Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Dollarization

Đôla hóa – dollarization – xảy ra khi dân cư một nước sử dụng ngoại tệ song song, hoặc thay thế, đồng nội tệ trong giao dịch, dự trữ giá trị, hoặc hạch toán các tài sản có giá trị cao. Theo một báo cáo của US Treasury năm 2006, có tới khoảng 2/3 lượng tiền phát hành của Mĩ (450 tỉ đôla) đang nằm ở nước ngoài. Việc đôla hóa sẽ gây khó khăn cho chính sách tiền tệ và làm mất ổn định thị trường ngoại hối ở những nước có hiện tượng này. Những chính sách tiền tệ dễ dãi gây lạm phát của Mĩ sẽ khiến cho sức mua của đồng đôla giảm sút. Hơn nữa, việc nắm giữ đôla tức là người nước ngoài đang nắm giữ một loại tài sản không lãi suất đối với nước Mĩ và, chắc hẳn, người Mĩ không mong đợi những đồng đôla này quay trở lại nước mình.

Theo ước tính của báo cáo này, Argentina là nước có mức độ đôla hóa cao nhất. Trung bình một người dân nước này nắm giữ khoảng 1300$. Panama và Nga cũng có mức độ đôla hóa trầm trọng với trung bình một người nắm giữ 500-600$. Tổng số đôla ở Việt Nam là 3 tỉ và bình quân một người dân Việt Nam nắm giữ khoảng 40$. Tuy nhiên đây là số liệu ước tính của trước năm 2005, hiện nay, với mức độ hội nhập sâu rộng kể từ khi trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2007, con số ước tính phải gấp gần chục lần.

Bảng: Thực trạng USD hóa ở một số nền kinh tế


















Đặc biệt, trong một nghiên cứu có liên quan, Linda Goldberg đã cho thấy rằng nhu cầu nắm giữ đồng 100$ ở ngoài nước Mĩ có xu hướng tăng theo thời gian, trong khi đó cầu đồng 50$ và đặc biệt là đồng 20$ giảm mạnh. Điều này cho thấy đồng USD có lẽ chủ yếu được dùng làm phương tiện dự trữ giá trị (tức là cất giấu dưới gầm giường), chứ không phải phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở ngoài nước Mĩ.

Hình: Tỉ trọng các tờ USD nắm giữ ở ngoài nước Mĩ

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Quan hệ kinh tế Việt Mĩ

Hôm qua ông Robert D. Hormatsm, người đứng đầu các vấn đề kinh tế, năng lượng và nông nghiệp của Đại Sứ Quán Mĩ tại Việt Nam đã có bài phát biểu về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kì tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Bài phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề với hàm ý sâu sắc, hi vọng độc giả , đa số là sinh viên, có thể hấp thụ hết được nội dung của nó.

Gần đây các trường đại học kinh tế với bộ máy gọn nhẹ, năng động, và cầu tiến như Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại Thương,… thường xuyên tổ chức được các sự kiện rất hữu ích cho sinh viên cũng như giảng viên cập nhật và kết nối những kiến thức học thuật với thực tiễn kinh tế Việt Nam. Trường Kinh tế Quốc dân, với vị thế của một ông lớn, có vẻ như thụ động và đang ăn mòn dần vào thương hiệu vốn có lâu năm.

Quan hệ Việt Mĩ đã có những bước nhảy vọt lớn trong những năm qua đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Mĩ đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu hơn 16 tỉ USD, chiếm khoảng 20% GDP của VN. Sau khi ca ngợi những thành tích và tiềm năng của Việt Nam trong những năm tới, Hormatsm cũng cảnh báo rằng quan điểm bất đồng về vấn đề nhân quyền có thể làm chậm quá trình hợp tác trong một số lĩnh vực giữa hai quốc gia. Những nghi ngờ về việc tin tặc có liên quan đến chính phủ VN đã phá hoại các trang web bất đồng quan điểm ở hải ngoại cũng được hàm ý trong bài phát biểu khi ông kêu gọi tự do báo chí, mở cửa internet, thực thi xã hội dân sự,…

Hormatsm cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế kiểm soát giá đang được xem xét gần đầy của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát có thể cản trở cả đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Rõ ràng, việc can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính, dù với mục tiêu nào đi nữa, cũng sẽ bóp méo các quyết định kinh tế thị trường và là không bền vững.

