Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Vì sao lại cần hơn các chính sách trọng cung?

TBKTSG đồng thời cũng cho đăng các luận điểm bảo vệ ý kiến "cần hơn các chính sách trọng" của tôi trong số báo ngày hôm nay 2/5/2013. Tôi đăng lại bài này ở đây để bạn đọc tiện theo dõi. Bạn đọc có thể đăng kí tài khoản miễn phí với TBKTSG để đọc bài ở trang 22 tại http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/860/).
-----------------------
              VÌ SAO LẠI CẦN HƠN CÁC CHÍNH SÁCH TRỌNG CUNG?
                                                                                     Phạm Thế Anh
Như tiêu đề của bài báo đã chỉ ra “Cần hơn các chính sách trọng cung”, trước tiên chúng tôi xin nhắc lại thông điệp chính của bài viết đăng trên TBKTSG số ra ngày 4-4-2013 đó là kinh tế Việt Nam hiện nay cần chú trọng hơn vào các chính sách trọng cung chứ không phủ nhận các lý thuyết cũng như thực tiễn quản lý tổng cầu trong lịch sử kinh tế thế giới.

Có thể nói một cách khái quát rằng, lý thuyết trọng cung và lý thuyết quản lý tổng cầu là hai nhánh chính trong kinh tế học. Mỗi chính sách thuộc một trong hai lý thuyết này, một khi được thiết kế phù hợp và thực thi đúng thời điểm, sẽ giúp các nền kinh tế đạt được các mục tiêu mà chúng theo đuổi. Vai trò của các chính sách quản lý tổng cầu là không thể phủ nhận trong việc giúp kinh tế thế giới tránh được những hậu quả nặng nề của một cuộc đại suy thoái trong giai đoạn 2008– nay. Hay xa hơn, sự phản ứng sai lầm của chính sách tiền tệ và chậm trễ của chính sách tài khoá đã khiến kinh tế thế giới chìm đắm vào cuộc đại suy thoái kéo dài cả thập kỉ 30 của thế kỉ trước. Ngược lại, các chính sách quản lý tổng cầu lại không giải quyết được tình trạng đình trệ sản xuất và lạm phát cao của những năm 1970s. Trong khi đó, việc chuyển mạnh sang các chính sách trọng cung, bao gồm giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các chính sách điều tiết ngành và tư nhân hoá các DNNN, ưu đãi thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đại học và đào tạo nghề, v.v. từ đầu những năm 1980s lại giúp cho các nền kinh tế phát triển (Anh, Mỹ, Pháp,…) cũng như đang phát triển (Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Bra-xin,…) đạt được quãng thời gian tăng trưởng cao và gần như liên tục cho tới trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008–2009 xảy ra.

Quay trở lại kinh tế Việt Nam, những năm gần đây chúng ta thường lạm dụng các chính sách quản lý tổng cầu, bao gồm cả mở rộng tài khoá và tiền tệ. Sự gia tăng mạnh và liên tục của tổng cầu thông qua đầu tư công, chi tiêu NSNN và cung tiền M2, nhưng lại thiếu những biện pháp tập trung cải thiện tổng cung tiềm năng, đã khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ngày càng thấp đi. Khi tổng cung không được cải thiện tương xứng với tổng cầu, các loại giá cả bao gồm từ giá tiêu dùng, tiền lương, đến lãi suất và giá các loại tài sản đã tăng mạnh, kéo theo làn sóng đầu cơ và bất ổn. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận các vấn đề này là nguyên nhân của các sai lầm về thiết kế và thực thi chính sách quản lý tổng cầu, Chính phủ Việt Nam lại coi đó là những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, đồng thời ngày càng gia tăng các biện pháp cưỡng ép hành chính và gọi chúng là “các chính sách bình ổn.”

