Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (1)

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách ghìm cương lạm phát là phải đảm bảo lãi suất thực dương, đồng thời không gây sốc thanh khoản cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, một số công cụ chính sách tiền tệ hiện nay có vẻ như không ủng hộ cho điều này.

Trần lãi suất

Trong vòng hai tháng qua, NHNN đã ba lần điều chỉnh các lãi suất chủ chốt như lãi suất OMO và lãi suất tái cấp vốn. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trần lãi suất huy động không hề được điều chỉnh. Hậu quả tất yếu của sự điều chỉnh không đồng bộ giữa các công cụ quản lý tiền tệ này là việc các NHTM đang tung ra một loạt các sản phẩm huy động tiền gửi khác nhau nhằm lách quy định trần lãi suất này.

Trần lãi suất tiền gửi hiện nay được ấn định ở mức 14%/năm. Thoạt nhìn con số này có vẻ là đủ cao để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền. Tuy nhiên, con số 14%/năm khi quy đổi chỉ tương đương với trần lãi suất 1,16%/tháng. Kể từ tháng 11 năm ngoái, lạm phát lần lượt là 1,86%, 1,98%, 1,74%, 2,09%, và 2,17%. Phép cộng trừ đơn giản (lãi suất thực = lãi suất danh nghĩa – tỉ lệ lạm phát) sẽ cho ta các con số lãi suất thực lần lượt là -0,70%, -0,81%, -0,57%, -0,93%, -1,01%.

Như vậy, lãi suất thực đã âm trong 5 tháng liên tiếp. Chừng nào mức lãi suất thực còn âm thì nó sẽ không khuyến khích người gửi tiền tiết kiệm. Thay vào đó, dân chúng sẽ đầu cơ vào những tài sản có khả năng giữ được sức mua trong thời kì lạm phát cao như vàng và bất động sản, khiến cho cơn bão giá khó dừng lại. Lãi suất cao có thể khiến việc mở rộng sản xuất trong dài hạn bị dừng lại, tuy nhiên nó cũng đang giúp cho một số doanh nghiệp được lợi khi có khả năng điều chỉnh giá lên tới cả chục phần trăm, mặc dù chi phí vốn vay chỉ góp một phần nhỏ trong tổng giá thành.

Cộng cụ trần lãi suất huy động 14%/năm hay 1,16%/tháng hiện nay không giúp tạo ra được mức lãi suất thực dương, và do đó không làm tăng được các khoản tiền gửi dài hạn để chống lạm phát. Do vậy, nền kinh tế sẽ mắc kẹt ở mức lạm phát cao và lãi suất cao trong thời gian dài. Trong thời kì lạm phát cao và nhanh thay đổi, khi hợp đồng tín dụng thường được thực hiện với kì hạn ngắn thì mức lãi suất trần theo tháng cần phải được điều chỉnh linh hoạt. Nó cần phải ở mức cao đủ lớn để đảm bảo lãi suất thực dương. Việc làm này mặc dù có thể khiến lãi suất theo tháng tạm thời cao hơn trong một vài tháng đầu, nhưng nó là tiền đề để có thể thu hút tiền nhàn rỗi trong công và từ đó giảm được lạm phát và lãi suất trong những tháng tiếp theo.

Trần lãi suất huy động, trong khi thả nổi lãi suất cho vay, không giúp nhiều cho việc hạn chế rủi ro hệ thống. Nó cũng không đảm bảo lãi suất thực dương để chống lạm phát. Chính sách tiền tệ không thể bắt người dân, những người có thu nhập danh nghĩa cố định, phải “chia sẻ” với doanh nghiệp khi thu nhập thực của họ đang giảm dần theo lạm phát, và khi các NHTM vẫn báo cáo lãi hàng ngàn tỉ đồng nhờ khoảng cách lãi suất ngày được tăng lên. Việc chia sẻ nên đặt theo chiều ngược lại.

