Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (2)


Cửa sổ tái cấp vốn


Lạm phát hiện nay đã ở mức trầm trọng, xấp xỉ 2%/tháng trong nhiều tháng liên tiếp, và khác xa so với những dự báo đầu năm của chính phủ. Do vậy, các mục tiêu về tăng trưởng cung tiền và tín dụng cũng cần phải được điều chỉnh. Thật đáng ngạc nhiên là trong vòng xoáy lạm phát, cung tiền và tín dụng của qúy 1 vẫn lần lượt được thả ở mức trên 2% và xấp xỉ 4%. Một khái niệm về thắt chặt tiền tệ khó có thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác trên thế giới.

Lượng tiền cơ sở trong nền kinh tế hiện nay được NHNN điều tiết chủ yếu qua hai kênh: thị trường mở và cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Ngoài số liệu hoạt động thị trường được công khai hàng ngày, chúng ta không có thông tin gì về nghiệp vụ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Về bản chất, việc cho vay của NHNN đối với các NHTM qua cửa sổ tái cấp vốn là một hình thức đòn bẩy tín dụng và, trừ lý do khẩn cấp về thanh khoản, nó cần được tuyệt đối hạn chế trong thời kì chống lạm phát cao.

Lý giải duy nhất cho mức tăng trưởng cung tiền/tín dụng dương đó là cụm từ “chính sách tiền tệ linh hoạt” để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các tiêu chí về việc ngân hàng nào, trong điều kiện nào,… thì được tái cấp vốn từ NHNN lại không được công khai.

Đặc biệt, việc để mức lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp, 11%, 12% rồi 13% trong hai tháng vừa qua, trong khi lãi suất cho vay của các NHTM lên tới xấp xỉ 20% sẽ không ngăn chặn được vấn đề rủi ro đạo đức (moral hazard). Tức là, các NHTM sẽ kém thận trọng hơn với các quyết định kinh doanh có khả năng gây thiếu hụt thanh khoản khi họ biết rằng NHNN cho phép, mặc dù là có sàng lọc, thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn với giá rẻ.

Giả sử lãi suất cho vay là 20%, thì cứ mỗi một hợp đồng tín dụng được chấp nhận qua cửa sổ tái cấp vốn, NHTM sẽ có thêm khoảng 7% tiền lãi.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng và cải thiện thanh khoản của hệ thống NHTM có thể được thực hiện bằng một thông điệp cứng rắn từ NHNN đối với nghiệp vụ tái cấp vốn. Thông điệp này phải được cụ thể hóa bằng một mức lãi suất tái cấp vốn đủ lớn.

Trong thời kì chống lạm phát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng phải được cải thiện nhờ thu hút tiền gửi từ công chúng chứ không thể nhờ kênh bơm tiền từ NHNN. Và điều đó chỉ có thể làm được với mức lãi suất thực dương.

Link trên Saigontimes

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (1)

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách ghìm cương lạm phát là phải đảm bảo lãi suất thực dương, đồng thời không gây sốc thanh khoản cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, một số công cụ chính sách tiền tệ hiện nay có vẻ như không ủng hộ cho điều này.

Trần lãi suất

Trong vòng hai tháng qua, NHNN đã ba lần điều chỉnh các lãi suất chủ chốt như lãi suất OMO và lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất này.

Trần lãi suất tiền gửi hiện nay được ấn định ở mức 14%/năm. Thoạt nhìn con số này có vẻ là đủ cao để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Tuy nhiên, con số 14%/năm khi quy đổi chỉ tương đương với trần lãi suất 1,16%/tháng. Kể từ tháng 11 năm ngoái, lạm phát lần lượt là 1,86%, 1,98%, 1,74%, 2,09%, và 2,17%. Phép cộng trừ đơn giản (lãi suất thực = lãi suất danh nghĩa – tỉ lệ lạm phát) sẽ cho ta các con số lãi suất thực lần lượt là -0,70%, -0,81%, -0,57%, -0,93%, -1,01%.

