao nhiêu phần trăm phải trả về cho ngân sách nhà nước, bao nhiêu phần trăm SCIC có thể tái đầu tư, đầu tư đến giới hạn nào và vào đâu thì SCIC hay Chính phủ có thể tự quyết định thay vì phải xin ý kiến Quốc hội? Một nguyên tắc quan trọng ở đây là thu nhập của SCIC phải được coi là thu nhập của ngân sách chứ không phải là thu nhập của một doanh nghiệp nhà nước bình thường. Cũng cần phân biệt rõ thu nhập và lợi nhuận của SCIC, nếu đơn vị này thoái vốn từ một doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước và thu về một khoản lớn hơn giá trị sổ sách mà trước đây nhà nước đã bàn giao, thì đó không nên tính là lợi nhuận do SCIC làm ra mà là thặng dư vốn của nhà nước.

Vấn đề thứ hai là cơ cấu và nhân sự của SCIC. Cho đến nay hội đồng quản trị của SCIC thiếu vắng các chuyên gia độc lập và đại diện của Quốc hội. Nên nhớ đồng vốn giao cho SCIC là tài sản chung của nhân dân, do đó Quốc hội với tư cách là đại diện cho dân phải có tiếng nói và trách nhiệm giám sát với những đồng vốn đó. Quốc hội có thể cử một đại biểu chuyên trách tham gia hội đồng quản trị của SCIC và/hoặc có thể đề cử một/vài chuyên gia độc lập đại diện cho mình bên cạnh đại diện của Chính phủ. Các chuyên gia độc lập ngoài việc đóng góp chuyên môn cao còn là đối trọng với các đại diện của Chính phủ và ban giám đốc SCIC. Quốc hội có thể yêu cầu các chuyên gia độc lập này điều trần và phản biện lại các đại diện của chính phủ trong các cuộc họp của Quốc hội. Đây là giải pháp tăng tính minh bạch và giảm bớt chi phí đại diện (agency cost) khi đồng vốn nhà nước được quản lý thông qua hai tầng đại diện. Trên nguyên tắc Quốc hội cần giữ quyền thuê cả các chuyên gia quản trị giỏi nước ngoài ngồi vào hội đồng quản trị của SCIC, chứ không nên giới hạn là người Việt Nam.

Vấn đề giám sát và làm luật thế nào, Quốc hội luôn có thể học hỏi từ các chuyên gia trong ngoài nước và quốc hội các nước khác. Nhưng điều kiện tiên quyết để quá trình giám sát và làm luật có thể hiệu quả là cần chuyển dịch dần Quốc hội thành một cơ quan chuyên trách và chuyên nghiệp. Cần coi đại biểu Quốc hội không chỉ là những đại diện cho nhân dân mà còn là những chuyên gia chuyên nghiệp trong lĩnh vực giám sát và làm luật. Một Quốc hội làm việc toàn thời gian là nhu cầu bức thiết cho giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Kích cỡ có quan trọng?

From Mankiw's blog I found this striking paper.

Theo bài báo này thì kể từ giờ lý thuyết tăng trưởng kinh tế sẽ được bổ sung thêm một nhân tố quan trọng nữa đó chính là độ dài của pháo (penile length). Tatu Westling, nhà kinh tế của Đại học Helsinki, đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và penile length của các quốc gia trong giai đoạn 1960 và 1985. Mô hình của ông được xây dựng dựa trên mô hình tăng trưởng Solow và sử dụng bộ số liệu gồm 121 nước như trong bài báo của Mankiw-Romer-Weil (1992). Kết quả nghiên cứu cho thấy penile length có vai trò quan trọng đến quá trình phát triển của các quốc gia. Một số kết luận quan trọng của bài nghiên cứu bao gồm:

1. Penile length có mối quan hệ hình chữ U ngược với mức GDP của năm 1985;

2. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1960-1985 có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với penile length, và nó có thể giải thích tới 20% sự biến động của GDP trong giai đoạn này;

3.Kích cỡ tối ưu (để có được GDP cao nhất) chỉ là khoảng 13,5cm! (Đây là lý do tại sao Mankiw lại thất vọng. Có thể tham khảo thêm ở đây để xem nước nào đang có độ dài tối ưu). Nếu như nó dài hơn 16cm thì quá trình sụt giảm kinh tế sẽ xảy ra;

4. Khi đưa biến phản ánh penile length vào mô hình ước lượng thì kết quả cho thấy tốc độ hội tụ thu nhập (nước càng nghèo thì có tốc độ tăng thu nhập càng cao) sẽ giảm và tác động tiêu cực của tăng dân số đối với tăng trưởng kinh tế cũng giảm.

Những kết quả này có nghĩa là nước nào có kích cỡ càng dài thì mức thu nhập của năm 1985 (năm cuối cùng trong mẫu nghiên cứu) sẽ càng lớn. Mối quan hệ này được duy trì cho tới khi nó đạt độ dài 13,5cm thì thu nhập sẽ đạt đỉnh. Nếu cứ tiếp tục dài quá 16cm thì lại gây hại cho phát triển kinh tế :D

Should these results be discussed in economic growth textbooks in the future?

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Who pays the highest tax burden?

Two months ago I was interviewed by a journalist about the current tax burden in Vietnam. However, it seemed that the interview failed to get permission to go public. In this case, blogsphere is the best place to express some critical views.

Here is the interview:

Journalist (J): Trong số các mục tiêu của việc cải cách chính sách thuế giai đoạn tới, có việc xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý, theo ông mức động viên trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?

