Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Sân chơi lãi suất bất bình đẳng?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố tăng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 9% lên 11,0%/năm. Trong khi đó, lãi suất tái chiết khấu vẫn được giữ nguyên ở mức 7%.

Đây là một trong những hành động nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, có vẻ như quyết định này đang tạo thêm ra một sân chơi bất bình đẳng về lãi suất giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh với ngân hàng thương mại cổ phần, và giữa khu vực tư nhân với khu vực nhà nước.

Thông thường, trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản tạm thời, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đi vay từ NHNN thông qua việc thế chấp trái phiếu chính phủ hoặc thế chấp các hợp đồng tín dụng. Khi thế chấp bằng trái phiếu, NHTM phải trả mức lãi suất tái chiết khấu (7%). Ngược lại, nếu thế chấp bằng các hợp đồng tín dụng thì họ phải trả mức lãi suất tái cấp vốn (11%).

Phần lớn trái phiếu chính phủ hiện nay nằm trong tay các NHTM quốc doanh và một số NHTM cổ phần lớn. Như vậy, việc tăng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, chủ yếu đánh vào các NHTM cổ phần nhỏ. Trong khi các NHTM quốc doanh với thị phần lớn sẽ hầu như không bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, ẩn sau quyết định này chính là việc “hỗ trợ” cho việc phát hành trái phiếu chính phủ nhằm phục vụ chi tiêu của khu vực nhà nước. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng gần 7 ngàn tỉ đồng (trong kế hoạch 45 ngàn tỉ đồng của cả năm 2011) trái phiếu chính phủ đã được phát hành thành công với lợi suất chỉ xấp xỉ 11%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thị trường. Điều này tưởng chừng như vô lý, tuy nhiên thực chất các NHTM có thể đem thế chấp lượng trái phiếu mà họ nắm giữ để vay tiền từ NHNN với mức lãi suất chiết khấu (7%), sau đó cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao nhằm thu lợi lớn. Như vậy, quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn.

Đâu đó chúng ta vẫn thấy các thông tin về việc chính phủ giao cho các tập đoàn kinh tế hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư trong năm 2011.

Nâng lãi suất cần phải đi kèm với việc hạn chế tăng trưởng cung tiền ra nền kinh tế mới mong kiểm soát lạm phát và nâng cao giá trị của tiền đồng một cách hiệu quả. Quan trọng hơn, chính sách đưa ra cần phải tạo sân chơi bình đẳng giữa các khu vực.

Chúng ta vẫn đang bàn về việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ phải bắt đầu từ việc tái cấu trúc hệ thống chính sách vĩ mô và sâu xa hơn nữa, đó là “tái cấu trúc” những người làm ra các chính sách đó.

17 nhận xét:

  1. Link trên SGTT
    http://sgtt.vn/Kinh-te/137396/San-choi-lai-suat-bat-binh-dang-va%CC%80-ta%CC%81i-ca%CC%81u-tru%CC%81c-tu-duy.html

    Trả lờiXóa
  2. Em có 1 số thắc mắc nhỏ:
    anh Thế Anh hình như nhầm giữa lãi suất tái chiết khấu và lãi suất repo trên OMO. TPCP đc dùng để repo trên OMO chứ không dùng để thế chấp tái chiết khấu (tái chiết khấu là sử dụng giấy tờ có giá ngăn hạn như tín phiếu kho bạc, thương phiếu, giấy tờ có giá...). Lãi suất TCV e nghĩ đúng ra phải cao hơn LS repo OMO, 11% với chỉ tương đương thôi.
    Với 11% chỉ là phần nổi thôi, để tiếp cận đc nguồn tái cấp vốn các NH còn phải chịu các chi phí lobby nữa. Và cũng chỉ các NHQD là được ưu tiên nguồn vốn này hàng năm thôi, các NHTMCP ko được tiếp cận đáng kể.

    Cám ơn anh về bài viết.

    Trả lờiXóa
  3. Anh không nhầm, lãi suất repo trên OMO hiện nay đang là 11%. Giấy tờ có giá bao gồm và chủ yếu là TPCP có thể được dùng để tái chiết khấu với NHNN.

    Ở đây anh đang so sánh giữa 2 loại lãi suất chứ không nói 11% là cao hay thấp. Thông thường ls tái chiết khấu và ls tái cấp vốn được điều chỉnh cùng nhau nhưng lần này chỉ một cái được điều chỉnh.

