Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Trần lãi suất huy động

Kể từ ngày 1/4 NHNN tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất OMO từ 12% lên 13%. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, NHNN đã hai lần điều chỉnh các lãi suất này nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế sức ép lạm phát đang ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh trong khi mặt bằng lãi suất đã được nâng lên đáng kể sau những lần điều chỉnh chính sách của NHNN. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất tiền gửi.

Chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát là một hướng đi đúng và đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta lại thấy NHNN đang gặp vấn đề trong kĩ thuật điều hành các công cụ chính sách khác nhau. Thiếu sự đồng bộ trong việc điều chỉnh các công cụ chính sách, đặc biệt là các công cụ hành chính, sẽ nhanh chóng tạo ra những bất hợp lý và khiến cho các quy định của cơ quan quản lý trở nên kém “nghiêm”.

Nếu phải sử dụng một công cụ trần lãi suất nào đó để hạn chế rủi ro tín dụng trong điều kiện hiện nay thì trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ là công cụ phù hợp hơn. Trong môi trường lạm phát cao và bất ổn, khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường sẽ được các NHTM đẩy cao hơn. Lãi suất cho vay do vậy sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí ở mức bất hợp lý khi thị trường thiếu thanh khoản, và gây rủi ro hệ thống khi chỉ có những hoạt động kinh doanh rủi ro cao, lợi nhuận lớn, mới có khả năng sử dụng những nguồn vốn giá cao này.

Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay ở mức hợp lý, nếu được thực hiện nghiêm, sẽ giúp hạn chế bớt phần nào rủi ro này. Ngoài ra, việc quy định trần lãi suất 14% còn đang gây bất lợi cho người gửi tiền “nghèo”. Trong khi người giàu, với các khoản tiền gửi lớn, có sức mạnh đàm phán với các NHTM để hưởng lãi suất thỏa thuận cao thì người gửi tiền “nghèo” – vốn đã thiếu các công cụ phòng chống lạm phát – lại không có được khả năng này.

1 nhận xét:

  1. Link trên SGTT

    http://sgtt.vn/Goc-nhin/142824/Nen-kinh-te-mac-ket-voi-lai-suat-cao.html

    Trả lờiXóa