Me (M): Tôi nghĩ mức động viên là khá cao. Tại sao nói như vậy? Chúng ta hãy so sánh số liệu quốc tế, tỷ lệ động viên (thu ngân sách nhà nước) từ thuế, phí và lệ phí của Việt Nam vừa qua vào khoảng 25%-26% GDP, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Ma-lay-xia vào khoảng 15%, Philippin còn thấp hơn với khoảng trên dưới 13%, In-đô-nê-xia là 12%, một số nước có tỷ lệ này rất thấp ví dụ như Ấn Độ chỉ khoảng 7%-8%. Có thể nói trung bình mỗi người dân Việt Nam chịu tỷ lệ thuế/thu nhập cao gấp từ 1,5 đến 3 lần so với các nước trong khu vực.

Nước ta vừa bước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình (cận dưới), bên cạnh thuế thu nhập cá nhân còn nhiều khoản thuế khác đánh vào tiêu dùng, ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Một vấn đề khác là lạm phát thường được ví như một loại “thuế” tàng hình ở ta rất cao, đối với các nước trong khu vực lạm phát ở mức 4%-5% đã được coi là cao thì ở ta lạm phát đang ở mức hai con số. Chống lạm phát và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý hơn, chính là để khoan sức dân, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

J: Nguồn thu ngân sách của nước ta có đóng góp quan trọng từ dầu thô, như vậy nếu loại trừ yếu tố dầu thô thì có thể tỷ lệ động viên không đến mức cao như số liệu ở trên?

M: Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, ước thực hiện thu ngân sách từ thuế và phí năm 2009 và 2010 lần lượt là 23,7% và 24,9% GDP, trong đó thu từ dầu thô lần lượt chiếm khoảng 13,7% và 13,4% tổng thu ngân sách, hay tương đương với 3,6% GDP. Do vậy, tỉ lệ thu từ thuế và phí loại trừ thu từ dầu thô vẫn chiếm tới trên 21% GDP – một con số quá cao so với các nước trong khu vực.

Hình 6.3. So sánh quốc tế - tỷ lệ thu từ thuế và phí, 2000 – 2009 (% GDP)

Nguồn: ADB Indicator 2010


J: Trên thế giới nhiều nước có mức động viên rất cao, ví dụ một số nước Bắc Âu?


M: Họ cao nhưng mình không so sánh được, vì hệ thống an sinh xã hội của họ rất tốt, người thất nghiệp được đảm bảo cuộc sống, người về hưu có chế độ tốt, người bệnh không phải trả chi phí y tế, sinh viên không phải đóng học phí,… Chúng ta chỉ có thể so sánh với những nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình thấp, có hệ thống an sinh xã hội tương đồng với mình, cụ thể là nên so sánh với các nước trong khu vực.

J: Chính phủ đang nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách, như vậy đề cập đến việc giảm thuế trong bối cảnh hiện nay có thể chưa phù hợp?

M: Để giảm bội chi ngân sách, Chính phủ có thể tiến hành cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công và/hoặc tăng thu ngân sách. Rõ ràng trong các việc đó thì cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công sẽ dễ nhận được sự ủng hộ của công chúng. Hơn nữa, với thực trạng nguồn thu hiện nay thì dư địa để tăng thu là không nhiều. Trung bình trong 5 năm gần đây, 2/3 nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm đến từ ba loại thuế là thuế giá trị gia tăng (23%), thuế thu nhập doanh nghiệp (30%) và thuế quan (tariff) thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (13%). Thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đang tăng nhanh, cho thấy sự phụ thuộc của nguồn thu vào các hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo lộ trình cam kết gia nhập WTO thì tariff là nguồn thu kém bền vững, vì đến thời điểm nhất định chúng ta phải giảm thuế để thực hiện cam kết hội nhập. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng là điều cần thiết, tuy nhiên thực tế trong thâm hụt thương mại thì hàng tiêu dùng xa xỉ chiếm tỷ lệ không lớn, vấn đề nằm ở cơ cấu nền kinh tế với sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ và việc không coi trọng thị trường hàng tiêu dùng trong nước. Thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, chuyển quyền sử dụng đất, cổ phần hóa,… là những nguồn thu hữu hạn. Tương tự, thu từ bán tài nguyên, nhất là dầu thô cũng hữu hạn. Hiện nay có chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường, tuy nhiên cần lưu ý khi so sánh giá xăng dầu nước ta với một số nước khác là họ không có nguồn thu từ dầu thô (sở hữu toàn dân) còn chúng ta thì ngược lại.

Thuế thu theo luật định, do vậy việc tăng thu không có nghĩa là lạm thu mà phải tập trung vào chống thất thu, chống buôn lậu, chống trốn thuế. Cách tốt nhất là làm sao để tăng tỷ lệ tuân thủ nộp ngân sách, chứ không thể tăng cơ sở đánh thuế, tăng mức thuế suất. Con đường duy nhất để giảm thâm hụt ngân sách và tránh sự gia tăng nhanh của nợ công là cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công một cách quyết liệt và với định hướng lâu dài.

J: Ông cho rằng nếu điều chỉnh giảm mức thuế suất chung một cách hợp lý hơn nữa đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể vẫn không ảnh hưởng đến thu ngân sách?