    Ls repo trên OMO là 11%, lợi suất trái phiếu CP là 11%, ls cho vay của các NHTM khoảng 16-20%, liệu các NHTM có dùng tiền để mua TPCP không nếu như họ không thể dùng nó để đi vay tái chiết khấu từ NHNN với ls thấp?

    Trả lờiXóa
  4. Đây là một văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ chiết khấu/tái chiết khấu các giấy tờ có giá (gồm rất nhiều dạng trái phiếu chính phủ)

    http://www.vinacorp.vn/news/nghiep-vu-chiet-khau-tai-chiet-khau-cua-ngan-hang-nha-nuoc/ct-341220

    Trả lờiXóa
  5. Em nghĩ lãi suất TPCP hấp hơn OMO trên lý thuyết vẫn có thể phát hành do TPCP có kỳ hạn dài, nên kỳ vọng giá khác so với OMO, kỳ hạn ngắn. Lãi suất TPCP xác định trên lợi tức kỳ vọng 2,3 năm, trong khi lãi suất OMO được xác định dựa trên cung cầu tiền trong ngắn hạn. Nên em nghĩ 2 loại lãi suất trên về cơ bản là khác biệt. NHTM vẫn có thể mua TPCP 11% hiện tại khi đánh giá rằng lãi suất sẽ giảm trong 2,3 năm tiếp theo.
    Em xem link trên thì đúng là TPCP cũng đc chiết khấu, tuy nhiên thời hạn ko quá 90 ngày thì cũng có thể coi như GTCG ngắn hạn. THâm hụt ngân sách về nguyên tắc đc tài trợ bằng vay nợ trong nước hoặc quốc tế, nên em không nghĩ NHNN có thể mua lại TPCP, nếu thế không cần thiết phải phát hành TPCP ra thị trường.

    Trả lờiXóa
  6. Đồng ý là về lý thuyết lãi suất TPCP có thể thấp hơn ls repo trên OMO. Tuy nhiên, điều mấu chốt ở đây là NHTM sẽ không có cầu về TPCP nếu như lãi suất TPCP thấp hơn nhiều so với ls cho vay như hiện nay. Anyway, trong bài anh không bình luận gì liên quan đến ls repo trên OMO.

    Em đọc không kĩ. TPC có thể được chiết khẩu theo cả 2 hình thức: không quá 90 ngày và CÓ KÌ HẠN (miễn là thấp hơn kì hạn còn lại của TP).

    Luật cấm việc in tiền trực tiếp nên không thể có chuyện không cần phát hành TP như em nói. Một phần TPCP chạy lòng vòng rồi cuối cùng lại nằm trong NHNN, các kì hạn gối đầu nhau. Thế nên cung tiền mỗi năm mới tăng 20-40% trong những năm qua.

    Trả lờiXóa
  7. Em vẫn cho rằng khi NHTM mua TPCP họ không được phép chiết khấu lại cho NHNN, nếu muốn bán họ phải giao trên thị trường trái phiếu thứ cấp cho các tổ chức kinh tế khác. Lượng cung tiền được tạo ra chủ yếu qua OMO, chứ không phải qua cửa sổ tái chiết khấu. Tính trung bình 1 năm phát hành mới TPCP (trừ phần trả nợ gốc) ở mức 60k tỷ, kỳ hạn trung bình là 4 năm, thì số dư TPCP phát hành chỉ khoảng 200-250k tỷ, trong khi cung tiền qua OMO thời gian qua có thời điểm lên đến 150k tỷ. Chứng tỏ phần lớn lượng TPCP nằm ngoài NHNN.
    Hơn nữa, nếu NHNN cho chiết khấu ở 7% thì các NHTM chỉ việc tham gia đấu thầu TPCP rồi chiết khấu lại, ko có chuyện TPCP đã không phát hành thành công trong 2 tháng cuối năm 2010 với lãi suất 9%.
    Hoạt động chiết khấu kỳ hạn cùng bản chất giao dịch repo trên OMO, chỉ được cấp theo hạn mức cho từng ngân hàng, khối lượng ko nhiều vì nếu ko các NHTM ko cần phải repo trên OMO nữa và sẽ giao dịch tái chiết khấu.

    Trả lờiXóa
  8. NHTM được phép chiết khấu TPCP và NHNN có văn bản hướng dẫn ở link trên mà em nói là KHÔNG được phép thì anh không có bình luận gì thêm. Còn việc ngân hàng nào khi nộp hồ sơ sẽ được phê duyệt, và với hạn mức bao nhiêu lại là một câu hỏi khác về sự bất bình đẳng.