Để minh chứng cho sự kém hiệu quả của các chính sách quản lý tổng cầu ở Việt Nam gần đây chúng ta có thể nhìn vào các chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2007–2012, tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng kinh tế trung bình lần lượt là 12,6% và 6,2%, xấu đi đáng kể so với các con số tương ứng 4,9% và 7,6% của giai đoạn 2001–2006. Tức là, tăng trưởng gần đây thấp đi còn lạm phát lại cao hơn. Không chỉ có vậy, giai đoạn 2007–2012 cũng chứng kiến sự bất ổn, đo lường theo độ lệch chuẩn của các biến, tăng gấp đôi so với các con số tương ứng của giai đoạn trước đó. Điều này hàm ý, doanh nghiệp và người dân Việt Nam những năm gần đây đang sống trong một môi trường kinh tế bất ổn/tăng giảm thất thường hơn so với khoảng chục năm trước đây. Nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế và bất ổn gia tăng này có lẽ có sự góp phần không nhỏ của các chính sách mở rộng tổng cầu thái quá với tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 trung bình trên 26%/năm, và tăng trưởng chi tiêu NSNN là khoảng xấp xỉ 20%/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2007–2012, các chính sách vĩ mô của Việt Nam cũng thay đổi khó lường hơn, với độ lệch chuẩn của tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng chi NSNN lần lượt là 9,3% và 9,6%, so với các con số 3,0% và 4,9% tương ứng của giai đoạn 2001–2006.
 
Có thể nói, chính sách kích thích tổng cầu của Việt Nam trong những năm vừa qua đã mắc sai lầm ngay từ khâu thiết kế, đến thực thi, giám sát và thời điểm cần kết thúc. Thay vì phải hướng trọng tâm chính sách vào kích thích đầu tư tư nhân và xuất khẩu thì nó lại thiên về mở rộng đầu tư công thông qua hệ thống các DNNN và chi tiêu ngân sách. Mỗi năm có hàng trăm ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và TPCP bảo lãnh được phát hành (Theo HNX năm 2012 là 167 ngàn tỉ đồng) để tài trợ cho chi tiêu của khu vực công. Các tổ chức tín dụng, thay vì hướng nguồn vốn nhàn rỗi đến các doanh nghiệp tư nhân bằng cách hạ lãi suất thì lại đổ tiền vào TPCP với lãi suất cao (và gần đây là cả vào vàng). Do vậy, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục cao ngất ngưởng bất chấp áp lực lạm phát giảm, sản xuất đình trệ và những nỗ lực cắt giảm lãi suất hành chính của NHNN.

Ngoài ra, hậu quả của các chính sách kích thích tổng cầu hướng vào hệ thống DNNN kém hiệu quả và thiếu giam sát đã để lại cả một núi nợ xấu của khu vực này cho hệ thống ngân hàng. Quy mô kích cầu thái quá và kéo dài cũng đã khiến sản xuất của nền kinh tế lệch lạc vào những ngành nghề mang tính đầu cơ cao kém bền vững. Hậu quả là, gánh nặng nợ công, nếu tính cả nợ của hệ thống DNNN, đã xấp xỉ bằng với quy mô GDP của cả nền kinh tế.

Chính sách quản lý tổng cầu, nếu cần chú trọng, phải là những chính sách theo định hướng thay đổi cấu phần của tổng cầu chứ dứt khoát không phải là kích thích chi tiêu công hay tăng trưởng cung tiền thêm nữa. Chi tiêu công cần phải được cắt giảm để tạo cơ hội cho lãi suất giảm, từ đó đầu tư tư nhân sẽ tăng. Thuế phí phải được hạn chế, đồng thời tăng trưởng cung tiền phải được giữ ở mức thấp nhằm kiềm chế lạm phát, tạo tiền đề cho sức mua của khu vực tư nhân tăng trở lại.