M: Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp, sẽ giúp thu hút đầu tư tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay trong khu vực FDI chúng ta thấy có những doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng cứ xin mở rộng đầu tư, đó là hiện tượng chuyển giá để trốn thuế. Thực tế thuế thu nhập doanh nghiệp của mình cao hơn một số nước trong khu vực, đây là một trong những lý do góp phần tạo nên hiện tượng chuyển giá. Ví dụ nếu thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước nào đó trong khu vực thấp hơn nước ta, doanh nghiệp FDI sẽ chuyển lợi nhuận sang nước đó để chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn. Cho nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa chắc đã làm giảm thu ngân sách. Chúng ta biết rằng FDI là khu vực rất lớn, nhưng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách không cao, chỉ khoảng 10%.

J: Vậy theo ông tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí ở mức bao nhiêu là hợp lý?

M: Trong bối cảnh nước nhà đang cần nhiều nguồn thu, nhiều vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, thì nguồn thu có thể cao hơn đôi chút so với các nước trong khu vực, nhưng không nên cao quá và với điều kiện là phải đưa lạm phát xuống. Đặc biệt, ở Việt Nam, lương thực & thực phẩm luôn có giá cả gia tăng nhanh hơn những hàng hóa khác. Trong khi đó, chi tiêu cho lương thực & thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của người nghèo. Điều này hàm ý, thuế lạm phát có thể làm giảm gánh nặng nợ công cho Chính phủ nhưng nó cũng đang khiến cho cuộc sống của người nghèo ngày càng khó khăn và khoảng cách giàu nghèo trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Quote of the day (2)

"Trong khi đó, lãi suất quá cao 23-25% khiến các doanh nghiệp không vay, NH huy động rồi để đấy và hoặc cho vay thì nhiều NH hết room tín dụng do đó vừa qua các NHTM đã mua hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) 12,6% rồi chiết khấu tại thị trường mở 14-15% cho đỡ lỗ."

Link

Theo lập luận của ông Nghĩa, nếu NH huy động rồi để tiền đấy thì họ chịu lỗ lãi suất huy động. Nếu dùng tiền đó mua TPCP thì NH được hưởng lãi suất 12,6%, sau đó dùng TPCP chiết khấu lại trên thị trường mở lấy tiền về thì NH phải trả lãi suất 15%. Vậy tức là họ lỗ thêm 15-12,6=2,4% nữa. Vậy đỡ lỗ hơn ở chỗ nào? Ông Nghĩa có vẻ như không hiểu lý do tại sao các NHTM lại mua TPCP.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Quote of the day (1)

"Ở các nước, khi lạm phát cao, Ngân hàng Nhà nước của họ chỉ việc hút tiền về, còn xử lý lạm phát ở Việt Nam lại phải gắn thêm bài toán tỷ giá. Bởi lẽ, nếu lạm phát cao mà tiếp tục đẩy tiền ra thì VND càng mất giá so với ngoại tệ, khiến quan hệ tỷ giá càng căng thẳng."

Link

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Nợ công Việt Nam: Rủi ro và Thách thức

Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đang có nhu cầu vay nợ cao để thực hiện nhiều dự án kinh tế - xã hội khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng nợ ở các nền kinh tế mới nổi trong thập kỉ 1990s và gần đây là khu vực châu Âu với những hậu quả nghiêm trọng của chúng đang là bài học quý giá nhắc nhở các quốc gia cần cẩn trọng với các quyết định ngân sách của mình. Bài viết này đánh giá tổng quan về thực trạng nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây, phân tích những rủi ro có thể xảy ra và đưa ra một vài dự báo đối với nợ công của Việt Nam trong thời gian tới.

Xem chi tiết bản tiếng Việt tại đây

Bản tiếng Anh

Public debt in Vietnam: Risks and Challenges

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (2)


Cửa sổ tái cấp vốn


Lạm phát hiện nay đã ở mức trầm trọng, xấp xỉ 2%/tháng trong nhiều tháng liên tiếp, và khác xa so với những dự báo đầu năm của chính phủ. Do vậy, các mục tiêu về tăng trưởng cung tiền và tín dụng cũng cần phải được điều chỉnh. Thật đáng ngạc nhiên là trong vòng xoáy lạm phát, cung tiền và tín dụng của qúy 1 vẫn lần lượt được thả ở mức trên 2% và xấp xỉ 4%. Một khái niệm về thắt chặt tiền tệ khó có thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác trên thế giới.

Lượng tiền cơ sở trong nền kinh tế hiện nay được NHNN điều tiết chủ yếu qua hai kênh: thị trường mở và cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Ngoài số liệu hoạt động thị trường được công khai hàng ngày, chúng ta không có thông tin gì về nghiệp vụ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Về bản chất, việc cho vay của NHNN đối với các NHTM qua cửa sổ tái cấp vốn là một hình thức đòn bẩy tín dụng và, trừ lý do khẩn cấp về thanh khoản, nó cần được tuyệt đối hạn chế trong thời kì chống lạm phát cao.

Lý giải duy nhất cho mức tăng trưởng cung tiền/tín dụng dương đó là cụm từ “chính sách tiền tệ linh hoạt” để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các tiêu chí về việc ngân hàng nào, trong điều kiện nào,… thì được tái cấp vốn từ NHNN lại không được công khai.

