Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Quản lý thật chặt việc vay nợ của DNNN

Báo Đầu tư

Theo quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, sẽ phải giảm dần nợ công để đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP. Muốn thực hiện mục tiêu này, theo TS. Phạm Thế Anh, quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội), phải quản thật chặt việc vay nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cũng như các thành phần kinh tế khác, DNNN tự vay, tự trả, vì thế việc vay nợ của khối doanh nghiệp này không ảnh hưởng đến nợ công, thưa ông?

Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công chỉ gồm nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, Chính phủ thường phải đứng ra hỗ trợ khi DNNN làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn - tức là ngân sách nhà nước, trong đó có tiền đóng thuế của người dân - phải chịu trách nhiệm về khoản tự vay, tự trả của DNNN. Đơn cử trường hợp của Vinashin hay một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành…

Hậu quả của việc vay nợ khá dễ dãi, đặc biệt là vay của ngân hàng thương mại, đã dẫn tới tình trạng DNNN đầu tư ngoài ngành tràn lan, đầu tư kém hiệu quả, làm mất vốn nhà nước. Chính vì vậy, trong đề tài nghiên cứu “Nợ công Việt Nam: quá khứ - hiện tại - và tương lai” mà Viện Chính sách công và quản lý đang thực hiện theo “đơn đặt hàng” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị phải quản lý thật chặt việc vay nợ của DNNN để kiểm soát được nợ công.

Nguồn vốn trong nước có hạn trong khi DNNN lại rất thiếu vốn để đầu tư. Theo ông, Chính phủ có nên bảo lãnh để DNNN huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế?

Theo số liệu của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài mà Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 là 4.642,74 triệu USD, tương đương 14,3% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam. Nếu so với năm 2006, nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cho DNNN mới ở mức 1.031,18 triệu USD (tương đương 6,6% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam), có thể thấy trong vòng 5 năm, số nợ do Chính phủ bảo lãnh cho DNNN đã tăng chóng mặt.

Vấn đề đặt ra là khoản nợ này có được đầu tư hiệu quả không? Dự án đầu tư từ nguồn vay nợ có khả năng trả nợ không? Nếu không thì phải cân nhắc lại việc bảo lãnh, bởi nếu tiếp tục bảo lãnh sẽ khó có thể bảo đảm được mục tiêu đến năm 2020, nợ công không quá 65% GDP; dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP như mục tiêu được đặt ra tại Quyết định 958/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thực hiện đề tài nghiên cứu “Nợ công Việt Nam: quá khứ - hiện tại - và tương lai”, nợ công của Việt Nam hiện có an toàn?

Tính đến cuối năm 2010, nợ công tương đương 57,3% GDP; cuối năm 2011, nợ công đã giảm xuống 54,6% GDP, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mức 36% GDP vào năm 2001 và 44% GDP năm 2005.

Với tỷ lệ nợ công (so với GDP) như hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới nhận định, nợ công của Việt Nam dù đã vượt qua “ngưỡng tâm lý 50% GDP”, song vẫn trong giới hạn an toàn về trung hạn. Tuy nhiên, các phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, các “ngưỡng an toàn” với nợ công Việt Nam khá nhạy cảm, chỉ cần thêm một vài dự án đầu tư phiêu lưu, kém hiệu quả hay những khoản nợ công chưa tính hết từ khối DNNN và từ các chính quyền địa phương, là các ngưỡng an toàn sẽ bị phá vỡ. Do vậy, chúng ta không thể chủ quan với các thống kê về nợ công hiện nay.

Các chuyên gia nghiên cứu đề tài này dự kiến sẽ khuyến nghị gì với Ủy ban Kinh tế và Quốc hội?

Thứ nhất, cần quan tâm hơn việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, cụ thể là phải quyết liệt giảm chi tiêu công để giảm việc vay nợ. Thứ hai, nâng cao kỷ luật ngân sách, nhất là liên quan đến chi tiêu công để giảm quy mô chi ngân sách. Thứ ba, minh bạch thông tin liên quan đến chi tiêu công và đầu tư công nhằm tăng cường giám sát của cộng đồng đối với hiệu quả đầu tư công và chi tiêu công, qua đó giúp phòng ngừa những rủi ro liên quan đến nợ công. Thứ tư, phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng, đẩy mạnh quá trình hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh tài chính chung ở khu vực, vì trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những khó khăn tài chính ở các quốc gia xung quanh sẽ nhanh chóng gây các tác động lan toả tới nền kinh tế Việt Nam và ngược lại.

Còn ý tưởng thành lập Ban Giám sát nợ công thì sao?

Song song với cơ quan quản lý thống nhất về nợ công của Chính phủ (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính), chúng tôi đề xuất thành lập Ban Giám sát nợ công trực thuộc Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Việc thành lập Ban Giám sát nợ công cho phép theo dõi và giám sát nợ công một cách sát sao, khách quan và độc lập. Ban Giám sát nợ công được quyền truy cập mọi thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của các bộ ngành, địa phương, DNNN, để từ đó có những tham mưu kịp thời cho Quốc hội.

1 nhận xét:

  1. The 5 Best Casino Slots & Mobile Games 2021 - Mapyro
    Slots Casino. If 태백 출장마사지 you're a beginner, 김제 출장안마 you'll likely notice 김천 출장샵 the 부산광역 출장샵 slot machine layout. In this game, the game features three reels. 대구광역 출장안마 If the two

    Trả lờiXóa