Như vậy, lãi suất thực đã âm trong 5 tháng liên tiếp. Chừng nào mức lãi suất thực còn âm thì nó sẽ không khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm. Thay vào đó, dân chúng sẽ đầu cơ vào những tài sản có khả năng giữ được sức mua trong thời kì lạm phát cao như vàng và bất động sản, khiến cho cơn bão giá khó dừng lại. Lãi suất cao có thể khiến việc mở rộng sản xuất trong dài hạn bị dừng lại, tuy nhiên nó cũng đang giúp cho một số doanh nghiệp được lợi khi có khả năng điều chỉnh giá lên tới cả chục phần trăm, mặc dù chi phí vốn vay chỉ góp một phần nhỏ trong tổng giá thành.

Cộng cụ trần lãi suất huy động 14%/năm hay 1,16%/tháng hiện nay không giúp tạo ra được mức lãi suất thực dương, và do đó không làm tăng được các khoản tiền gửi dài hạn để chống lạm phát. Do vậy, nền kinh tế sẽ mắc kẹt ở mức lạm phát cao và lãi suất cao trong thời gian dài. Trong thời kì lạm phát cao và nhanh thay đổi, khi hợp đồng tín dụng thường được thực hiện với kì hạn ngắn thì mức lãi suất trần theo tháng cần phải được điều chỉnh linh hoạt. Nó cần phải ở mức cao đủ lớn để đảm bảo lãi suất thực dương. Việc làm này mặc dù có thể khiến lãi suất theo tháng tạm thời cao hơn trong một vài tháng đầu, nhưng nó là tiền đề để có thể thu hút tiền nhàn rỗi trong công và từ đó giảm được lạm phát và lãi suất trong những tháng tiếp theo.

Trần lãi suất huy động, trong khi thả nổi lãi suất cho vay, không giúp nhiều cho việc hạn chế rủi ro hệ thống. Nó cũng không đảm bảo lãi suất thực dương để chống lạm phát. Chính sách tiền tệ không thể bắt người dân, những người có thu nhập danh nghĩa cố định, phải “chia sẻ” với doanh nghiệp khi thu nhập thực của họ đang giảm dần theo lạm phát, và khi các NHTM vẫn báo cáo lãi hàng ngàn tỉ đồng nhờ khoảng cách lãi suất ngày được tăng lên. Việc chia sẻ nên đặt theo chiều ngược lại.

Link trên Saigontimes

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Thanh khoản

Lãi suất trong ngắn hạn của nền kinh tế thường phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là lạm phát và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lạm phát và khả năng thanh khoản của các NHTM không phải là hai yếu tố hoàn toàn độc lập nhau, đặc biệt là trong thời kì lạm phát cao.

Tính thanh khoản của một ngân hàng phản ánh khả năng chi trả các nghĩa vụ tài chính đến hạn. Rủi ro thanh khoản chủ yếu xuất hiện khi ngân hàng phải “lấy ngắn nuôi dài”. Tức là dùng các khoản huy động ngắn hạn để tài trợ cho các khoản cho vay dài hạn hoặc đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản.

Thời gian gần đây hệ thống NHTM luôn gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là ở các NHTM cổ phần nhỏ. Một trong những đề xuất được NHNN cân nhắc để quản trị rủi ro thanh khoản đó là việc không cho phép tiền gửi có kì hạn được rút trước hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thỏa thuận trước với ngân hàng. Việc ổn định hệ thống tài chính là một hướng đi đúng tuy nhiên biện pháp này có thể gặp vấn đề về tính khả thi của nó.

Trong môi trường lạm phát cao và khó dự báo được trước như hiện nay, trừ trường hợp được thỏa thuận lãi suất vượt trần (14%), người gửi tiền không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn với lãi suất danh nghĩa cố định. Ngược lại, nếu phải trả mức lãi suất huy động vượt trần thì các NHTM lại không muốn huy động dài hạn. Do vậy, các khoản tiền huy động được của các NHTM thường là ngắn hạn và tạo ra sự lệch pha kì hạn giữa các khoản tiền gửi và cho vay. Kết cục là các NHTM thường phải tham gia vào các cuộc đua lãi suất huy động hoặc đẩy lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, nhiều lúc vượt 20%, như trong thời gian gần đây nhằm đáp ứng thanh khoản tạm thời.

