Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Thanh khoản

Lãi suất trong ngắn hạn của nền kinh tế thường phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là lạm phát và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lạm phát và khả năng thanh khoản của các NHTM không phải là hai yếu tố hoàn toàn độc lập nhau, đặc biệt là trong thời kì lạm phát cao.

Tính thanh khoản của một ngân hàng phản ánh khả năng chi trả các nghĩa vụ tài chính đến hạn. Rủi ro thanh khoản chủ yếu xuất hiện khi ngân hàng phải “lấy ngắn nuôi dài”. Tức là dùng các khoản huy động ngắn hạn để tài trợ cho các khoản cho vay dài hạn hoặc đầu tư vào các tài sản kém thanh khoản.

Thời gian gần đây hệ thống NHTM luôn gặp vấn đề về thanh khoản, đặc biệt là ở các NHTM cổ phần nhỏ. Một trong những đề xuất được NHNN cân nhắc để quản trị rủi ro thanh khoản đó là việc không cho phép tiền gửi có kì hạn được rút trước hạn, trừ trường hợp đặc biệt khi khách hàng có thỏa thuận trước với ngân hàng. Việc ổn định hệ thống tài chính là một hướng đi đúng tuy nhiên biện pháp này có thể gặp vấn đề về tính khả thi của nó.

Trong môi trường lạm phát cao và khó dự báo được trước như hiện nay, trừ trường hợp được thỏa thuận lãi suất vượt trần (14%), người gửi tiền không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn với lãi suất danh nghĩa cố định. Ngược lại, nếu phải trả mức lãi suất huy động vượt trần thì các NHTM lại không muốn huy động dài hạn. Do vậy, các khoản tiền huy động được của các NHTM thường là ngắn hạn và tạo ra sự lệch pha kì hạn giữa các khoản tiền gửi và cho vay. Kết cục là các NHTM thường phải tham gia vào các cuộc đua lãi suất huy động hoặc đẩy lãi suất liên ngân hàng lên rất cao, nhiều lúc vượt 20%, như trong thời gian gần đây nhằm đáp ứng thanh khoản tạm thời.

Nếu áp dụng quy định không được phép rút tiền gửi có kì hạn trước hạn, nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc người gửi tiền tăng cường thực hiện các hợp đồng cho vay rất ngắn hạn – nguyên nhân gây ra tình trạng kém thanh khoản – và đồng thời đòi hỏi lãi suất cao. Hơn nữa, vấn đề thanh khoản hiện nay đang nằm ở phía các NHTM chứ không phải ở phía người gửi tiền. Do vậy, người gửi tiền luôn có sức mạnh đàm phán yêu cầu áp dụng điều khoản rút trước kì hạn với NHTM. Các NHTM khi thiếu hụt thanh khoản chắc chắn cũng không bỏ lỡ cơ hội thỏa thuận với khách hàng, và rất có thể họ lại “chạy đua” với nhau để thỏa thuận với khách hàng của mình.

Nguyên nhân chính khiến người gửi tiền lo ngại không muốn thực hiện các hợp đồng dài hạn gây tình trạng căng thẳng thanh khoản cho các NHTM là do sự bất ổn của lạm phát, và kết quả của nó là những điều chỉnh mặt bằng lãi suất từ NHNN. Một trong những sản phẩm tín dụng có thể làm hạn chế những lo ngại này đó là các hợp đồng huy động có lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát.

Trong khi các hợp đồng huy động truyền thống ấn định mức lãi suất danh nghĩa cố định khiến cho người gửi tiền có thể chịu thiệt khi lạm phát gia tăng, thì các hợp đồng huy động có lãi suất danh nghĩa điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát có thể đảm bảo một mức lãi suất thực dương hợp lý cho người gửi tiền. Giả sử nếu mức lãi suất thực được thỏa thuận giữa NHTM và người gửi tiền là 3%/năm thì lãi suất danh nghĩa của hợp đồng có thể được ấn định bằng 3% + tỉ lệ lạm phát công bố bởi Tổng Cục Thống Kê. Việc thực hiện những hợp đồng này có khả năng bảo vệ lợi ích cho cả hai bên tham gia hợp đồng và góp phần làm giảm rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM.

Link trên SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét