Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Đầu tư công: Cần có thêm những định hướng lâu dài

Cuối cùng nghị quyết của chính phủ về các nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã được đưa ra với sự kết hợp đồng bộ giữa cả chính sách tài khóa lẫn tiền tệ.

Những biện pháp như tạm hoãn, rà soát và đánh giá lại hiệu quả các hoạt động đầu tư công, rõ ràng chỉ mang tính tạm thời. Hơn nữa, kết quả đánh giá sẽ phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của những người thực hiện mà chưa tạo ra được một cơ chế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự bươn chải trong một cơ chế thị trường bình đẳng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Theo số liệu thống kê những năm gần đây về tổng nguồn vốn đầu tư công, ngoài nguồn vốn từ phân bổ ngân sách nhà nước và vốn vay (có thể kiểm soát ngay được) thì vốn đầu tư của các DNNN, có nguồn gốc từ lợi nhuận sau thuế và tài sản nhà nước cũng chiếm tỉ trọng lớn, từ 24-30% tổng nguồn vốn đầu tư. Về nguyên tắc, lợi nhuận từ các DNNN đáng lẽ phải đóng vai trò là một khoản thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên thực tế trong những năm vừa qua, hầu hết các DNNN, gồm cả những doanh nghiệp đang có những hoạt động nằm ngoài mảng hoạt động kinh doanh chính, lại được giữ lại lợi nhuận để thực hiện đầu tư mới. Việc giao lại lợi nhuận để đầu tư này một mặt giúp cho các DNNN có được lợi thế về nguồn vốn giá rẻ so với khu vực tư nhân, đồng thời nó dễ gây thất thoát và cũng kém tạo ra những động lực để các doanh nghiệp này làm ăn có hiệu quả.

Quá trình này cũng đang khiến cho quy mô của khu vực kinh tế nhà nước, vốn được cho là kém hiệu quả, khó giảm về quy mô. Song song với việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, việc giao lại lợi nhuận để đầu tư cho các DNNN, đặc biệt là đối với những dự án mang tính thương mại, nên được chấm dứt hoặc ít nhất, phải được tính chi phí như những nguồn vốn vay thông thường trên thị trường. Các DNNN cần vốn đầu tư cho những dự án mới, nếu chứng minh được tính hiệu quả, nên để họ tự huy động trên thị trường.

Cải cách đầu tư công cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với những công cụ lãi suất phải tạo ra được một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Việc phát hành trái phiếu chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư, dù với mục đích gì đi chăng nữa, cũng không nên có sự “hỗ trợ” trực tiếp hay gián tiếp từ NHNN. Việc các ngân hàng thương mại lớn liên tục báo cáo lãi hàng ngàn tỉ đồng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn trong năm qua đang đặt ra những câu hỏi lớn về sự bình đẳng giữa ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ, giữa các doanh nghiệp được sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ lãi suất thấp với các doanh nghiệp phải tiếp cận nguồn vốn chi phí cao trên thị trường.

Một cơ chế bình đẳng sẽ giúp các doanh nghiệp tự cải thiện nâng cao hiệu quả hoạt động để tồn tại. Sự kết hợp giữa những giải pháp tạm thời với những định hướng lâu dài và cơ chế giám sát thực hiện chặt chẽ có lẽ sẽ phải là bước khởi đầu cho công cuộc cải cách đầu tư công ở Việt Nam.

Link trên SGTT

6 nhận xét:

  1. Một bài viết khác
    http://vef.vn/?vnnid=10661

    Trả lờiXóa
  2. Anh Ninh giả nhời anh này: http://vneconomy.vn/20110301033855155P0C6/bo-truong-bo-tai-chinh-nam-nay-khong-gay-gat-bang-2008.htm

    Trả lờiXóa
  3. Mấy ông DNNN VN toàn phá hoại, không cho các ông ấy giữ lại lợi nhuận thì các ông ấy báo lỗ hết anh ah. Mỗi ngành 1 ông lớn như này cổ phần hóa còn nguy hiểm hơn, do thị trường độc quyền. Em nghĩ tốt nhất là lại chia nhỏ ra, rồi cho cổ phần hóa từng ông 1. Chắc mất khoảng 10 năm thì xử lý xong hết.

    theo anh thì lsuat sắp tới có giảm không? phong cách của TTg trưởng thành từ trận mạc có khác, điều hành kinh tế như đi đánh nhau. Ổn định vĩ mô theo kiểu chiến dịch :))

    Trả lờiXóa
  4. Related news

    http://dantri.com.vn/c76/s76-467795/xet-lai-11800-ty-dong-petrovietnam-cap-von-cho-pvep.htm

    Trả lờiXóa
  5. Lợi nhuận của DNNN bắt đầu được nộp về NSNN

    http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/156302/nha-nuoc-khong-thu-loi-nhuan-cua-dien--xang-dau.html

    Trả lờiXóa