Nếu áp dụng quy định không được phép rút tiền gửi có kì hạn trước hạn, nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc người gửi tiền tăng cường thực hiện các hợp đồng cho vay rất ngắn hạn – nguyên nhân gây ra tình trạng kém thanh khoản – và đồng thời đòi hỏi lãi suất cao. Hơn nữa, vấn đề thanh khoản hiện nay đang nằm ở phía các NHTM chứ không phải ở phía người gửi tiền. Do vậy, người gửi tiền luôn có sức mạnh đàm phán yêu cầu áp dụng điều khoản rút trước kì hạn với NHTM. Các NHTM khi thiếu hụt thanh khoản chắc chắn cũng không bỏ lỡ cơ hội thỏa thuận với khách hàng, và rất có thể họ lại “chạy đua” với nhau để thỏa thuận với khách hàng của mình.

Nguyên nhân chính khiến người gửi tiền lo ngại không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn gây tình trạng căng thẳng thanh khoản cho các NHTM là do sự bất ổn của lạm phát, và kết quả của nó là những điều chỉnh mặt bằng lãi suất từ NHNN. Một trong những sản phẩm tín dụng có thể làm hạn chế những lo ngại này đó là các hợp đồng huy động có lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát.

Trong khi các hợp đồng huy động truyền thống ấn định mức lãi suất danh nghĩa cố định khiến cho người gửi tiền có thể chịu thiệt khi lạm phát gia tăng, thì các hợp đồng huy động có lãi suất danh nghĩa điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát có thể đảm bảo một mức lãi suất thực dương hợp lý cho người gửi tiền. Giả sử nếu mức lãi suất thực được thỏa thuận giữa NHTM và người gửi tiền là 3%/năm thì lãi suất danh nghĩa của hợp đồng có thể được ấn định bằng 3% + tỉ lệ lạm phát công bố bởi Tổng Cục Thống Kê. Việc thực hiện những hợp đồng này có khả năng bảo vệ lợi ích cho cả hai bên tham gia hợp đồng và góp phần làm giảm rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM.

Link trên SGTT

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Trần lãi suất huy động

Kể từ ngày 1/4 NHNN tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất OMO từ 12% lên 13%. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, NHNN đã hai lần điều chỉnh các lãi suất này nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế sức ép lạm phát đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh trong khi mặt bằng lãi suất đã được nâng lên đáng kể sau những lần điều chỉnh chính sách của NHNN. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất tiền gửi.

Chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát là một hướng đi đúng và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta lại thấy NHNN đang gặp vấn đề trong kĩ thuật điều hành các công cụ chính sách khác nhau. Thiếu sự đồng bộ trong việc điều chỉnh các công cụ chính sách, đặc biệt là các công cụ hành chính, sẽ nhanh chóng tạo ra những bất hợp lý và khiến cho các quy định của cơ quan quản lý trở nên kém “nghiêm”.

Nếu phải sử dụng một công cụ trần lãi suất nào đó để hạn chế rủi ro tín dụng trong điều kiện hiện nay thì trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ là công cụ phù hợp hơn. Trong môi trường lạm phát cao và bất ổn, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường sẽ được các NHTM đẩy cao hơn. Lãi suất cho vay do vậy sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí ở mức bất hợp lý khi thị trường thiếu thanh khoản, và gây rủi ro hệ thống khi chỉ có những hoạt động kinh doanh rủi ro cao, lợi nhuận lớn, mới có khả năng sử dụng những nguồn vốn giá cao này.

Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ giúp hạn chế bớt phần nào rủi ro này. Ngoài ra, việc quy định trần lãi suất 14% còn đang gây bất lợi cho người gửi tiền “nghèo”. Trong khi người giàu, với các khoản tiền gửi lớn, có sức mạnh đàm phán với các NHTM để hưởng lãi suất thỏa thuận cao thì người gửi tiền “nghèo” – vốn đã thiếu các công cụ phòng chống lạm phát – lại không có được khả năng này.