Đặc biệt, việc để mức lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp, 11%, 12% rồi 13% trong hai tháng vừa qua, trong khi lãi suất cho vay của các NHTM lên tới xấp xỉ 20% sẽ không ngăn chặn được vấn đề rủi ro đạo đức (moral hazard). Tức là, các NHTM sẽ kém thận trọng hơn với các quyết định kinh doanh có khả năng gây thiếu hụt thanh khoản khi họ biết rằng NHNN cho phép, mặc dù là có sàng lọc, thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn với giá rẻ.

Giả sử lãi suất cho vay là 20%, thì cứ mỗi một hợp đồng tín dụng được chấp nhận qua cửa sổ tái cấp vốn, NHTM sẽ có thêm khoảng 7% tiền lãi.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng và cải thiện thanh khoản của hệ thống NHTM có thể được thực hiện bằng một thông điệp cứng rắn từ NHNN đối với nghiệp vụ tái cấp vốn. Thông điệp này phải được cụ thể hóa bằng một mức lãi suất tái cấp vốn đủ lớn.

Trong thời kì chống lạm phát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng phải được cải thiện nhờ thu hút tiền gửi từ công chúng chứ không thể nhờ kênh bơm tiền từ NHNN. Và điều đó chỉ có thể làm được với mức lãi suất thực dương.

Link trên Saigontimes

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (1)

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách ghìm cương lạm phát là phải đảm bảo lãi suất thực dương, đồng thời không gây sốc thanh khoản cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, một số công cụ chính sách tiền tệ hiện nay có vẻ như không ủng hộ cho điều này.

Trần lãi suất

Trong vòng hai tháng qua, NHNN đã ba lần điều chỉnh các lãi suất chủ chốt như lãi suất OMO và lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất này.

Trần lãi suất tiền gửi hiện nay được ấn định ở mức 14%/năm. Thoạt nhìn con số này có vẻ là đủ cao để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Tuy nhiên, con số 14%/năm khi quy đổi chỉ tương đương với trần lãi suất 1,16%/tháng. Kể từ tháng 11 năm ngoái, lạm phát lần lượt là 1,86%, 1,98%, 1,74%, 2,09%, và 2,17%. Phép cộng trừ đơn giản (lãi suất thực = lãi suất danh nghĩa – tỉ lệ lạm phát) sẽ cho ta các con số lãi suất thực lần lượt là -0,70%, -0,81%, -0,57%, -0,93%, -1,01%.

Như vậy, lãi suất thực đã âm trong 5 tháng liên tiếp. Chừng nào mức lãi suất thực còn âm thì nó sẽ không khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm. Thay vào đó, dân chúng sẽ đầu cơ vào những tài sản có khả năng giữ được sức mua trong thời kì lạm phát cao như vàng và bất động sản, khiến cho cơn bão giá khó dừng lại. Lãi suất cao có thể khiến việc mở rộng sản xuất trong dài hạn bị dừng lại, tuy nhiên nó cũng đang giúp cho một số doanh nghiệp được lợi khi có khả năng điều chỉnh giá lên tới cả chục phần trăm, mặc dù chi phí vốn vay chỉ góp một phần nhỏ trong tổng giá thành.

Cộng cụ trần lãi suất huy động 14%/năm hay 1,16%/tháng hiện nay không giúp tạo ra được mức lãi suất thực dương, và do đó không làm tăng được các khoản tiền gửi dài hạn để chống lạm phát. Do vậy, nền kinh tế sẽ mắc kẹt ở mức lạm phát cao và lãi suất cao trong thời gian dài. Trong thời kì lạm phát cao và nhanh thay đổi, khi hợp đồng tín dụng thường được thực hiện với kì hạn ngắn thì mức lãi suất trần theo tháng cần phải được điều chỉnh linh hoạt. Nó cần phải ở mức cao đủ lớn để đảm bảo lãi suất thực dương. Việc làm này mặc dù có thể khiến lãi suất theo tháng tạm thời cao hơn trong một vài tháng đầu, nhưng nó là tiền đề để có thể thu hút tiền nhàn rỗi trong công và từ đó giảm được lạm phát và lãi suất trong những tháng tiếp theo.

Trần lãi suất huy động, trong khi thả nổi lãi suất cho vay, không giúp nhiều cho việc hạn chế rủi ro hệ thống. Nó cũng không đảm bảo lãi suất thực dương để chống lạm phát. Chính sách tiền tệ không thể bắt người dân, những người có thu nhập danh nghĩa cố định, phải “chia sẻ” với doanh nghiệp khi thu nhập thực của họ đang giảm dần theo lạm phát, và khi các NHTM vẫn báo cáo lãi hàng ngàn tỉ đồng nhờ khoảng cách lãi suất ngày được tăng lên. Việc chia sẻ nên đặt theo chiều ngược lại.

Link trên Saigontimes

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Thanh khoản

Lãi suất trong ngắn hạn của nền kinh tế thường phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là lạm phát và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lạm phát và khả năng thanh khoản của các NHTM không phải là hai yếu tố hoàn toàn độc lập nhau, đặc biệt là trong thời kì lạm phát cao.

Tính thanh khoản của một ngân hàng phản ánh khả năng chi trả các nghĩa vụ tài chính đến hạn. Rủi ro thanh khoản chủ yếu xuất hiện khi ngân hàng phải “lấy ngắn nuôi dài”. Tức là dùng các khoản huy động ngắn hạn để tài trợ cho các khoản cho vay dài hạn hoặc đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản.

