Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Phản hồi đối với bài "Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung"

LTS: Cuốn sách "Kinh tế Việt Nam: Từ chính sách bình ổn tổng cầu sang chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn" sau khi xuất bản đã nhận được một số ý kiến ủng hộ của các chuyên gia. Cụ thể, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân tổ chức bởi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tháng 4/2013, các chuyên gia Bùi Trinh và Đinh Tuấn Minh đã giúp truyền tải một phần thông điệp của cuốn sách. Các ý kiến này cũng nhận được nhiều thảo luận và phản hồi góp ý.

Đồng thời tôi cũng có viết bài " Kinh tế Việt Nam: Cần hơn các chính sách trọng cung" tóm tắt lại một phần nội dung ở Chương 2 mà tôi là tác giả chính. Bài này sau khi được đăng trên TBKTSG cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Cụ thể là TS. Phan Minh Ngọc đã có bài đăng trên TBKTSG số ra ngày hôm nay 2/5/2013. Bạn đọc có thể đăng kí tài khoản (miễn phí) tại TBKTSG để đọc bài này ở đây http://www.thesaigontimes.vn/epaper2010/TB-KTSG/860/
----------------------------


Nên theo chính sách kinh tế nào?

TS Phan Minh Ngọc

Tác giả Phạm Thế Anh trên TBKTSG số ra ngày 4-4-2013 đã lập luận Việt Nam cần và nên theo đuổi các chính sách kinh tế trọng cung như đã làm kể từ cuối thập niên 80 cho đến 2007, thay vì “sa lầy” vào chính sách quản lý tổng cầu, “loay hoay” giữa hai mục tiêu kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích để xem các luận điểm này có hợp lý hay không.

Khác biệt giữa chính sách kinh tế trọng cầu và trọng cung

Còn được gọi là kinh tế học Keynes, kinh tế học trọng cầu là trường phái kinh tế vĩ mô cho rằng tăng tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong ngắn hạn, nhất là trong giai đoạn suy thoái, khi sản lượng kinh tế được chi phối mạnh bởi tổng cầu. (Cần lưu ý rằng chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng trong ngắn hạn, vì, ví dụ, vẫn có khả năng các doanh nghiệp chỉ đầu tư để mở rộng sản xuất khi nhu cầu mạnh hơn, thể hiện qua doanh số bán hàng lớn hơn).

Theo trường phái trọng cầu, tổng cầu không nhất thiết bằng với năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thay vào đó, tổng cầu bị chi phối bởi một loạt các yếu tố và đôi lúc biến động rất thất thường gây ảnh hưởng lớn lên sản xuất, việc làm và lạm phát.

Đối lập với trường phái trên, trường phái trọng cung cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hạ thấp những rào cản cho sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ, như hạ thấp thuế thu nhập, và tăng tính linh hoạt nhờ giảm bớt điều tiết của Chính phủ. Người tiêu dùng lúc đó sẽ được lợi nhờ được tiếp cận với nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào hơn với giá cả thấp hơn. 
Nói chung, chính sách trọng cung là chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn, dựa trên ba trụ cột chính: chính sách thuế (chủ trương hạ thấp thuế thu nhập để kích thích đầu tư), chính sách điều tiết (chủ trương duy trì một Chính phủ nhỏ gọn và giảm thiểu can thiệp), và chính sách tiền tệ (chủ trương một chính sách tiền tệ ổn định hoặc tạo ra lạm phát thấp tương ứng với tăng trưởng kinh tế).  Tuy nhiên, ý tưởng duy nhất xuyên suốt trường phái này là : sản xuất là yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chủ yếu thông qua việc giảm thiểu can thiệp của Chính phủ và hạ thuế để tạo ra các động lực khuyến khích làm việc, tiết kiệm, đầu tư, và áp dụng các công nghệ mới.

Chính sách trọng cung có tối ưu hơn?

Một số chuyên gia kinh tế gần đây có ý cho rằng chính sách trọng cung là tối ưu hơn do đã được thực thi rộng rãi trên khắp thế giới và mang lại tăng trưởng cao và bền vững ở các nền kinh tế theo đuổi chúng. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Chính sách trọng cung cũng đã từng bị phê phán khá mạnh trong cộng đồng các nhà kinh tế học. Trên thực tế, có nhiều nước (cả phát triển và đang phát triển) không áp dụng những chính sách chính yếu thuộc về trường phái trọng cung như hạ thuế, giảm thiểu quy mô và sự can thiệp của Chính phủ, mà không nhất thiết trải qua suy giảm tăng trưởng hay trì trệ.
Bên cạnh đó, việc phân định rạch ròi các chính sách kinh tế đã và đang áp dụng ở một (số) quốc gia nào đó vào hoặc trường phái trọng cung hoặc trường phái trọng cầu dường như là sự đơn giản hóa vấn đề. Ngày nay hầu như các nhà kinh tế học và hoạch định chính sách kinh tế trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, đều nhận thức được tầm quan trọng của việc cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện phía cung của nền kinh tế. Trên thực tế, khi nói hay viết về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, thì phần lớn đều nói/viết về cách thức để tăng năng suất của nền kinh tế, bao hàm tất cả các yếu tố nằm về phía cung của nền kinh tế.