Một số ý kiến cá nhân cho rằng, song hành với những thành tựu kinh tế đạt được trong hai thập kỉ qua là dấu vết can thiệp sâu rộng hơn (quy mô chi tiêu lớn hơn) của Chính phủ để rút ra kết luận rằng những thành tựu kinh tế đó là nhờ chi tiêu chính phủ là rất thiếu cơ sở. Thứ nhất, lập luận này không dựa trên việc xác định xem quy mô tối ưu của Chính phủ là bao nhiêu đối với tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới hầu hết chỉ ra rằng quy mô tối ưu này là không quá 25% GDP (trong khi ở Việt Nam chi NSNN trung bình trong 5 năm qua, chưa kể chi của DNNN, đã là 38% GDP). Thứ hai, khi kinh tế và chi tiêu công cùng tăng thì không có nghĩa chi tiêu công là nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi nghi vấn phù hợp nhất đặt ra ở đây phải là liệu tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, hay thấp hơn, nếu chính phủ giảm sự can thiệp của mình vào nền kinh tế. Trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, phân tích thực nghiệm của chúng tôi đưa ra câu trả lời là tăng trưởng sẽ cao và ổn định hơn. 

Đã 5 năm đã trôi qua kể từ khi kinh tế bắt đầu suy giảm, các chương trình tái cơ cấu luôn được nhắc đến trong các chương trình nghị sự của Quốc hội cũng như Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận thấy một chính sách cụ thể nào được thực hiện để cải thiện năng lực sản xuất của nền kinh tế. Năng suất của nền kinh tế và các điều kiện để cải thiện nó vẫn giậm chân tại chỗ và ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng đã tới thời điểm Việt Nam cần phải chú trọng hơn tới các chính sách trọng cung. Đây chính là thông điệp chính của cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn mới được chúng tôi hoàn thành.

                           

Phản hồi đối với bài "Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung"

LTS: Cuốn sách "Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn" sau khi xuất bản đã nhận được một số ý kiến ủng hộ của các chuyên gia. Cụ thể, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân tổ chức bởi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tháng 4/2013, các chuyên gia Bùi Trinh và Đinh Tuấn Minh đã giúp truyền tải một phần thông điệp của cuốn sách. Các ý kiến này cũng nhận được nhiều thảo luận và phản hồi góp ý.

Đồng thời tôi cũng có viết bài " Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung" tóm tắt lại một phần nội dung ở Chương 2 mà tôi là tác giả chính. Bài này sau khi được đăng trên TBKTSG cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Cụ thể là TS. Phan Minh Ngọc đã có bài đăng trên TBKTSG số ra ngày hôm nay 2/5/2013. Bạn đọc có thể đăng kí tài khoản (miễn phí) tại TBKTSG để đọc bài này ở đây http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/860/
----------------------------


Nên theo chính sách kinh tế nào?

TS Phan Minh Ngọc

Tác giả Phạm Thế Anh trên TBKTSG số ra ngày 4-4-2013 đã lập luận Việt Nam cần và nên theo đuổi các chính sách kinh tế trọng cung như đã làm kể từ cuối thập niên 80 cho đến 2007, thay vì “sa lầy” vào chính sách quản lý tổng cầu, “loay hoay” giữa hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích để xem các luận điểm này có hợp lý hay không.

Khác biệt giữa chính sách kinh tế trọng cầu và trọng cung

Còn được gọi là kinh tế học Keynes, kinh tế học trọng cầu là trường phái kinh tế vĩ mô cho rằng tăng tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong ngắn hạn, nhất là trong giai đoạn suy thoái, khi sản lượng kinh tế được chi phối mạnh bởi tổng cầu. (Cần lưu ý rằng chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng trong ngắn hạn, vì, ví dụ, vẫn có khả năng các doanh nghiệp chỉ đầu tư để mở rộng sản xuất khi nhu cầu mạnh hơn, thể hiện qua doanh số bán hàng lớn hơn).

Theo trường phái trọng cầu, tổng cầu không nhất thiết bằng với năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thay vào đó, tổng cầu bị chi phối bởi một loạt các yếu tố và đôi lúc biến động rất thất thường gây ảnh hưởng lớn lên sản xuất, việc làm và lạm phát.

