(TBKTSG) - Việc liên tục vi phạm và điều chỉnh kỷ luật tài khóa như hiện nay khiến cho tính linh hoạt của chính sách tài khóa đang bị lạm dụng, và việc thực thi chính sách tài khóa đang trở nên tùy tiện. Điều này đang làm giảm tính nhất quán cũng như hiệu quả của chính sách tài khóa, đe dọa an ninh tài chính công, khi mà mục tiêu của chính sách và việc thực hiện chính sách bị sai lệch.
Các quy tắc hay kỷ luật tài khóa thường được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới nhằm duy trì sự ổn định tài khóa và tính bền vững của nợ công trong dài hạn. Mỗi nước có thể áp dụng các quy tắc tài khóa đơn giản hay phức tạp khác nhau, nhưng chúng thường liên quan đến các giới hạn về trần nợ công, thâm hụt ngân sách, thu thuế, chi tiêu công và cách thức xử lý khi các kỷ luật tài khóa này bị vi phạm.
Ví dụ như Thụy Sỹ yêu cầu ngân sách nhà nước phải ở trạng thái cân bằng trong một chu kỳ kinh tế. Nếu ngân sách trong một năm nào đó thâm hụt thì nó buộc phải thặng dư trong những năm tiếp theo nhằm đảm bảo sự cân bằng ngân sách trong cả chu kỳ. Chile yêu cầu ngân sách cơ bản (không bao gồm chi trả nợ gốc), sau khi loại bỏ yếu tố chu kỳ, phải thặng dư. Ở quốc gia này, thông thường mục tiêu thặng dư ngân sách này vào khoảng 1% GDP, tuy nhiên nó đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% và sau đó là 0% GDP trong các năm 2008-2009 nhằm chống lại tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nước Anh có các kỷ luật về tài khóa như thâm hụt ngân sách chỉ dùng để tài trợ cho đầu tư công, tỷ lệ nợ/GDP không được vượt quá 40%...
Nhìn chung, các quy tắc tài khóa mặc dù được thực hiện nghiêm nhưng chúng không hoàn toàn cứng nhắc. Các quy tắc này có thể được nới lỏng khi nền kinh tế gặp phải các thảm họa thiên nhiên hoặc phải chống lại các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, việc vi phạm kỷ luật tài khóa thường chỉ được phép diễn ra trong thời gian ngắn (thường là một vài năm) và chính phủ các nước phải có lộ trình điều chỉnh các chương trình tài khóa nhằm đưa các chỉ tiêu về ngân sách và nợ công trở lại quỹ đạo như quy định.
Hiện nay, dưới nhiều hình thức khác nhau, Việt Nam đã có kỷ luật về nợ công, cán cân ngân sách, thu và chi ngân sách. Các mức giới hạn liên quan đến nợ công và thâm hụt ngân sách đã được thể chế hóa trong các văn bản của Chính phủ và Quốc hội. Trần nợ công và thâm hụt ngân sách dài hạn được xây dựng cho các kế hoạch kinh tế xã hội năm năm một lần. Các kế hoạch về thu và chi ngân sách được lập và phê duyệt hàng năm.
Mặc dù đã tồn tại ở nhiều dạng khác nhau nhưng việc thực thi kỷ luật tài khóa ở Việt Nam lại chưa nghiêm. Các kỷ luật tài khóa luôn được đưa ra, điều chỉnh, rồi lại bị vi phạm mà không gắn với trách nhiệm của bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào. Thậm chí, các kỷ luật tài khóa và tình hình tuân thủ chúng không được báo cáo, cập nhật thường xuyên một cách vô tình hay hữu ý. Các thước đo kỷ luật tài khóa hầu như chỉ được nhắc đến trong các phiên chất vấn Chính phủ tại các kỳ họp của Quốc hội. Do vậy, việc theo dõi, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện kỷ luật ngân sách gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể kể đến một số kỷ luật tài khóa quan trọng nhất của Việt Nam đang hoặc sắp bị vi phạm trong tương lai gần, như nợ công/GDP dự kiến vào khoảng 64%, tiến sát ngưỡng trần 65% theo quy định của Quốc hội; thâm hụt ngân sách theo quy định là 4,8% GDP mỗi năm nhưng thực tế đã lên tới 5,4% GDP vào năm 2012, 6,6% GDP vào năm 2013, và ước tính 5,3% GDP vào năm 2014; nghĩa vụ trả nợ/tổng thu ngân sách nhà nước là 22,6% trong năm 2013 và ước khoảng 26,7% vào năm 2014, chính thức vượt ngưỡng 25% theo quy định; thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2014 đã chính thức vượt chi đầu tư, phản ánh Chính phủ Việt Nam đã phải đi vay một phần để tài trợ cho tiêu dùng, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước hiện hành…
Tất nhiên, trong một số trường hợp, việc điều chỉnh chỉ tiêu tài khóa theo hướng “tùy cơ ứng biến” nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực và bất ngờ đối với nền kinh tế trước các cú sốc là cần thiết. Nhưng về tổng thể, việc các kỷ luật tài khóa lần lượt bị vi phạm đang khiến cho vai trò của kỷ luật tài khóa trở nên mờ nhạt.
Để tăng tính tin cậy và tuân thủ kỷ luật tài khóa, trước tiên cần xây dựng được một hệ thống các kỷ luật tài khóa đầy đủ, chi tiết và thích hợp. Các thước đo kỷ luật tài khóa này cần hài hòa được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với an ninh tài chính, nhưng đồng thời phải ngăn chặn được các rủi ro tài khóa có thể phát sinh.
Các kỷ luật này cần được xây dựng và giám sát bởi Quốc hội. Chính phủ cần phải được yêu cầu minh bạch hóa thông tin về tình hình thực hiện các kỷ luật tài khóa thông qua các báo cáo định kỳ thường xuyên và cập nhật. Điều này không những thúc đẩy tính chính xác của công tác lập kế hoạch tài khóa mà còn giúp làm tăng khả năng giám sát của người dân và Quốc hội. Đồng thời, nó cũng chính là sức ép để Chính phủ thực hiện nghiêm các kỷ luật tài khóa đề ra, tránh xa rời mục tiêu ban đầu.
Quốc hội, với vai trò là người giám sát và đảm bảo sự tuân thủ kỷ luật tài khóa, không thể xuề xòa trong việc điều chỉnh và phê duyệt việc vi phạm kỷ luật tài khóa nếu không có những lý do chính đáng. Ngoài ra, việc bỏ phiếu tín nhiệm dưới hình thức nào đó đối với những người lập kế hoạch và thực thi tài khóa, từ cấp trung ương đến địa phương, cũng là sức ép cần thiết để nâng cao trách nhiệm đối với việc tuân thủ kỷ luật tài khóa.
Cám ơn bạn về bài viết. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Gia sư giỏi tại quận Cầu Giấy
Trả lờiXóa