    Đây là chi tiết về lượng tiền bơm ròng qua OMO hàng tháng trong hơn 1 năm qua

    http://www.freeuploadimages.org/images/1osb0dkvnwr63kw4zv3f.png

    Tổng lượng tiền BƠM RÒNG qua OMO trong năm 2010 chỉ có 3,6k tỉ đồng. Năm 2009 thì cao hơn vì có gói kích cầu. Cung tiền năm 2010 tăng khoảng 23%, em có thể vào trang web của ADB hoặc IMF để quy đổi tăng 23% là tương đương với bao nhiêu ngàn tỉ đồng để ước được con số bơm qua cửa sổ chiết khấu (Số liệu cung tiền của VN theo nguồn của IMF trong năm 2009 là hơn 565k tỉ).

    Giao dịch OMO thực chất mới là ngắn hạn. Kì hạn chỉ là 7, 14 hoặc thỉnh thoảng mới lên đến 28 ngày. Tháng 1/2011 bơm tới 57k nhưng đến tháng 2 lại đang hút mạnh lại ngay.

    Việc 2 tháng cuối năm phát hành không thành công có nhiều nguyên nhân. Một phần vì lúc đó nhu cầu vốn cuối năm rất lớn. NHNN lúc đó lại hạn chế bơm qua OMO (và có lẽ là cả qua cửa số chiết khấu), lượng đăng kí luôn vượt gấp đôi, thậm chí có tuần vượt gấp 3-4 lần lượng chào ra của NHNN. Lãi suất repo trên OMO lại lên tới 10%. Do vậy việc phát hành TPCP thất bại là đúng rồi.

    Tất nhiên, không phải cứ cầm TPCP đến chiết khấu là được phê duyệt. Nhưng số liệu thực tế cho thấy lượng cung tiền tăng trong những năm qua chủ yếu qua cửa số chiết khấu, chứ không phải qua OMO.

    Trả lờiXóa
  9. ý em ở đây không phải là khía cạnh quy phạm pháp luật, đến QE2 ở Mỹ NHTW cũng vẫn mua TPCP tuy gây nhiều tranh cãi. ở đây em chỉ nói thực tế hoạt động tại VN, các NHTM ko đc chiết khấu TPCP tại NHNN, nếu muốn cơ cấu lại danh mục tài sản họ phải giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp.
    Về nguồn tạo cung tiền thì em có 1 nguồn số liệu khác, em sẽ kiểm chứng lại chính xác số liệu: http://www.freeuploadimages.org/images/y9pu3iw5yv1gz2j98b4.jpg
    Tuy nhiên, cung tiền còn liên quan nhiều đến dự trữ ngoại hối nên so sánh để xác định lượng trái phiếu đi đâu, e nghĩ cũng không chắc chắn. Tuy nhiên dựa trên OMO có thể xác định lượng TPCP các NHTM nắm giữ tối thiểu phải ở mức 200k tỷ, em nghĩ tương đương 80% tổng lượng phát hành.

    Trả lờiXóa
  10. Theo anh thực tế hay quy phạm pháp luật ở đây đều thế cả. Nếu luật pháp không cho phép hay thực tế không có thì đã không tồn tại cái văn bản hướng dẫn thực hiện. Không thể nói NHTM không được phép.

    Nguồn số liệu thì anh lấy ở Bloomberg và VCB đấy. Có chi tiết giao dịch hàng ngày trên OMO kể từ năm 2005.

    Cung tiền còn liên quan đến dự trữ ngoại hối là sao? Có phải ý em là cung tiền còn có thể tăng qua việc NHNN mua bán ngoại tệ? Mấy năm qua dự trữ ngoại hối liên tục giảm mạnh. Tức là NHNN bán USD ra và hút VND về. Thế mà cung tiền vẫn tăng ầm ầm. Vậy cung tiền tăng qua đâu nếu không phải là qua cửa sổ chiết khấu? Con số cung tiền trên website của IMF anh trích dẫn ở trên là cung tiền cơ sở (Money Base), chứ Money Supply thì gấp khoảng 2,5 lần số đó.