Đối lập với trường phái trên, trường phái trọng cung cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hạ thấp những rào cản cho sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ, như hạ thấp thuế thu nhập, và tăng tính linh hoạt nhờ giảm bớt điều tiết của Chính phủ. Người tiêu dùng lúc đó sẽ được lợi nhờ được tiếp cận với nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào hơn với giá cả thấp hơn. 
Nói chung, chính sách trọng cung là chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn, dựa trên ba trụ cột chính: chính sách thuế (chủ trương hạ thấp thuế thu nhập để kích thích đầu tư), chính sách điều tiết (chủ trương duy trì một Chính phủ nhỏ gọn và giảm thiểu can thiệp), và chính sách tiền tệ (chủ trương một chính sách tiền tệ ổn định hoặc tạo ra lạm phát thấp tương ứng với tăng trưởng kinh tế).  Tuy nhiên, ý tưởng duy nhất xuyên suốt trường phái này là : sản xuất là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chủ yếu thông qua việc giảm thiểu can thiệp của Chính phủ và hạ thuế để tạo ra các động lực khuyến khích làm việc, tiết kiệm, đầu tư, và áp dụng các công nghệ mới.

Chính sách trọng cung có tối ưu hơn?

Một số chuyên gia kinh tế gần đây có ý cho rằng chính sách trọng cung là tối ưu hơn do đã được thực thi rộng rãi trên khắp thế giới và mang lại tăng trưởng cao và bền vững ở các nền kinh tế theo đuổi chúng. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Chính sách trọng cung cũng đã từng bị phê phán khá mạnh trong cộng đồng các nhà kinh tế học. Trên thực tế, có nhiều nước (cả phát triển và đang phát triển) không áp dụng những chính sách chính yếu thuộc về trường phái trọng cung như hạ thuế, giảm thiểu quy mô và sự can thiệp của Chính phủ, mà không nhất thiết trải qua suy giảm tăng trưởng hay trì trệ.
Bên cạnh đó, việc phân định rạch ròi các chính sách kinh tế đã và đang áp dụng ở một (số) quốc gia nào đó vào hoặc trường phái trọng cung hoặc trường phái trọng cầu dường như là sự đơn giản hóa vấn đề. Ngày nay hầu như các nhà kinh tế học và hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, đều nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện phía cung của nền kinh tế. Trên thực tế, khi nói hay viết về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, thì phần lớn đều nói/viết về cách thức để tăng năng suất của nền kinh tế, bao hàm tất cả các yếu tố nằm về phía cung của nền kinh tế.

Điều quan trọng là sự đồng thuận rằng tổng cung (và việc tăng nó thông qua các biện pháp khuyến khích, cải thiện năng suất, tăng cường sáng tạo) quyết định sản lượng và phúc lợi trong dài hạn lại nhiều lúc bị  lạm dụng trong các cuộc luận chiến chính trị và kinh tế. Bên trọng cung thường nhấn mạnh rằng các Chính phủ nhỏ gọn và mức thuế thấp hơn luôn là chính sách duy nhất có ý nghĩa ở mọi thời điểm. Đồng thời họ luôn phủ định mọi chính sách tăng thuế và tăng vai trò của Chính phủ vì cho rằng chúng sẽ tạo ra những méo mó nghiêm trọng và giảm tăng trưởng.

Vì đơn giản hóa vấn đề một cách cực đoan nên chính sách trọng cung dường như đã bỏ qua nhiều biến số vốn đã được nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực chứng chỉ ra là những yếu tố quyết định tăng trưởng. Phần nhiều những biến số này lại yêu cầu Chính phủ phải có vai trò can thiệp, điều tiết lớn hơn. 

Việt Nam đã và đang theo đuổi những trường phái kinh tế nào?
Trong bài viết được đề cập ở đầu bài, tác giả Phạm Thế Anh cho rằng những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thông qua công cuộc “đổi mới” kể từ cuối thập niên 1980 chủ yếu nhờ những chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết trọng cung chứ không phải quản lý tổng cầu (ví dụ, dỡ bỏ hàng rào nội thương, cho phép thành lập công ty tư nhân, khoán 10, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gia nhập WTO...).