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Báo cáo kinh tế thường niên của VEPR

Sáng nay Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR đã tổ chức thành công hội thảo ra mắt báo cáo kinh tế thường niên. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước xoay quanh các vấn đề kinh tế quan trọng hiện nay như kích cầu, thâm hụt thương mại, tỉ giá, lạm phát…

Do thiếu số liệu điều tra nên bài đánh giá tác động của gói kích cầu năm 2009 còn chưa được hoàn chỉnh. Một số kết luận mang nặng cảm tính và thiếu cơ sở thực nghiệm (evidence based). Tuy nhiên theo tôi, tác động ít nhiều gì thì các biện pháp hỗ trợ cần phải được rút dần khỏi nền kinh tế. Một trong những nguyên tắc cơ bản của kích cầu là phải đảm bảo ngắn hạn và tạm thời. Vai trò tạo sự hưng phấn tạm thời cho nền kinh tế (tránh sự sụp đổ của một số doanh nghiệp, sa thải nhân công,…) của gói “viagra” kích thích kinh tế ở Việt Nam “coi như” đã hoàn thành. Để đảm bảo cân đối vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động,… nhằm đạt được tăng trưởng bền vững thì có lẽ kinh tế Việt Nam cần những thang thuốc bắc lâu dài hơn.



Cũng trong buổi hội thảo, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc hô hào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hiện nay chỉ mang tính khẩu hiệu và sai lầm. Lập luận của ông Thành là, ví dụ như ngành dệt may, 70% giá trị thành phẩm là do nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nếu như thay vì xuất khẩu mà người dân trong nước lại tiêu thụ thì còn làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại.



Có vẻ như ông Thành cố tình (?) diễn giải sai nghĩa của lời kêu gọi này. Đơn giản nó là việc kêu gọi người Việt Nam thay vì tiêu thụ hàng nhập khẩu (100% giá trị nhập khẩu từ nước ngoài) nên chuyển sang tiêu thụ sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước (có thể có 70% giá trị, hoặc thậm chí lớn hơn, là do nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài) thì chắc chắn, không ít thì nhiều, sẽ làm giảm thâm hụt thương mại. Đó là chưa còn kể đến tác động tích cực của nó đối với sản xuất và tạo việc làm trong nước.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Joseph Stiglitz vs. Paul Krugman(*)

Việc định giá đồng NDT quá thấp của Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt thương mại cao của Mĩ đối với Khựa trong những năm gần đây (Khoảng trên dưới 250 tỉ USD/năm). Nhiều kinh tế cũng như chính trị gia đã kêu gọi chính phủ Mĩ nên cứng rắn hơn với TQ về vấn đề đồng NDT. Thế giới đang e ngại về một “cuộc chiến thương mại” giữa hai quốc gia này và nếu xảy ra, có thể làm chậm lại quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới.

Joseph Stiglitz, người giành giải Nobel kinh tế năm 2001 về Lý thuyết Thông tin Không Cân xứng, từng cố vấn cho chính phủ Khựa trong quá trình đổi mới và rất được lòng dân Khựa, cho rằng ngoài tỷ giá còn có rất nhiều yếu tố khác quyết định đến thâm hụt thương mại. Tiết kiệm quốc gia là một nhân tố quan trọng. Vấn đề của nước Mĩ hiện nay là thâm hụt thương mại của Mĩ với nhiều quốc gia khác chứ không chỉ riêng với Khựa. Ông cho rằng, nước Mĩ chỉ có thể giảm thâm hụt thương mại khi nước Mĩ tiết kiệm nhiều hơn. Việc yêu cầu Khựa nâng giá NDT sẽ làm hàng hóa Khựa đắt hơn tương đối và chỉ có thể làm người dân Mĩ chuyển cầu tiêu dùng hàng Khựa sang hàng hóa của một nước khác (Việt Nam chẳng hạn :D). Nước Mĩ cần phải giải quyết vấn đề của chính mình trước khi đổ lỗi cho Khựa định giá đồng NDT quá thấp, và việc phát động chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho nước nào cả.

