Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ chống lạm phát (2)


Cửa sổ tái cấp vốn


Lạm phát hiện nay đã ở mức trầm trọng, xấp xỉ 2%/tháng trong nhiều tháng liên tiếp, và khác xa so với những dự báo đầu năm của chính phủ. Do vậy, các mục tiêu về tăng trưởng cung tiền và tín dụng cũng cần phải được điều chỉnh. Thật đáng ngạc nhiên là trong vòng xoáy lạm phát, cung tiền và tín dụng của qúy 1 vẫn lần lượt được thả ở mức trên 2% và xấp xỉ 4%. Một khái niệm về thắt chặt tiền tệ khó có thể tìm thấy ở một quốc gia nào khác trên thế giới.

Lượng tiền cơ sở trong nền kinh tế hiện nay được NHNN điều tiết chủ yếu qua hai kênh: thị trường mở và cửa sổ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Ngoài số liệu hoạt động thị trường được công khai hàng ngày, chúng ta không có thông tin gì về nghiệp vụ tái cấp vốn/tái chiết khấu. Về bản chất, việc cho vay của NHNN đối với các NHTM qua cửa sổ tái cấp vốn là một hình thức đòn bẩy tín dụng và, trừ lý do khẩn cấp về thanh khoản, nó cần được tuyệt đối hạn chế trong thời kì chống lạm phát cao.

Lý giải duy nhất cho mức tăng trưởng cung tiền/tín dụng dương đó là cụm từ “chính sách tiền tệ linh hoạt” để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các tiêu chí về việc ngân hàng nào, trong điều kiện nào,… thì được tái cấp vốn từ NHNN lại không được công khai.

Đặc biệt, việc để mức lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp, 11%, 12% rồi 13% trong hai tháng vừa qua, trong khi lãi suất cho vay của các NHTM lên tới xấp xỉ 20% sẽ không ngăn chặn được vấn đề rủi ro đạo đức (moral hazard). Tức là, các NHTM sẽ kém thận trọng hơn với các quyết định kinh doanh có khả năng gây thiếu hụt thanh khoản khi họ biết rằng NHNN cho phép, mặc dù là có sàng lọc, thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn với giá rẻ.

Giả sử lãi suất cho vay là 20%, thì cứ mỗi một hợp đồng tín dụng được chấp nhận qua cửa sổ tái cấp vốn, NHTM sẽ có thêm khoảng 7% tiền lãi.

Hạn chế tăng trưởng tín dụng và cải thiện thanh khoản của hệ thống NHTM có thể được thực hiện bằng một thông điệp cứng rắn từ NHNN đối với nghiệp vụ tái cấp vốn. Thông điệp này phải được cụ thể hóa bằng một mức lãi suất tái cấp vốn đủ lớn.

Trong thời kì chống lạm phát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng phải được cải thiện nhờ thu hút tiền gửi từ công chúng chứ không thể nhờ kênh bơm tiền từ NHNN. Và điều đó chỉ có thể làm được với mức lãi suất thực dương.

Link trên Saigontimes

7 nhận xét:

  1. có feedback bài này của anh Thế Anh: http://nghiatq.wordpress.com/2011/04/18/dilemma/

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả có lẽ chưa hiểu hết hàm ý của anh về cửa sổ tái cấp vốn.

    Trong bài anh tuyệt đối KHÔNG nói phải đóng cửa sổ tái cấp vốn vì đây là một trong những công cụ cần thiết của NHTƯ. Cái anh phê phán là các điều kiện để tái cấp vốn không được công khai minh bạch.

    Quan trọng nữa trong bài anh nêu ra là trong điều kiện chống lạm phát cao này thì vốn ra qua cửa sổ tái chiết khấu phải tuyệt đối hạn chế. Khi tiêu chuẩn đc tái cấp vốn không minh bạch thì để làm được điều này phải đẩy lãi suất tái cấp vốn cao lên để tránh moral hazard.

    Trả lờiXóa
  3. Có một điểm anh Nghĩa cho rằng cửa sổ TCV chỉ để phục vụ cho thanh khoản thì em không đồng ý lắm. Được biết năm nay NHNN có chủ chương giành một lượng vốn tương đối lớn để cho vay TCV các hồ sơ nông nghiệp, SME thuộc ngành nghề ưu tiên, không hẳn chỉ là vấn đề thanh khoản. Em không được biết hiện nay đã có ngân hàng nào tìm đến TCV vì lý do thanh khoản chưa, có lẽ chưa vì nếu vậy họ đã không thể vay trên TT2, mà hiện tại chưa thấy ngân hàng nào bị tẩy chay trên TT2 cả, phần nhiều TCV có lẽ là tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ thông qua quan hệ
    Em nghĩ đúng là trong giai đoạn hiện nay mở rộng quá lớn TCV làm tăng cung tiền. Tuy nhiên, có lẽ NHNN không phải không biết điều nạy, họ cho rằng đây là một biện pháp điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng vào các ngành nghề ưu tiên.
    về ls TCV 13% bên cạnh lý do là để khuyến khích các ngành ưu tiên, còn vì lscb hiện là 9%, nên các lãi suất khác tối đa là 13.5%, muốn tăng thêm thì phải đieu chỉnh lscb.

    Trả lờiXóa
  4. Mankiw mới có bài này liên quan )'.'(

    http://gregmankiw.blogspot.com/2011/04/people-talking-past-each-other.html

    Trả lờiXóa
  5. @Daipv: Hiện nay SBV không sử dụng lscb nữa. Việc tăng giảm các lãi suất của SBV khác không liên quan gì đến lscb.

    Kể từ đầu năm đến hết ngày 1-4, tổng lượng tiền hút ròng về qua OMO của NHNN là khoảng gần 13 ngàn tỉ. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì cung tiền trong nền kinh tế tăng khoảng 2% trong quý 1. Do vậy, chúng ta có thể dự đoán rằng cung tiền tăng chủ yếu qua cửa sổ tái cấp vốn trong quý 1. Chống lạm phát cao là phải hút được tiền ngoài lưu thông về chứ không thể bơm tiếp tiền ra. Đấy là lý do anh cho rằng công cụ tái cấp vốn hiện nay làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ trong thời kì chống lạm phát cao.

    Trả lờiXóa
  6. thưa thầy em có 1 băn khoăn là tái chiết khấu và giao dịch trên OMO thì khác nhau căn bản ở đâu? tại sao NHNN lại chọn cách cung tiền ra TT thông qua cửa sổ tái chiết khấu nhiều hơn thay vì OMO?

    Trả lờiXóa
  7. Mọi người cứ nghĩ rằng tái cấp vốn sẽ tăng cung tiền, dẫn đến làm giảm hiệu quả của chính sách chống lạm phát. Nhưng như đã nói, nếu xem lạm phát là do yếu tố tiền tệm tức cầu tiền (liên quan đến sản lượng) và cung tiền chệch nhau thì giả sử việc tăng cung tiền qua cửa sổ tái cấp vốn được NHTM sử dụng cho vay vào mục đích sản xuất, tạo ra sản lượng (thu nhập) tương ứng hoặc nhiều hơn thì sao? Thế thì cũng đâu gây ra lạm phát tăng thêm và chính sách tiền tệ chắc gì đã không hiệu quả. Em hiểu việc cho rằng không hiệu quả là dự đoán và phân tích dự đoán đó chứ không phải là lời khẳng định

    Trả lờiXóa