Có thể thấy tác giả đã rất khiên cưỡng khi xếp các chính sách mà Việt Nam đã áp dụng như trên là dựa trên lý thuyết trọng cung. Đàng rằng những chính sách này ít nhiều góp phần dẫn đến cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện năng lực sản xuất, là điều mà hầu như ngày nay không nhà kinh tế học hay người hoạch định chính sách nào phủ định. Nhưng theo phân tích ở phần trên, nếu thực sự đúng là trường phái trọng cung thì những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam không phải là do chính sách trọng cung (hạ thuế, Chính phủ nhỏ hơn và ít can thiệp hơn) mang lại. Ngược lại, có thể thấy dấu vết can thiệp sâu rộng hơn của Chính phủ vào nền kinh tế với quy mô (của Chính phủ) lớn hơn rõ ràng.
Tác giả cũng khiên cưỡng khi cho rằng: “... từ năm 2007 tới nay, Việt Nam lại bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang kích thích tăng trưởng, mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Việc sử dụng chúng liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua.”

Như đã nói ở trên, thực ra chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng/có giá trị trong ngắn hạn mà nó còn có thể có ảnh hưởng lên tăng trưởng trong dài hạn hơn. Quan trọng hơn, trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng cả trong và ngoài nước như từ năm 2007 đến nay, thì chính sách trọng cầu tỏ ra thích hợp và cần thiết. Trong khi đó, chính sách trọng cung nói chung về lý thuyết không giải thích được (thỏa đáng) tại sao lại có suy thoái, còn thực tế thì không cung cấp được những bằng chứng xác đáng cho thấy nó có tác dụng đưa nền kinh tế ra khỏi những cuộc suy thoái này.

Ngoài ra, cũng từ năm 2007 đến nay, thực tế Việt Nam vẫn nhấn mạnh và cố gắng đeo đuổi các chính sách cải thiện năng lực sản xuất, chứ không đơn thuần chỉ chú trọng vào chính sách kích cầu như tác giả nhận định.


Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung

                                              Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh

(Saigontimes đăng bài này nhưng quên ghi tên đồng tác giả Đinh Tuấn Minh)

Chính sách trọng cung và kinh nghiệm thực tiễn

Chính sách trọng cung là một tập hợp các biện pháp nhằm khuyến khích hành vi và nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế thông qua việc làm tăng cung các yếu tố đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường và ngành, cải thiện tổng cung tiềm năng của nền kinh tế, và do vậy có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao hơn của thu nhập quốc dân trong tương lai. Thực tiễn cho thấy, để thoát khỏi tình trạng đình đốn sản xuất và lạm phát cao trước đó, bắt đầu từ thập niên 1980s, các quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Xing-ga-po, v.v. đã chuyển mạnh sang chính sách trọng cung, tức tạo ra các khuyến khích để phát triển các yếu tố sản xuất. Một loạt các chính sách như giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các chính sách điều tiết ngành, và tư nhân hoá các DNNN lần lượt được thực hiện. Các chính sách trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp xã hội cũng được thu hẹp, đồng thời nhiều điều lệ ngăn cản sa thải nhân công cũng được dỡ bỏ. Điều này đã giúp tạo ra những khuyến khích khiến cho người lao động phải tích cực tìm kiếm việc làm thay vì ỉ lại vào chính phủ. Nhiều chính sách ưu đãi thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đại học và đào tạo nghề cũng được các chính phủ đưa ra để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Những chính sách trọng cung này đã tạo đà phát triển liên tục và ở mức cao cho các nền kinh tế theo đuổi chúng, cả phát triển và đang phát triển, trong suốt giai đoạn từ giữa thập niên 1980s cho đến khi đại suy giảm kinh tế thế giới 2008–2009 vừa qua. Đó là quãng thời gian tăng trưởng liên tục dài nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.