Link trên Saigontimes

11 nhận xét:

  1. 14%/năm là tương đương 1.01%/tháng?!
    Em không rõ lắm về ảnh hưởng của trần lãi suất tiền gửi đến cung tiền, tuy nhiên không chắc nó sẽ làm tăng lạm phát. Có thể người dân sẽ chuyển từ tiền gửi kỳ hạn sang KKH làm tăng M1, nhưng đồng thời NHTM cũng hạn chế cấp tín dụng làm giảm số nhân tiền, giảm M2 do đó ảnh hưởng đến cung tiền cũng chưa rõ.
    Công nhận là ls hiện tại thì phần thiệt thuộc về người gửi tiền.

    Trả lờiXóa
  2. 14%/năm là trả lãi cuối kì. Tương đương lãi suất tháng của các NH đang niêm yết là 14/12 = 1.1667%.

    Trần lãi suất hiện tại không chống được lạm phát chứ không phải làm tăng lạm phát.

    Trả lờiXóa
  3. Lãi kép mà anh: 1.14^(1/12)=1.01
    Đúng là không có cơ sở để nói trần ls có tác dụng tích cực chống lạm phát. Nó dường như để hạn chế lạm phát kỳ vọng thôi. Lợi nhuận NH em nghĩ là số ảo thôi,trích lập dự phòng đầy đủ với tỷ lệ nợ xấu >3% như bây giờ có khi còn thâm vào vốn CSH.

    Trả lờiXóa
  4. Thầy ơi, thầy phân tích cả việc neo tỷ giá VND vs USD ảnh hưởng tới lạm phát ở VN nữa nhé, em đang muốn tìm hiểu về việc này
    em cảm ơn thầy
    chúc thầy mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa
  5. thầy ơi, thầy phân tích cả ảnh hưởng của việc neo giá VND vs USD tới lạm phát ở VN nữa nhé
    em đang muốn tìm hiểu về việc này
    em cảm ơn thầy
    chúc thầy mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa
  6. @Daipv: Kép thì phải là (1+1.1%)^12=1.14
    Ở đây 14% là trả lãi CUỐI KÌ.

    Giả hay thật có thể nhìn báo cáo kiểm toán.

    @Man: )'.'(

    Trả lờiXóa
  7. thế là sao hả thầy? chèn kí hiệu thế này khó hiểu quá. thầy cứ viết tiếng Anh, tiếng Nga hay tiếng Pháp...rồi em dịch cũng được.
    :-?

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là em nhầm, phải là 1.1%/tháng.
    báo cáo kiểm toán bị cook nhiều rồi, độ chính xác tương đối thôi. NH lợi nhuận hay không có thể nhìn vào chiều hướng các NĐTư chiến lược đổ vốn hay từ bỏ ngân hàng.

    Trả lờiXóa
  9. thầy ơi sao em ko đọc được bài đầy đủ ạ :((

    Trả lờiXóa
  10. thầy ơi,, cho em thắc mắc 1 chút
    lãi suất thực = lãi suất danh nghĩa - lạm phát kì vọng
    lãi suất huy động 14% là lãi suất ở thời điểm hiện tại
    các tỷ lệ lạm phát nêu trên cũng là của mấy tháng gần đây, k phải là lạm phát kì vọng
    người dân gửi tiền bây giờ nhưng họ k rút bây giờ mà 1 thời gian sau mới rút, lạm phát kì vọng là lạm phát mà họ ước tính tại thời điểm đáo hạn

    dù lạm phát kì vọng được ước lượng dựa vào lạm phát của hiện tại và những tín hiệu khác của nền kinh tế,nó k độc lập hoàn toàn vs lạm phát hiện tại nhưng việc lấy lấy lãi suất hiện hành - lạm phát hiện tại để chỉ ra rằng lãi suất thực đang âm thì có nhầm lẫn gì k ạ?

    biết đâu bây giờ gửi tiền vào ngân hàng, sau 22/5 nhân dân ta có chính phủ mới, quốc hội mới , các bác điều hành sáng suốt hơn bây giờ, lạm phát giảm thì khi đó lãi suất thực vẫn có thể dương chứ ạ? :)))

    em cảm ơn thầy,
    chúc thầy mạnh khỏe.

    Trả lờiXóa
  11. Các con số lãi suất thực trong bài là tính cho các tháng đã xảy ra (ex post) nên không có kì vọng kì veo gì cả.

    Nếu tính cho các tháng trong tương lai thì sẽ dùng kì vọng lạm phát (ex ante).

    Trả lờiXóa