Paul Krugman, người dành giải Nobel kinh tế năm 2008 về lý thuyết thương mại, hôm qua đã cho rằng Joseph Stiglitz, đã trở thành nạn nhân của một học thuyết sai lầm. Krugman cho rằng việc nâng giá NDT sẽ làm hàng hóa Mĩ cạnh tranh hơn (hàng Khựa kém cạnh tranh hơn) và làm giảm thâm hụt thương mại của Mĩ. Thậm hụt thương mại giảm sẽ làm tăng sản xuất trong nước, tăng thu nhập cá nhân và do vậy làm tăng tiết kiệm quốc gia. Tức là mối quan hệ ở đây là nếu NDT lên giá, thâm hụt thương mại sẽ giảm và tiết kiệm quốc gia sẽ tăng. Krugman không đồng ý với quan điểm của Stiglitz coi tiết kiệm là nhân tố độc lập giúp làm giảm thâm hụt thương mại (tức là tiết kiệm quyết định thâm hụt thương mại). Ông cho rằng, nếu tỉ giá không đổi, việc tăng tiết kiệm, giảm tiêu dùng của người dân Mĩ sẽ chủ yếu là giảm cầu hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở Mĩ. Việc tăng cầu tiêu dùng của Khựa sẽ chủ yếu là tăng cầu về hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở Khựa. Do vậy, kết quả cuối cùng sẽ là thất nghiệp tăng ở Mĩ và sức ép lạm phát tăng ở Khựa – trừ khi dân Khựa tăng cầu tiêu dùng hàng hóa Mĩ thay cho hàng hóa Khựa.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam những năm gần đây liên tục ở mức cao (12,6 tỉ USD năm 2007, 17 tỉ năm 2008, 12 tỉ năm 2009, GDP năm 2009 khoảng hơn 90 tỉ USD). Với trường hợp Việt Nam, tôi nghiêng về lập luận của Stiglitz hơn. Tăng tiết kiệm, chuyển hướng tiêu dùng hàng ngoại (đặc biệt là hàng Khựa) sang hàng nội là những việc chúng ta cần làm hiện nay để giảm thâm hụt thương mại và tránh những bất ổn về tỷ giá và chính sách vĩ mô. Việc phát động chiến dịch mua hàng Việt Nam “buy Vietnamese” là một giải pháp đúng đắn tuy nhiên hiệu quả có vẻ chưa cao khi hàng hóa tiện ích giá rẻ (chất lượng kém) của Khựa vẫn tràn ngập thị trường VN. Sức mạnh của Kinh tế Việt Nam có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào hành vi tiêu dùng của mỗi người dân.

I expect a good response from Stiglitz 

------------
(*) Paul Krugman là người giành giải Nobel kinh tế năm 2008 về lý thuyết thương mại, đồng thời là cây bình luận kinh tế nổi tiếng của tờ The New York Times. Krugman là người ủng hộ mạnh mẽ cho những chính sách kích cầu nhằm giúp đưa các nền kinh tế thoát khỏi suy thoái hiện nay.

Đầu năm ngoái, trong chuyến đi vòng quanh châu Á, Krugman có ghé thăm Việt Nam. Sau khi làm thất vọng quần chúng Sài Gòn do không trả lời được những câu hỏi của giới đầu tư chứng khoán như “mua con gì, bán con gì” ở thời điểm đó, Krugman đã được đón tiếp nồng nhiệt ở HN bởi các quan chức chính phủ và giới kinh tế gia. Ông cho rằng chính phủ các nước cần sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nữa để nhanh chóng đưa nền kinh tế hồi phục. Trong khi gói “Viagra” kích thích kinh tế lúc đó của VN còn đang bị phê phán và nghi ngờ thì phát biểu của Krugman tại HN rất được hoan nghênh và kiếm được không ít cái gật gù của các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, trước khi kết thúc buổi họp báo để ra thẳng sân bay, với bộ mặt mệt mỏi, ông cũng thú nhận mình léo hiểu gì về kinh tế Việt Nam nên không thể đưa ra được những lời khuyên chính xác.