Điều quan trọng là sự đồng thuận rằng tổng cung (và việc tăng nó thông qua các biện pháp khuyến khích, cải thiện năng suất, tăng cường sáng tạo) quyết định sản lượng và phúc lợi trong dài hạn lại nhiều lúc bị  lạm dụng trong các cuộc luận chiến chính trị và kinh tế. Bên trọng cung thường nhấn mạnh rằng các Chính phủ nhỏ gọn và mức thuế thấp hơn luôn là chính sách duy nhất có ý nghĩa ở mọi thời điểm. Đồng thời họ luôn phủ định mọi chính sách tăng thuế và tăng vai trò của Chính phủ vì cho rằng chúng sẽ tạo ra những méo mó nghiêm trọng và giảm tăng trưởng.

Vì đơn giản hóa vấn đề một cách cực đoan nên chính sách trọng cung dường như đã bỏ qua nhiều biến số vốn đã được nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực chứng chỉ ra là những yếu tố quyết định tăng trưởng. Phần nhiều những biến số này lại yêu cầu Chính phủ phải có vai trò can thiệp, điều tiết lớn hơn. 

Việt Nam đã và đang theo đuổi những trường phái kinh tế nào?
Trong bài viết được đề cập ở đầu bài, tác giả Phạm Thế Anh cho rằng những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thông qua công cuộc “đổi mới” kể từ cuối thập niên 1980 chủ yếu nhờ những chính sách dựa trên nền tảng lý thuyết trọng cung chứ không phải quản lý tổng cầu (ví dụ, dỡ bỏ hàng rào nội thương, cho phép thành lập công ty tư nhân, khoán 10, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, gia nhập WTO...).

Có thể thấy tác giả đã rất khiên cưỡng khi xếp các chính sách mà Việt Nam đã áp dụng như trên là dựa trên lý thuyết trọng cung. Đàng rằng những chính sách này ít nhiều góp phần dẫn đến cải cách cơ cấu kinh tế và cải thiện năng lực sản xuất, là điều mà hầu như ngày nay không nhà kinh tế học hay người hoạch định chính sách nào phủ định. Nhưng theo phân tích ở phần trên, nếu thực sự đúng là trường phái trọng cung thì những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam không phải là do chính sách trọng cung (hạ thuế, Chính phủ nhỏ hơn và ít can thiệp hơn) mang lại. Ngược lại, có thể thấy dấu vết can thiệp sâu rộng hơn của Chính phủ vào nền kinh tế với quy mô (của Chính phủ) lớn hơn rõ ràng.
Tác giả cũng khiên cưỡng khi cho rằng: “... từ năm 2007 tới nay, Việt Nam lại bị sa lầy vào chính sách quản lý tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang kích thích tăng trưởng, mà không ý thức được rằng các chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Việc sử dụng chúng liên tục như là một chính sách dài hạn là nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm vừa qua.”

Như đã nói ở trên, thực ra chính sách trọng cầu không nhất thiết chỉ đúng/có giá trị trong ngắn hạn mà nó còn có thể có ảnh hưởng lên tăng trưởng trong dài hạn hơn. Quan trọng hơn, trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng cả trong và ngoài nước như từ năm 2007 đến nay, thì chính sách trọng cầu tỏ ra thích hợp và cần thiết. Trong khi đó, chính sách trọng cung nói chung về lý thuyết không giải thích được (thỏa đáng) tại sao lại có suy thoái, còn thực tế thì không cung cấp được những bằng chứng xác đáng cho thấy nó có tác dụng đưa nền kinh tế ra khỏi những cuộc suy thoái này.

Ngoài ra, cũng từ năm 2007 đến nay, thực tế Việt Nam vẫn nhấn mạnh và cố gắng đeo đuổi các chính sách cải thiện năng lực sản xuất, chứ không đơn thuần chỉ chú trọng vào chính sách kích cầu như tác giả nhận định.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét