Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Diễn Biến KT Việt Nam và Thế Giới tháng 8

KINH TẾ VIỆT NAM

Lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù giá cả có thể tăng trở lại vào cuối năm nhưng mục tiêu 8% là hoàn toàn có thể đạt được. Lạm phát có thể không phải là vấn đề gây rủi ro chính sách của năm nay nữa khi dòng tiền đang bị kiểm soát chặt.

Sản lượng công nghiệp tăng trưởng mạnh trong tháng 8 (15,2% yoy). Tổng kết 8 tháng đầu năm sản lượng công nghiệp tăng 13,8% yoy. Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành chỉ tăng 12%, trong khi đó chỉ số hàng tồn kho tăng khoảng 40% so với cùng kì.

Dự kiến chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu trong thời gian tới đối với một số sản phẩm có mức tồn kho cao như nhựa, sắt thép, thức ăn gia súc,…

So với cùng kì năm ngoái nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đang có xu hướng giảm. Điều này làm giảm áp lực nhập siêu nhưng nó cũng cho thấy sản xuất trong nước có tín hiệu chậm lại trong thời gian tới.

Xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhẹ kể từ tháng 5.

Việc phá giá tiền tệ gần đây giúp phần nào giảm khoảng cách giữa tỉ giá trên hai thị trường tuy nhiên nó có vẻ như chưa đủ lớn để loại bỏ việc mua tích trữ và kì vọng giảm giá VND, đặc biệt là trên thị trường tự do.

Những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là những người được lợi trong khi những doanh nghiệp nhập khẩu và những doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ sẽ là những người chịu thiệt từ sự phá giá này. Tuy nhiên, tác động của việc phá giá đến khối lượng nhập khẩu, và do vậy là thâm hụt thương mại, sẽ là rất nhỏ do phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là các yếu tố đầu vào quan trọng.

Mặc dù cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư khoảng 5-6 tỉ $ trong năm nay, nhưng từ giờ đến cuối năm VND có thể mất giá thêm 2-3% nữa khi (i) nhiều khoản vay bằng $ đến ngày đáo hạn; (ii) thâm hụt thương mại được kì vọng tăng cao vào cuối năm và; (iii) hoạt động găm giữ $ vẫn còn tồn tại.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn nhờ hoạt động bơm tiền (kì hạn ngắn) qua OMO của NHNN. Tuy nhiên lãi suất vẫn tiếp tục ở mức cao và khó giảm trong thời gian tới.

Rủi ro kinh tế lớn nhất hiện nay là vấn đề lãi suất. Đây là rào cản chính đối với sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế. Trong tháng 8, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tồn tại phổ biến ở mức từ 13,5-15,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Nếu NHNN không có những phản ứng chính sách mạnh thì lãi suất sẽ rất khó giảm thêm do cầu về vốn trong nền kinh đang tăng mạnh trong khi nguồn cung bị hạn chế. Theo kế hoạch, chính phủ còn kế hoạch phát hành khoảng 55 ngàn tỉ đồng trái phiếu trong năm nay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu. Đặc biệt, thông tư 13/2010/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/10/2010, ban hành bởi NHNN sẽ kiểm soát một cách khắt khe hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, một trong những điều khoản quy định của thông tư này là tỉ lệ tổng lượng vốn cho vay/tổng nguồn huy động không được vượt quá 80%, tuy nhiên các khoản tiền gửi không kì hạn của các tổ chức kinh tế, trái phiếu kho bạc, bảo hiểm xã hội, và các tổ chức khác, ước tính vào khoảng 15-20%, không được tính vào tổng nguồn vốn huy động. Do vậy, trên thực tế thông tư này sẽ chỉ cho phép các ngân hàng thương mại cho vay khoảng 65% tổng nguồn vốn huy động.

Lãi suất cao đang cản trở các đầu tư cũng như tiêu dùng của khu vực tư nhân. Với khi phí vốn vay hiện tại, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn kiếm được lợi nhuận từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Những con số thống kê cho chúng ta thấy rằng cầu nội địa đang khá thấp trong khi lượng hàng tồn kho đang tăng cao. Hơn nữa, lãi suất cao còn có thể tạo ra những rủi ro cho thị trường ngoại hối khi các doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn các khoản vay bằng US$ nhằm tận dụng mức chênh lệch cao (khoảng 7-8%) giữa chi phí vốn vay bằng VND và US$. Khi các khoản vay này đáo hạn nó sẽ tạo ra sức ép giảm giá đối với VND.

GDP của quý 3 có thể tăng 6,6-6,8% yoy và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% có thể đạt được. Tuy nhiên nền kinh tế tăng trưởng chưa thực sự bền vững cho sự hồi phục hoàn toàn. Nhiều dấu hiệu rủi ro xuất hiện như tồn kho tăng cao, xuất khẩu và nhập khẩu nguyên vật liệu đang có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất cao cản trở tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) từ khu vực tư nhân.

Nếu chính phủ đồng ý với những rủi ro vĩ mô này thì phản ứng hợp lý nhất có lẽ sẽ là yêu cầu NHNN, bên cạnh việc tiếp tục đáp ứng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua OMO, cần thực hiện việc mua trái phiếu với kì hạn dài hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế. Nếu không thực hiện điều này, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và sự hồi phục hoàn toàn sẽ khó có thể đạt được trong thời gian tới.