Thời gian gần đây hệ thống NHTM luôn gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là ở các NHTM cổ phần nhỏ. Một trong những đề xuất được NHNN cân nhắc để quản trị rủi ro thanh khoản đó là việc không cho phép tiền gửi có kì hạn được rút trước hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thỏa thuận trước với ngân hàng. Việc ổn định hệ thống tài chính là một hướng đi đúng tuy nhiên biện pháp này có thể gặp vấn đề về tính khả thi của nó.

Trong môi trường lạm phát cao và khó dự báo được trước như hiện nay, trừ trường hợp được thỏa thuận lãi suất vượt trần (14%), người gửi tiền không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn với lãi suất danh nghĩa cố định. Ngược lại, nếu phải trả mức lãi suất huy động vượt trần thì các NHTM lại không muốn huy động dài hạn. Do vậy, các khoản tiền huy động được của các NHTM thường là ngắn hạn và tạo ra sự lệch pha kì hạn giữa các khoản tiền gửi và cho vay. Kết cục là các NHTM thường phải tham gia vào các cuộc đua lãi suất huy động hoặc đẩy lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, nhiều lúc vượt 20%, như trong thời gian gần đây nhằm đáp ứng thanh khoản tạm thời.

Nếu áp dụng quy định không được phép rút tiền gửi có kì hạn trước hạn, nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc người gửi tiền tăng cường thực hiện các hợp đồng cho vay rất ngắn hạn – nguyên nhân gây ra tình trạng kém thanh khoản – và đồng thời đòi hỏi lãi suất cao. Hơn nữa, vấn đề thanh khoản hiện nay đang nằm ở phía các NHTM chứ không phải ở phía người gửi tiền. Do vậy, người gửi tiền luôn có sức mạnh đàm phán yêu cầu áp dụng điều khoản rút trước kì hạn với NHTM. Các NHTM khi thiếu hụt thanh khoản chắc chắn cũng không bỏ lỡ cơ hội thỏa thuận với khách hàng, và rất có thể họ lại “chạy đua” với nhau để thỏa thuận với khách hàng của mình.

Nguyên nhân chính khiến người gửi tiền lo ngại không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn gây tình trạng căng thẳng thanh khoản cho các NHTM là do sự bất ổn của lạm phát, và kết quả của nó là những điều chỉnh mặt bằng lãi suất từ NHNN. Một trong những sản phẩm tín dụng có thể làm hạn chế những lo ngại này đó là các hợp đồng huy động có lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát.

Trong khi các hợp đồng huy động truyền thống ấn định mức lãi suất danh nghĩa cố định khiến cho người gửi tiền có thể chịu thiệt khi lạm phát gia tăng, thì các hợp đồng huy động có lãi suất danh nghĩa điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát có thể đảm bảo một mức lãi suất thực dương hợp lý cho người gửi tiền. Giả sử nếu mức lãi suất thực được thỏa thuận giữa NHTM và người gửi tiền là 3%/năm thì lãi suất danh nghĩa của hợp đồng có thể được ấn định bằng 3% + tỉ lệ lạm phát công bố bởi Tổng Cục Thống Kê. Việc thực hiện những hợp đồng này có khả năng bảo vệ lợi ích cho cả hai bên tham gia hợp đồng và góp phần làm giảm rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM.

Link trên SGTT

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Trần lãi suất huy động

Kể từ ngày 1/4 NHNN tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất OMO từ 12% lên 13%. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, NHNN đã hai lần điều chỉnh các lãi suất này nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế sức ép lạm phát đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh trong khi mặt bằng lãi suất đã được nâng lên đáng kể sau những lần điều chỉnh chính sách của NHNN. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất tiền gửi.

Chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát là một hướng đi đúng và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta lại thấy NHNN đang gặp vấn đề trong kĩ thuật điều hành các công cụ chính sách khác nhau. Thiếu sự đồng bộ trong việc điều chỉnh các công cụ chính sách, đặc biệt là các công cụ hành chính, sẽ nhanh chóng tạo ra những bất hợp lý và khiến cho các quy định của cơ quan quản lý trở nên kém “nghiêm”.

Nếu phải sử dụng một công cụ trần lãi suất nào đó để hạn chế rủi ro tín dụng trong điều kiện hiện nay thì trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ là công cụ phù hợp hơn. Trong môi trường lạm phát cao và bất ổn, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường sẽ được các NHTM đẩy cao hơn. Lãi suất cho vay do vậy sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí ở mức bất hợp lý khi thị trường thiếu thanh khoản, và gây rủi ro hệ thống khi chỉ có những hoạt động kinh doanh rủi ro cao, lợi nhuận lớn, mới có khả năng sử dụng những nguồn vốn giá cao này.

Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ giúp hạn chế bớt phần nào rủi ro này. Ngoài ra, việc quy định trần lãi suất 14% còn đang gây bất lợi cho người gửi tiền “nghèo”. Trong khi người giàu, với các khoản tiền gửi lớn, có sức mạnh đàm phán với các NHTM để hưởng lãi suất thỏa thuận cao thì người gửi tiền “nghèo” – vốn đã thiếu các công cụ phòng chống lạm phát – lại không có được khả năng này.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Điều chỉnh giá bán nhà theo tỉ lệ lạm phát

Một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro lạm phát phổ biến trên thế giới đó là sử dụng các hợp đồng mua bán có giá được tự động điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát (Inflation Indexed Contracts). Ví dụ như tiền lương của người lao động hay giá bán sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được tự động điều chỉnh tăng cùng với tốc độ tăng giá. Đây là cách bảo vệ quyền lợi các bên tham gia hợp đồng trong nền kinh tế có lạm phát.