Cuộc đại suy giảm kinh tế thế giới 2008–2009 khiến nhiều quốc gia quay trở lại chính sách kích cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là những chính sách ngắn hạn. Những nền tảng chính sách trọng cung được thiết lập trong các thời kỳ trước như giảm thuế, tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản nhập ngành v.v. hầu như vẫn được các quốc gia duy trì.

Các khuyến nghị chính sách trọng cung cho Việt Nam

Tương tự như Trung Quốc sau khi thực hiện chính sách “mở cửa,” có thể nói một cách khái quát rằng, những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thông qua công cuộc “đổi mới” kể từ cuối thập niên 1980s là chủ yếu nhờ những chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết trọng cung chứ không phải quản lý tổng cầu. Có thể kể đến những chính sách mang tinh thần trọng cung được thực hiện trong giai đoạn 1988–1991 bao gồm: dỡ bỏ các hàng rào nội thương, cho phép thành lập công ty tư nhân, khoán 10 giao ruộng đất từ các hợp tác xã về cho các hộ nông dân, giải thể và sáp nhập các DNNN yếu kém, giải ngũ và cắt giảm biên chế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Tương tự, nhiều cải cách lớn trong giai đoạn 1999–2006 cũng mang tinh thần trọng cung như cho phép các doanh nghiệp được quyền trực tiếp xuất nhập khẩu, ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2000 để dỡ bỏ các rào cản thành lập doanh nghiệp, đẩy mạnh tiến trình cổ phần hoá DNNN, ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, hình thành sở giao dịch chứng khoán và cải cách lại một loạt các bộ luật về thương mại, đầu tư, đất đai, v.v. để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tiếc rằng từ năm 2007 tới nay, Việt Nam lại bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang kích thích tăng trưởng, mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Việc sử dụng chúng liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua. Trong khi đó, dư địa cho các chính sách trọng cung để nâng cao sản lượng tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn nhưng lại không được quan tâm khai thác đúng mức. Cụ thể, các chính sách trọng cung chúng tôi khuyến nghị ở đây bao gồm:
Khuyến nghị 1: Giảm các loại thuế phí và cắt giảm chi tiêu công

Nội dung quan trọng nhất trong gói chính sách trọng cung là cắt giảm các mức thuế và đồng thời cắt giảm chi tiêu chính phủ. Mục đích của chính sách giảm tỷ lệ thuế và phí là để tạo ra sự khuyến khích giúp doanh nghiệp tăng chi tiêu đầu tư, giúp hình thành lượng vốn/tư bản và năng lực sản xuất nền kinh tế trong tương lai. Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển khi lượng vốn sản xuất/tư bản trong nền kinh tế còn thấp, để thu hút đầu tư các quốc gia trên thế giới thường áp dụng một mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (dưới 15%). Trong giai đoạn sau, khi nền kinh tế đã phát triển, mức thuế này thường được nâng cao (>30%) kèm theo những cải thiện về cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội. Cụ thể, Thái Lan sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 và Ai Len những năm gần đây là các quốc gia điển hình áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp và đã thu hút được một lượng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài cũng như từ khu vực tư nhân trong nước, nhanh chóng hồi phục và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ thuế và phí cần đi song hành với cắt giảm chi tiêu chính phủ. Nếu không cắt giảm chi tiêu chính phủ ngân sách sẽ bị thâm hụt, nợ công sẽ tăng cao, không những làm tăng mặt bằng lãi suất mà còn đe dọa khả năng duy trì mức thuế và phí thấp trong dài hạn.
Khuyến nghị 2: Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hoá các DNNN

Trong gần hai thập kỉ qua nhiều DNNN đã được cổ phần hoá, tuy nhiên quá trình này được đánh giá là còn chậm và chưa triệt để. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn là nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, được hưởng nhiều ưu đãi và giữ thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực. Để tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, Chính phủ nên xây dựng một lộ trình kiên quyết nhằm thu hẹp khu vực DNNN thông qua bán toàn bộ hoặc cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực công ích. Nhà nước chỉ nên sử dụng các DNNN với vai trò là công cụ khắc phục những thất bại của thị trường, tránh sử dụng chúng như những công cụ để điều tiết nền kinh tế.
Khuyến nghị 3: Giải điều tiết các thị trường, tăng cường cạnh tranh và tự do thương mại