    Anh nói ở trên rồi, phần thông tin về phát hành TPCP chỉ là phần được đưa vào cân đối ngân sách hàng năm. Rất nhiều khoản TPCP phát hành không được để trong đó nên mới có các con số thâm hụt ngân sách khác nhau. Hơn nữa, mấy năm nay anh không thấy có thời điểm nào cung tiền qua OMO lên đến 150k tỉ cả. Lượng bơm ra thì có thể. Nhưng cần phải tính lượng BƠM RÒNG. 1 trái phiếu có thể xoay vòng tới 3-4 lần một tháng với kì hạn 7 ngày trên OMO. Tháng cao điểm nhất của việc bơm ròng là tháng 12/2009 và tháng 1/2011 cũng chỉ lên tới xấp xỉ 60k.

    Trả lờiXóa
  11. http://www.freeuploadimages.org/images/txbnbx2hdnq7o1aa9sk.jpg

    150k tỷ là lượng bơm ra trong 7 ngày, chứ ko phải trong 1 tháng đâu anh. Thực ra về vai trò trong tạo tiền thì OMO và tái chiết khấu hoàn toàn thay thế nhau thực hiện được. Nếu giả định, nợ công vào khoảng 45%GDP (http://bee.net.vn/channel/2043/201005/No-Chinh-phu-dang-tang-cao-1753181/) tương đương 45tỷ$, trong đó nợ nước ngoài khoảng 30tỷ$ (báo cáo nợ công BTC), thì nợ nội địa chỉ ở mức 15tỷ$, tương đương 300k tỷ VND. Bản thân các NHTM đã nắm giữ trên 50% lượng TPCP này, ngoài ra còn cty bảo hiểm, quỹ, cá nhân...cho thấy hầu hết TPCP phát hành vẫn nằm ngoài thị trường.
    Về việc phát hành TPCP mà ko cho vào cân đối NS thì rất khó nói, tuy nhiên em nghĩ phát hành TPCP là hoạt động công khai, hơn nữa có thể ko đưa vào cân đối lúc phát hành nhưng khi đáo hạn vẫn phải cân nguồn trả nợ, yêu cầu hạch toán quản lý nguồn thu nữa nên ít có khả năng này. Nếu CP cần chi tiêu ngoài NS thì có thể NHNN đáp ứng mà không thông qua thị trường.

    Trả lờiXóa
  12. Anh đoán không nhầm, số liệu 150k của em là số liệu bơm ra trong tuần. Em chưa trừ khối lượng đáo hạn trong tuần đó nên đấy không thể coi là tổng lượng TPCP mà các NHTM đang nắm giữ ở thời điểm đấy được.

    Số liệu bơm ròng của tuần kết thúc ngày 28/1/2011 em trích dẫn thì chỉ có gần 24k tỉ bơm ròng. Chi tiết từng tuần đây:

    3-Dec-10 -3,448
    10-Dec-10 2,382
    17-Dec-10 -5,358
    24-Dec-10 -6,246
    31-Dec-10 1,161
    7-Jan-11 2,017
    17-Jan-11 8,291
    21-Jan-11 23,059
    28-Jan-11 23,790

    Số liệu nợ công (45%) em trích dẫn lạc hậu lâu rồi. Đến tháng 10/2010 chính phủ đã báo Quốc Hội nợ công lên tới 53% GDP

    (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2010/10/3ba211c5/). Tức là thêm 8%GDP = 8 tỉ USD = 160k tỉ VND nữa.

    Số liệu cho thấy bơm ròng qua OMO không đáng kể so với tăng trưởng cung tiền hàng năm. Và hôm nay qua bài phát biểu này

    http://vneconomy.vn/20110221063453814P0C6/giam-cung-tien-100000-ty-dong-giam-nhap-sieu-3-4-ty-usd.htm

    chúng ta lại thêm nghi ngờ về việc trong thời gian qua NHNN "hỗ trợ" cho chi tiêu chính phủ bằng cách mua lại TPCP qua cửa sổ chiêt khấu.

    "Tính toán mà ông Giàu đưa ra, với việc giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% (so với kế hoạch là 23%) thì sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ đồng. Cùng với 4 giải pháp về chính sách tài khóa sẽ giảm được trên 60.000 tỷ đồng nữa, cung tiền sẽ giảm khoảng trên 100.000 tỷ đồng."

    Tiết kiệm chính sách tài khóa giảm được cung tiền tới 60k tỉ!