Gần đây các doanh nghiệp xây dựng đề xuất áp dụng điều chỉnh giá bán nhà theo tốc độ tăng của chỉ số giá xây dựng hoặc theo CPI. Khoan hãy nói về việc sử dụng chỉ số nào là hợp lý, thì về nguyên tắc cách làm này phải bảo vệ được quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua nhà. Dù áp dụng bất kì cách tính nào thì khi điều chỉnh giá nhà theo lạm phát, các doanh nghiệp xây dựng cần phải tính đến tiến độ nộp tiền của người mua. Để tính toán hợp lý, phần giá nhà đã nộp tiền của người mua phải không được điều chỉnh tăng. Khi người bán nhận tiền của người mua có nghĩa là người bán đã có khả năng và có trách nhiệm loại bỏ rủi ro của việc tăng giá nguyên vật liệu xây dựng trong tương lai, còn người mua thì đã bị mất đi khoản tiền lãi đáng ra có thể thu được nếu chưa phải nộp tiền. Hay nói cách khác, khi người mua đã nộp tiền thì họ đã sở hữu một phần căn nhà đó, do vậy không thể áp "phí lạm phát" đối với phần tài sản mà họ đã mua. Nếu bắt người mua phải chịu điều chỉnh giá cho toàn bộ căn nhà thì sẽ là bất hợp lý.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nhà theo lạm phát cũng cần có những ràng buộc pháp lý đối với người bán về tiến độ thực hiện. Những doanh nghiệp xây dựng khi đã nhận tiền của người mua nếu quá thời hạn không bàn giao được sản phẩm thì cũng phải trả lãi cho những khoản tiền đã nộp của người mua nhà. Thiết nghĩ, các quy định phải mang tính hai chiều mới bảo vệ được quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Các loại lãi suất đều tăng

NHNN vừa quyết định tăng tất cả các loại lãi suất lên 12%. Những bình luận về sự không hợp lý giữa các loại lãi suất ở đâyđây có vẻ như đã được NHNN ít nhiều lắng nghe :-)

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Đầu tư công: Cần có thêm những định hướng lâu dài

Cuối cùng nghị quyết của chính phủ về các nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã được đưa ra với sự kết hợp đồng bộ giữa cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ.

Những biện pháp như tạm hoãn, rà soát và đánh giá lại hiệu quả các hoạt động đầu tư công, rõ ràng chỉ mang tính tạm thời. Hơn nữa, kết quả đánh giá sẽ phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của những người thực hiện mà chưa tạo ra được một cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự bươn chải trong một cơ chế thị trường bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Theo số liệu thống kê những năm gần đây về tổng nguồn vốn đầu tư công, ngoài nguồn vốn từ phân bổ ngân sách nhà nước và vốn vay (có thể kiểm soát ngay được) thì vốn đầu tư của các DNNN, có nguồn gốc từ lợi nhuận sau thuế và tài sản nhà nước cũng chiếm tỉ trọng lớn, từ 24-30% tổng nguồn vốn đầu tư. Về nguyên tắc, lợi nhuận từ các DNNN đáng lẽ phải đóng vai trò là một khoản thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thực tế trong những năm vừa qua, hầu hết các DNNN, gồm cả những doanh nghiệp đang có những hoạt động nằm ngoài mảng hoạt động kinh doanh chính, lại được giữ lại lợi nhuận để thực hiện đầu tư mới. Việc giao lại lợi nhuận để đầu tư này một mặt giúp cho các DNNN có được lợi thế về nguồn vốn giá rẻ so với khu vực tư nhân, đồng thời nó dễ gây thất thoát và cũng kém tạo ra những động lực để các doanh nghiệp này làm ăn có hiệu quả.

Quá trình này cũng đang khiến cho quy mô của khu vực kinh tế nhà nước, vốn được cho là kém hiệu quả, khó giảm về quy mô. Song song với việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, việc giao lại lợi nhuận để đầu tư cho các DNNN, đặc biệt là đối với những dự án mang tính thương mại, nên được chấm dứt hoặc ít nhất, phải được tính chi phí như những nguồn vốn vay thông thường trên thị trường. Các DNNN cần vốn đầu tư cho những dự án mới, nếu chứng minh được tính hiệu quả, nên để họ tự huy động trên thị trường.

Cải cách đầu tư công cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với những công cụ lãi suất phải tạo ra được một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Việc phát hành trái phiếu chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư, dù với mục đích gì đi chăng nữa, cũng không nên có sự “hỗ trợ” trực tiếp hay gián tiếp từ NHNN. Việc các ngân hàng thương mại lớn liên tục báo cáo lãi hàng ngàn tỉ đồng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn trong năm qua đang đặt ra những câu hỏi lớn về sự bình đẳng giữa ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ, giữa các doanh nghiệp được sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ lãi suất thấp với các doanh nghiệp phải tiếp cận nguồn vốn chi phí cao trên thị trường.

Một cơ chế bình đẳng sẽ giúp các doanh nghiệp tự cải thiện nâng cao hiệu quả hoạt động để tồn tại. Sự kết hợp giữa những giải pháp tạm thời với những định hướng lâu dài và cơ chế giám sát thực hiện chặt chẽ có lẽ sẽ phải là bước khởi đầu cho công cuộc cải cách đầu tư công ở Việt Nam.