KINH TẾ THẾ GIỚI

Tăng trưởng kinh tế Mĩ trong 1,6 % mới được điều chỉnh giảm xuống còn 1.6% so với con số ước tính ban đầu 2,4%. Con số tương ứng của quý 1 là 3,7%. Như vậy tăng trưởng kinh tế Mĩ đang có xu hướng chậm lại (Đây là các con số được annualized).

Lý do điều chỉnh giảm chủ yếu là do không tính hết lượng nhập khẩu tăng đột biến trong quý 2 của Mĩ. Khu vực tư nhân vẫn sợ rủi ro. Với lãi suất thị trường 0.25%, khu vực tư nhân nhanh chóng trả các khoản MBS (mortgage backed securities) khiến luồng tiền quay trở lại Fed. Fed đã quyết định đưa trở lại thị trường dòng tiền này bằng cách mua trái phiếu kho bạc.

Thất nghiệp của quốc gia này tiếp tục ở mức cao 9,5% và dự kiến giảm chậm trong vòng 1-2 năm tới.

Lạm phát ước tính của Mĩ trong năm nay là 1%. Nhiều người lo ngại giảm phát sẽ xảy ra. Tuy nhiên quan điểm của Fed là lạm phát khó có thể thấp hơn. Thông điệp gần đây của Bernanke là sẽ chỉ thực hiện bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mĩ với hai điều kiện: (i) nếu lạm phát xuống thấp hơn nữa (nguy cơ giảm phát) và (ii) GDP năm nay tăng thấp hơn 2,5% đồng thời thất nghiệp không giảm.

Tóm lại, lo ngại chính của giới đầu tư thế giới bây giờ là kinh tế Mĩ sẽ ở trong tình trạng tăng trưởng thấp đồng thời thất nghiệp cao trong một thời gian dài nữa. Nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng kép là nhỏ.

Kinh tế châu Âu có vẻ sáng sủa hơn. Kinh tế Anh tăng trưởng 1,2% chỉ trong quý 2 (so với quý 1), cao nhất trong vòng gần chục năm qua. Doanh số bán nhà và ngành xây dựng tăng trưởng mạnh. Chi tiêu của hộ gia đình lẫn chính phủ đều tăng. Chính phủ Anh cho rằng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên giới đầu tư tài chính lo ngại về kế hoạch thắt chặt chi tiêu và tăng VAT vào đầu năm tới của chính phủ Anh.

Kinh tế Đức thậm chí còn tăng tới 2,2% trong quý 2 (so với quý 1), mức cao kỉ lục trong vòng 20 năm qua, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và chi tiêu hộ gia đình và chính phủ đều tăng. Tuy nhiên mức tăng này được đánh giá là có tính mùa vụ nhờ ngành xây dựng tăng mạnh sau mùa đông lạnh giá và nhờ xuất khẩu tăng đột biến (tín hiệu tốt đối với sự hồi phục của kinh tế thế giới do Đức là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới). Các quý tới kinh tế Đức sẽ trở lại mức tăng bình thường.

Kinh tế Pháp tăng 0,6% trong quý 2. Các nền kinh tế gặp vấn đề nợ chính phủ như Tây Ban Nha và Hi Lạp và tăng trưởng thấp hoặc âm, tuy nhiên các kế hoạch thắt lưng buộc bụng ở các quốc gia nay đang được đánh giá tốt. Khu vực sử dụng đồng euro tăng trưởng 1% trong quý 2.

Kinh tế Nhật quý 2 chỉ tăng 0.1%, một con số quá thấp so với kì vọng. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu này đang gặp khó khăn khi để đồng yen lên giá quá mạnh trong thời gian qua. Tiêu dùng tư nhân không tăng. Gần đây, ngân hàng trung ương nước này đã công bố một kế hoạch bơm 3 ngàn tỉ yen (35 tỉ USD) với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực nội địa.

Nhìn chung kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi chậm, đặc biệt là ở Mĩ. Tuy nhiên các rủi ro, như khủng hoảng nợ ở châu Âu và bong bóng bất động sản ở TQ, đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Oh dear GSO!

Vẫn biết các con số thống kê của Việt Nam thiếu tin cậy nhưng chắc hẳn không ít nhà kinh tế sẽ cảm thấy sốc và ái ngại với hệ thống đo lường của Việt Nam khi biết được tin này. Theo ông Bùi Hà, xưa nay TCTK vẫn dùng CPI bình quân để tính tăng trưởng GDP. Tức là ban đầu TCTK sẽ tính giá trị GDP theo giá hiện hành (current prices), rồi bằng cách chia con số này cho CPI (deflate) để có được GDP theo giá so sánh (constant prices). Cuối cùng là tính tốc độ tăng của GDP theo giá so sánh để có được con số tăng trưởng.

Đây là một cách làm không giống ai trên thế giới và sai nghiêm trọng. Lưu ý rằng CPI chỉ phản ánh giá cả của giỏ hàng tiêu dùng đại diện của hộ gia đình. Nó bao gồm cả giá hàng nhập khẩu và nội địa. Trong khi tổng sản phẩm quốc nội, GDP (Gross Demestic Product), như cái tên vốn có của nó, chỉ tính giá trị của các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam.

Như vậy, GDP của Việt Nam có thể cao hơn so với thực tế nếu giá hàng nhập khẩu từ thế giới giảm/tăng chậm hơn so với hàng sản xuất trong nước và ngược lại.

Thực tế những năm qua CPI ở Việt Nam luôn tăng cao hơn các đối tác thương mại. Do vậy, rất có thể con số GDP của Việt nam đã được thổi phồng lên so với thực tế.