    Trả lờiXóa
  13. Em dám chắc 150k tỷ là số dư cung tiền qua OMO,kỳ hạn giao dịch qua OMO tối thiểu là 7 ngày nên các khoản repo trong 7 ngày gần nhất chắc chắn chưa đến hạn. Do đó, doanh số repo trong 7 ngày gần nhất chính là số dư cung tiền.
    Link trên nợ công 52.6%GDP nhưng nợ nước ngoài cũng tăng lên 38.8%, như vậy nợ nội địa là 13.8%GDP, chỉ khoảng 14ty$.
    Thực tế em thấy bộ 3 lãi suất điều hành TCK, CB, TCV đều không có ý nghĩa trong hoạt động ngân hàng cho đến 2,3 tháng gần đây ls TCV được quan tâm hơn do NHNN có cho 1 số NH vay tái cấp vốn (chủ yếu là NHQD)theo tư tưởng bao cấp về vốn và lãi suất. Các NH tiếp cận cửa số tái cấp vốn ko phải để đáp ứng thanh khoản và để tìm nguồn vốn giá rẻ, kỳ hạn dài hơn OMO.
    Mẫy ông này ước tính thì trời ơi lắm, chắc ông Giàu đang tính M2, 60k tỷ M2 chắc tương đương giảm khoảng 20k TPCP.

    Trả lờiXóa
  14. Vấn đề này không khó để chứng minh: (http://www.freeuploadimages.org/images/iuf0bu54mo5x356tk918.jpg)

    Trả lờiXóa
  15. Bước cuối cùng của công thức sao nhóm thế được. Công thức cung tiền bơm qua OMO của em chỉ có thể dương và bằng 0 chứ không âm được nhỉ :D.

    Khi nào em tính đúng được lượng bơm qua OMO, và so sánh nó với lượng cung tiền tăng hàng năm thì sẽ suy ra được kết luận tiền chạy ra nền kinh tế qua cửa nào.

    Trả lờiXóa
  16. Chính sách vừa rồi nhằm hạn chế NHTM vay tái cấp vốn. Tức là hoạt động này có tồn tại và thực tế là NHNN cũng có văn bản hướng dẫn. Nếu đã cho vay tái cấp vốn thì KHÔNG có lý do gì để từ chối cho vay tái chiết khấu vì TPCP rõ ràng là được chấp nhận rộng rãi hơn và có rủi ro thấp hơn hợp đồng tín dụng.

    Vì LS tái chiết khấu thấp hơn nhiều so với LS tái cấp vốn nên nó sẽ khuyến khích NHTM cầm cố TPCP hơn là cầm cố hợp đồng tín dụng. NHNN về nguyên tắc cũng sẽ ưa thích TPCP vì độ rủi ro thấp hơn, đấy là chưa kể họ cũng "thích" vì NHTM sẵn sàng trả phí lobby cao hơn.

    Thông thường NHNN điều chỉnh 2 loại lãi suất cùng lúc. Lần này chỉ làm với ls tái cấp vốn. Đấy là cái bất thường. Khi đã bất thường thì đương nhiên mọi người có quyền nghi ngờ. Và những số liệu thực tế ủng hộ những nghi ngờ đó.

    Tổng lượng TPCP trong nền kinh tế khoảng 300k tỉ. Cái tuần em trích dẫn là tuần đặc biệt trong năm, lượng bơm ra rất nhiều nhằm phục vụ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết. Các tuần còn lại giao dịch trên phổ biến trong khoảng 30-60k. Còn rất nhiều TPCP CÓ THỂ được giao dịch qua cửa sổ chiết khấu. Hơn nữa, giao dịch qua cửa sổ chiết khấu về nguyên tắc cũng ra vào như trên OMO nên việc tính toán lượng TPCP của các NHTM tại một thời điểm nào đó là không cần thiết đối với những lập luận nghi ngờ về khả năng xảy ra sự bất bình đẳng ở trên.

    Hi vọng một ngày nào đó NHNN sẽ công bố giao dịch qua cửa số chiết khấu hàng ngày giống như qua OMO để có sự minh bạch thông tin.

    Trả lờiXóa
  17. Em hoàn toàn đồng ý về nhận định việc xác định lượng TPCP được nắm giữ không giúp giải quyết vấn đề. Nhất là mấy ông VN toàn nói 1 đường, làm alternative. Đợt TCV vừa rồi ls đã là 11% trong khi trả xong rồi mới thấy nâng ls :D

    Vừa có cô học cao học KTQD hỏi học vĩ mô anh có cho trượt nhiều không. Hình như lớp mang quà đến nhà thầy giáo bị đuổi về thì phải:))

    Trả lờiXóa