Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Do đầu tư phát triển?

Quốc hội hôm nay mổ xẻ các vấn đề liên quan đến gói trái phiếu cần phát hành thêm theo như đề xuất của Chính phủ. Các ý kiến hầu hết tập trung vào các vấn đề như lập danh sách các công trình ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư, chống thất thoát, v.v. Tuy nhiên, như thế có lẽ là chưa đủ.

Việc xin phát hành TPCP với lý do để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nghe có vẻ hợp lý và Quốc hội khó mà từ chối. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng nguyên nhân của việc “vỡ kế hoạch” phát hành TPCP trong hai năm qua không phải là do đầu tư công tiếp tục tăng tràn lan, mà là do chúng ta không kiểm soát được chi thường xuyên. Hậu quả là phần lớn thu ngân sách đã được dùng để chi thường xuyên/tiêu dùng mà không phục vụ đầu tư phát triển.

Cụ thể, theo Quyết toán NSNN của Bộ Tài chính, trong năm 2011, tổng chi thường xuyên có quy mô gấp 2,4 lần chi đầu tư phát triển và tăng gần 24% so với năm 2010. Trong năm 2012, tổng chi thường xuyên thậm chí còn tăng nhanh hơn, có quy mô gấp 3,4 lần chi đầu tư phát triển và tăng xấp xỉ 32% so với năm 2011. Như vậy, trong khi chúng ta có thể khống chế chi đầu tư phát triển thông qua việc cắt giảm, tạm dừng thực hiện các dự án đầu tư thì lại không có các ràng buộc/kỉ luật ngân sách với chi thường xuyên.

Do vậy, cần phải thấy rằng số tiền huy động sắp tới từ việc phát hành thêm TPCP có thể sẽ được dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tuy nhiên nguyên nhân của việc phải phát hành thêm này là do Chính phủ không kiểm soát được chi thường xuyên. Nếu điều này tiếp tục diễn ra, các đề xuất phát hành thêm TPCP sẽ còn xuất hiện; bộ máy đảng/nhà nước và số lượng công chức tiếp tục phình to; các phong trào/lễ kỉ niệm học tập/noi gương nhân dịp x năm ngày mất, y năm ngày sinh,.. của ông a, cụ b, anh c, chị d,… vẫn sẽ còn nhiều.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Bao giờ thì xin tiếp?

Vneconomy đưa tin.
Theo kế hoạch trước đây, Chính phủ được Quốc hội phê duyệt phát hành 225 nghìn tỉ đồng TPCP cho giai đoạn 2012-2015. Lưu ý rằng đây là phát hành "thêm", tức là cái nào hiện đang lưu hành mà đáo hạn thì chính phủ được phép phát hành bù, không tính vào con số 225 nghìn tỉ kể trên. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013 thì chúng ta đã tiêu nhẻm gần hết kế hoạch được giao, chỉ còn lại 75 nghìn tỉ đồng. Với mức thâm hụt ngân sách mỗi năm khoảng 5% GDP thì con số 75 nghìn tỉ này chỉ còn đủ dùng khoảng vài tháng nữa trước khi Chính phủ Việt Nam rơi vào tình trạng ngừng hoạt động giống xứ cờ hoa gần đây (Có làm thế không nhỉ?).

Sau khi mặc cả (để tránh chạm trần nợ công 65% GDP vào năm 2015) với Uỷ ban Thường vụ QH, từ xin phát hành thêm hơn 400 nghìn xuống còn 285 nghìn, và giờ chốt lại Bộ KH&ĐT trình ra QH là 170 nghìn tỉ đồng. Cộng với 75 nghìn tỉ còn lại thì tổng cộng Chính phủ sẽ có 245 nghìn tỉ đồng TPCP cho giai đoạn 2014-2016, tương đương 8% GDP của năm 2012. Nếu đem số này mà trả nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương, khoảng 91 nghìn tỉ đồng, thì con số còn lại chả đáng bao nhiêu. Xem ra với đà chi tiêu hiện nay, nhiều khả năng giữa năm 2015 Chính phủ sẽ phải xin in thêm trái phiếu một lần nữa.

Tôi hiểu rằng ông Vinh đang cố gắng biện hộ để thuyết phục các ông nghị bấm nút thông qua nhưng nói “việc phát hành trái phiếu Chính phủ không làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông, nên cơ bản không ảnh hưởng đến mặt bằng giá” là không đúng. Thứ nhất, bất kì khi nào chi tiêu chính phủ tăng thì sẽ ít nhiều làm tăng giá trừ phi chi tiêu của khu vực tư nhân giảm đúng bằng lượng gia tăng của chi tiêu chính phủ (full crowding out). Nếu điều đó xảy ra thì dưới góc độ tổng thể nền kinh tế, việc tăng chi tiêu công là vô nghĩa vì nó không giúp tạo ra sản lượng và việc làm.

Thứ hai, giá cả sẽ tăng một cách tồi tệ hơn nếu lượng TPCP phát hành thêm ở trên cuối cùng lại nằm ở ngăn kéo của Ngân hàng Nhà nước - một điều thường thấy ở Việt Nam khi số TPCP này chủ yếu được mua bởi các tổ chức tín dụng và sau đó được họ đem thế chấp qua cửa sổ chiết khấu hoặc qua hoạt động thì trường mở.

Thị trường tài chính có thể sẽ phản ứng tích cực. Tuy nhiên, nếu chưa nhìn thấy tương lai ổn định lâu dài của nền kinh tế, những ngày vui sẽ chẳng thể kéo dài.

Giới thiệu một số bài viết gần đây






4. Thâm hụt ngân sách, nợ công và rủi ro vĩ mô ở Việt Nam