Link trên SGTT

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Lãi suất OMO

Thị trường tài chính Việt Nam hôm nay phản ứng tích cực mặc dù cuối giờ sáng hôm qua NHNN thực hiện việc nâng lãi suất repo trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường mở (OMO) từ 11 lên 12%. Thị trường có vẻ như đang bị “đánh lạc hướng” khi vẫn nhìn vào lãi suất cơ bản. Hầu hết các trang báo kinh tế, gồm cả vneconomy, cũng không thấy có bình luận hay đưa tin về sự thay đổi chính sách quan trọng này.

Nếu đọc bài trả lời phỏng vấn này của thống đốc Giàu chúng ta có thể thấy kể từ nay, NHNN sẽ sử dụng lãi suất OMO là công cụ chủ chốt để điều tiết thị trường. Việc sử dụng lãi suất OMO, thay vì lãi suất cơ bản mang nặng tính hành chính bấy lâu nay, là một quyết định đúng đắn. Thông thường, các NHTM nắm giữ một lượng TPCP nhất định để khi cần thiết có thể thế bán có kì hạn (repo) cho NHNN nhằm đáp ứng thiếu hụt thanh khoản trong ngắn hạn. Các NHTM không có TPCP để tham gia trên OMO có thể đi vay trên thị trường liên ngân hàng. Thông qua lãi suất OMO, NHNN có thể đánh trực tiếp vào hành vi đi vay và tự cân đối nguồn vốn của các NHTM, và từ đó tác động đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, và lãi suất cho vay/huy động trên thị trường.

Ông Giàu nói đúng “... lãi suất tái cấp vốn phải ở mức cao vì nếu ngân hàng kinh doanh bị mất khả năng thanh toán, vay ở ngoài không được phải chạy lên đây, đã lên đây thì phải cao chứ, thậm chí còn bị phạt nữa…” Do vậy, ông nên nâng lãi suất tái cấp vốn (hiện ở mức 11%) lên cao hơn nữa để nhất quán với việc nâng lãi suất OMO. Về nguyên tắc, lãi suất tái cấp vốn phải lớn hơn lãi suất OMO vì hợp đồng tín dụng của các NHTM rủi ro hơn so với TPCP. Hơn nữa, hành vi đi vay qua cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu là hành vi không được khuyến khích vì nó phản ánh nguy cơ mất khả năng thanh toán của NHTM.

Cùng với việc nâng lãi suất tái cấp vốn lên cao hơn lãi suất OMO, lãi suất tái chiết khấu cũng phải được nâng lên theo (ít nhất là bằng lãi suất OMO) để hạn chế sự bất bình đẳng có thể có. Việc nâng lãi suất tái chiết khấu cũng sẽ hạn chế dòng vốn của các NHTM lớn chạy loanh quanh trên các thị trường trái phiếu & tiền tệ nhằm hưởng chênh lệch lãi suất, và do đó sẽ “chịu” tìm đến các doanh nghiệp hơn.

Sau đúng 2 năm kể từ khi bắt đầu dùng gói viagra kích thích tăng trưởng, kinh tế Việt Nam giờ lại đang loay hoay với bài toán giảm tổng cầu!

Nếu quả thực thống đốc quyết tâm thực hiện những biện pháp (từ hạ tăng trưởng cung tiền/tín dụng, cắt giảm chi tiêu công, đến cân đối tiết kiệm – đầu tư trong dài hạn,…) như ông nói hôm nay thì việc ông sẽ rời NHNN trong nhiệm kì sắp tới, như tin đồn, sẽ là rất đáng tiếc đối với kinh tế Việt Nam :-).

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Sân chơi lãi suất bất bình đẳng?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9% lên 11,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu vẫn được giữ nguyên ở mức 7%.

Đây là một trong những hành động nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có vẻ như quyết định này đang tạo thêm ra một sân chơi bất bình đẳng về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với ngân hàng thương mại cổ phần, và giữa khu vực tư nhân với khu vực nhà nước.

Thông thường, trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản tạm thời, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đi vay từ NHNN thông qua việc thế chấp trái phiếu chính phủ hoặc thế chấp các hợp đồng tín dụng. Khi thế chấp bằng trái phiếu, NHTM phải trả mức lãi suất tái chiết khấu (7%). Ngược lại, nếu thế chấp bằng các hợp đồng tín dụng thì họ phải trả mức lãi suất tái cấp vốn (11%).

Phần lớn trái phiếu chính phủ hiện nay nằm trong tay các NHTM quốc doanh và một số NHTM cổ phần lớn. Như vậy, việc tăng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, chủ yếu đánh vào các NHTM cổ phần nhỏ. Trong khi các NHTM quốc doanh với thị phần lớn sẽ hầu như không bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, ẩn sau quyết định này chính là việc “hỗ trợ” cho việc phát hành trái phiếu chính phủ nhằm phục vụ chi tiêu của khu vực nhà nước. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng gần 7 ngàn tỉ đồng (trong kế hoạch 45 ngàn tỉ đồng của cả năm 2011) trái phiếu chính phủ đã được phát hành thành công với lợi suất chỉ xấp xỉ 11%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thị trường. Điều này tưởng chừng như vô lý, tuy nhiên thực chất các NHTM có thể đem thế chấp lượng trái phiếu mà họ nắm giữ để vay tiền từ NHNN với mức lãi suất chiết khấu (7%), sau đó cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao nhằm thu lợi lớn. Như vậy, quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn.

Đâu đó chúng ta vẫn thấy các thông tin về việc chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư trong năm 2011.

