Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Có nên hạ trần lãi suất?

On SGTT

Cùng với việc giá gas tăng mạnh trong thời gian gần đây thì việc tăng giá xăng 10% lần này sẽ có tác động rất xấu đối với giá cả trong nền kinh tế. Đặc biệt sự điều chỉnh này được diễn ra trong bối cảnh giá một loạt các mặt hàng thiết yếu khác cũng chuẩn bị có sự điều chỉnh tăng như dịch vụ y tế, điện, than… Trước tiên, sự gia tăng của giá xăng dầu sẽ trực tiếp làm tăng giá cả các nhóm hàng có sử dụng xăng dầu là yếu tố đầu vào trực tiếp như giao thông vận tải, vật liệu xây dựng, chất đốt… Sau đó, sẽ là tác động gián tiếp nhiều vòng lên các nhóm hàng hoá khác trong nền kinh tế. Việc điều chỉnh này là không thể tránh khỏi do sự chênh lệch không thể bù đắp giữa giá trong nước và giá quốc tế. Chỉ có điều các nhà làm chính sách đã lựa chọn cách điều chỉnh một lần, tạo ra cú sốc tăng hơn 10%, thay vì điều chỉnh dần dần trong một thời gian dài. Do vậy, tác động của sự điều chỉnh lần này sẽ là không nhỏ và ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số trong năm nay của Chính phủ.

Quyết định ép giảm lãi suất ngay trong thời điểm này có thể là một sự mạo hiểm chính sách. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp như hiện nay, đồng thời NHNN có khống chế tăng trưởng tín dụng/cung tiền ở mức hợp lý thì lạm phát do cầu kéo là hầu như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong khi giá một loạt các mặt hàng thiết yếu đang được điều chỉnh tăng thì quyết định giảm lãi suất có thể làm tăng lạm phát “tâm lý” và do vậy, có thể làm tăng tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu lên các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Ngoài ra, quyết định ép hạ lãi suất có thể là không hiệu quả trên thị trường và không giúp hạ được lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp đang phải trả. Tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ đang trên đà giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng mạnh và kỳ vọng lạm phát quay trở lại sẽ khiến cho hiệu quả của việc hạ trần lãi suất kém đi rất nhiều.

Gấp rút cơ cấu lại các khoản nợ xấu và các ngân hàng yếu kém mới là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hệ thống tài chính hiện nay. Đó chính là cơ sở để hạ được lãi suất lâu dài và bền vững. Nếu các điều kiện thị trường đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất, chúng ta nên gỡ bỏ trần lãi suất và để cho thị trường tự làm điều đó chứ không nên dùng các biện pháp ép buộc.