Các chính sách giải điều tiết (deregulation) gỡ bỏ các kiểm soát, thúc đẩy cạnh tranh và tự do thương mại có thể làm tăng cung thị trường, giảm giá cả và mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Giải điều tiết giúp tăng số lượng doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trong cùng một lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể tiến hành các chính sách hỗ trợ cạnh tranh như các ban hành các quy định về chống độc quyền áp đặt giá, chống lạm dụng vị thế chi phối thị trường của các tập đoàn lớn, hoặc thúc đẩy quá trình cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ngoài ra, thuế quan cần được tiếp tục cắt giảm hơn nữa nhằm thúc đẩy tự do thương mại. Kể từ khi chính thức gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã và đang thực hiện theo lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan ở khoảng 3.800 dòng thuế khác nhau, chiếm khoảng 35,5% số dòng của biểu thuế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm ở mỗi dòng thuế được đánh giá vẫn còn khiêm tốn, phổ biến ở mức từ 1–3%, do những lo ngại về khả năng cạnh tranh kém và chưa sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, vẫn còn tới khoảng 6.870 dòng, chiếm 64,5% số dòng của biểu thuế được ràng buộc ở mức thuế trần hoặc không được cắt giảm so với thời điểm trước khi gia nhập WTO. Số lượng mức thuế suất cũng mới được giảm từ 48 xuống còn 33 mức, vẫn cao hơn nhiều so với từ 3–5 mức như đang áp dụng ở các nước trong khu vực.
Khuyến nghị 4: Khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghệ, giáo dục và đào tạo để cải thiện năng suất và phát triển vốn con người

Tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Việt Nam không thể không dựa trên nền tảng lao động chất lượng cao với khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Đối với hệ thống giáo dục và đào tạo, thay vì mở rộng quy mô như hiện nay, Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hỗ trợ phát triển các trường đại học/chương trình đào tạo trọng điểm chất lượng cao, tách biệt với các trường/chương trình đào tạo vì mục tiêu tài chính hay vì mục tiêu phổ cập. Các trường đại học/chương trình đào tạo trọng điểm này cần cạnh tranh với nhau để nhận sự hỗ trợ tài chính của nhà nước nhằm thu hút được các giảng viên và sinh viên ưu tú, làm nòng cốt cho sự phát triển khoa học kĩ thuật và thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế trong tương lai. Đối với hệ thống khoa học và công nghệ, Việt Nam cần xây dựng lại chuẩn mực khoa học trong hệ thống nghiên cứu; cần sửa lại các biện pháp miễn giảm thuế cho đầu tư phát triển công nghệ theo hướng dễ nhận biết hơn; cần xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ theo hướng cạnh tranh và bình đẳng với tất cả các cơ sở nghiên cứu, của nhà nước cũng như tư nhân; và cần có những chính sách để liên kết hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu trọng điểm với khu vực doanh nghiệp.

Khuyến nghị 5: Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư nước ngoài

Một trong những nguyên nhân chính khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng xấu đi là do tham nhũng. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng vào một trong các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất (Xếp thứ hạng 123/174 vào năm 2012). Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng ở Việt Nam còn lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, và thậm chí là ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, kết quả điều tra Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh năm 2011 cũng cho thấy, tham nhũng đang là rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi có tới hơn 52% số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ phải chi trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số doanh nghiệp phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các khoản chi phí không chính thức. Rõ ràng, các hành vi tham nhũng là nguy hại và cần được giảm thiểu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trước khi Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong dài hạn.
-------------------- 
Bài viết này được trích lược từ cuốn Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn do các tác giả Phạm Thế Anh (chủ biên), Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Thị Minh thực hiện. Xem giới thiệu sách ở đây http://theanh98.blogspot.com/2013/03/gioi-thieu-sach.html