Nâng lãi suất cần phải đi kèm với việc hạn chế tăng trưởng cung tiền ra nền kinh tế mới mong kiểm soát lạm phát và nâng cao giá trị của tiền đồng một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, chính sách đưa ra cần phải tạo sân chơi bình đẳng giữa các khu vực.

Chúng ta vẫn đang bàn về việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ phải bắt đầu từ việc tái cấu trúc hệ thống chính sách vĩ mô và sâu xa hơn nữa, đó là “tái cấu trúc” những người làm ra các chính sách đó.

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Điều chỉnh tỉ giá

Cuối cùng thì bác G cũng ra tay lần cuối trước khi nghỉ. Lần này do nhịn hơi lâu nên mức độ điều chỉnh lên tới 9,3%, đồng thời thu hẹp biên độ dao động xuống còn +-1%. Hành động chính sách này có thể có một số tác động sau:

Giá USD trên thị trường tự do sẽ tạm thời bị ảnh hưởng do tâm lý. Tuy nhiên, với nguồn cung USD cao từ giải ngân FDI, kiều hối, vốn vay,... trong thời gian qua thì tỉ giá trên thị trường tự do sẽ nhanh chóng ổn định và dao động quanh mức 21,000-21,500 VND/USD.

Tác động đối với lạm phát có thể không đáng ngại lắm vì bấy lâu nay hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu vẫn phải mua USD tính theo tỉ giá của thị trường tự do. Tất nhiên việc phá sẽ có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là đối với giá xăng dầu nhập khẩu.

Kì vọng về sự phá giá tiếp theo chắc chắn phải còn rất lâu nữa mới xuất hiện. Vốn nước ngoài (cả FDI, FII, vốn vay, và kiều hối) nhiều khả năng sẽ đổ vào VN nhờ rủi ro tỉ giá giảm và nhờ lãi suất VND hiện rất cao. Dòng vốn ngoại sẽ vào mạnh nếu như Việt Nam từng bước giải quyết được vấn đề lạm phát và hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước.

Thâm hụt thương mại sẽ giảm cùng với dòng vốn ngoại vào sẽ giúp duy trì tỉ giá ổn định trong ít nhất 6 tháng đầu năm.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Cơ hội cho điều chỉnh tỉ giá

Trong suốt gần 3 tháng qua mức chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá trên thị trường tự do dao động trong khoảng từ 7-10%. Sự chênh lệch lớn này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như ngân hàng trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Thị trường, bao gồm cả các ngân hàng thương mại, bằng cách này hay cách khác gần như đã chấp nhận giao dịch ở mức tỉ giá của thị trường tự do. Việc điều chỉnh tỉ giá chính thức có thể gây ra những lo ngại về sức ép lạm phát gia tăng, tuy nhiên những thông điệp từ chính phủ cho thấy việc điều chỉnh tỉ giá sớm muộn cũng sẽ được thực hiện, vấn đề chỉ còn là việc lựa chọn thời điểm thích hợp.

Trước kì nghỉ Tết Nguyên Đán có lẽ là thời điểm thích hợp nhất. Sự dồi dào của lượng kiều hối, giải ngân vốn đầu tư gián tiếp, và đầu tư trực tiếp trong những tháng gần đây cộng với lãi suất VND cao đang khiến cho tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm đáng kể. Tỉ giá trên thị trường tự do đã giảm từ trên 21500 VND/USD trong những ngày cuối tháng 11/2010 xuống còn khoảng 21000 VND/USD trong thời gian gần đây. Việc điều chỉnh tỉ giá trong thời điểm thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ sẽ giúp cho thị trường tự do không bị xáo trộn mạnh đồng thời giúp đưa tỉ giá trên hai thị trường tiến sát gần nhau hơn.

Việc điều chỉnh tỉ giá trong thời điểm thắt chặt tiền tệ hiện nay được kì vọng là sẽ khiến cho các doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ chịu bán lại cho các ngân hàng thương mại hơn. Đây có lẽ là thời điểm tốt để Ngân hàng Nhà nước mua lại nhằm cải thiện lượng dự trữ ngoại tệ vốn được cho là đã xuống rất thấp trong thời gian qua. Cuối cùng, việc điều chỉnh tỉ giá trước kì nghỉ Tết dài sẽ giúp cho thị trường tránh được được cú sốc tức thời về tâm lý. Các quyết định sẽ cân nhắc kĩ lưỡng và thực hiện một cách khôn ngoan hơn.

Ngoại trừ vấn đề rủi ro tỉ giá, dòng vốn quốc tế thông thường sẽ đổ về những thị trường có lãi suất cao như Việt Nam hiện nay. Việc điều chỉnh tỉ giá, nếu được thực hiện, sẽ làm giảm bớt rủi ro tỉ giá đối với dòng vốn quốc tế. Đồng thời nó sẽ khiến cho dòng vốn quốc tế qua nhiều kênh khác nhau tìm đến thị trường Việt Nam nhiều hơn. Đây một mặt sẽ là cơ hội tốt cho Ngân hàng Nhà nước nâng cao dự trữ ngoại hối tuy nhiên cũng là thách thức đối với các nhà quản lý trong việc trung hòa lượng vốn ngoại này, tránh tình trạng tăng trưởng nóng cung tiền và lạm phát phi mã như những năm 2007-2008.

Hình: Diễn biến tỉ giá



Link liên quan

Techcombank trả giá.