Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chu kì kinh tế Việt Nam (1): Một vài khái niệm


GDP là thước đo phản ánh chung nhất các hoạt động kinh tế của một quốc gia. Nó được tính bằng tổng giá trị sản phẩm cuối cùng được sản xuất ra trên lãnh thổ quốc gia trong một thời kì nhất định. GDP mỗi năm có thể được đo lường theo giá hiện hành (current prices), hoặc theo giá cố định (constant prices) của một năm gốc (base year) tuỳ chọn nào đó. Như vậy, sự khác nhau giữa GDP theo giá hiện hành (hay còn gọi là GDP danh nghĩa – nominal) và GDP theo giá cố định (GDP thực – real) chỉ ở giá cả. Gần đây cơ quan thống kê một số nước tiên tiến còn sử dụng thêm thước đo chain-weighted GDP.
Ở Việt Nam, Tổng cục Thống kê (GSO) gọi GDP tính theo giá hiện hành là GDP theo giá thực tế còn GDP tính theo giá cố định là GDP theo giá so sánh. Việt Nam chọn các năm 1994 và 2010 là năm gốc để tính GDP thực.
Chu kì kinh tế (business cycle) là sự biến động lên xuống của các hoạt động kinh tế gây ra bởi các cú sốc từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế. Thông thường, chu kì kinh tế được đo lường bằng cách xem xét sự biến động của tăng trưởng GDP thực (hay còn gọi là tăng trưởng kinh tế) xoay quanh xu hướng dài hạn của chính nó. Trong điều kiện không có các cú sốc, tăng trưởng kinh tế sẽ trùng với đường dài hạn này. Các cú sốc, ví dụ như cú sốc cầu đầu tư, cú sốc cầu hàng hoá xuất khẩu, cú sốc về giá nguyên vật liệu đầu vào, tiến bộ công nghệ, thiên tai, v.v. sẽ làm cho tăng trưởng của nền kinh tế cao hơn hoặc thấp hơn so với đường xu hướng dài hạn.
Các nhà kinh tế có thể sử dụng nhiều phương pháp thống kê/toán học khác nhau để bóc tách đường tăng trưởng dài hạn (trend growth) từ đường tăng trưởng thực (actual growth). Các phương pháp sử dụng phổ biến nhất là lọc HP (Hodrick-Prescott Filter) hoặc thực hiện hồi quy phi tuyến theo xu hướng thời gian (trend regression). Hình 1 dưới đây phản ánh chu kì kinh tế của Việt Nam kể từ năm 1996–2013. Đường xu hướng được tính toán dựa trên phương pháp lọc HP.
Hình 1: Chu kì kinh tế Việt Nam 1996–2003
Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của GSO
Khi tăng trưởng thực (actual growth) nằm trên đường tăng trưởng dài hạn (trend growth) thì người ta gọi đó là thời kì mở rộng hay bùng nổ (expansion/boom), ngược lại thì gọi là thời kì thu hẹp hay suy thoái (contraction/recession). Những biến động lên xuống này của tăng trưởng kinh tế được gọi là những biến động ngắn hạn, xoay quanh xu hướng dài hạn của chính nó. Các chính sách mà chính phủ hay ngân hàng trung ương thực hiện nhằm thu hẹp/làm giảm sự biến động này được gọi là các chính sách bình ổn (stabilization policy).
Biến động kinh tế xảy ra đã kéo theo sự phát triển của hàng hoạt các lý thuyết nhằm giải thích và đưa ra khuyến nghị về việc nên hay không nên thực hiện các chính sách bình ổn. Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể chia thành hai trường phái: (i) kinh tế học trọng cung (supply-side) và; (ii) kinh tế học trọng cầu (demand-side). Điển hình của trường phái trọng cầu là lý thuyết của J. M. Keynes, hình thành và trở nên phổ biến từ cuối những năm 1930 của thế kỉ trước. Lý thuyết này cho rằng suy thoái kinh tế xảy ra là do tổng cầu không đủ lớn. Do vậy, chính phủ cần phải thực hiện các chính sách mở rộng tài khoá (tăng chi tiêu hoặc giảm thuế) và mở rộng tiền tệ (tăng cung tiền) nhằm làm tăng tổng chi tiêu của nền kinh tế, từ đó kéo theo sự gia tăng của sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Nói thêm rằng, trước Keynes, một số nhà kinh tế như Arthur Pigou, mặc dù không thuộc trường phái trọng cầu, cũng ủng hộ vai trò của chính phủ thông qua công cụ thuế/trợ cấp hoặc can thiệp trực tiếp.
Ngược với trường phái Keynes, trường phái kinh tế học trọng cung mà điển hình là các nhà kinh tế cổ điển ở thế kỉ 18 và 19 lại cho rằng, giá cả là hoàn toàn linh hoạt và chúng sẽ dẫn dắt nền kinh tế hoạt động tại mức sản lượng tiềm năng mà không cần có sự can thiệp của chính phủ. Sự can thiệp của chính phủ sẽ chỉ làm trầm trọng, hơn là chữa trị được, các vấn đề của nền kinh tế. Theo Jean-Baptiste Say, một nhà kinh tế cổ điển nổi tiếng người Pháp, sản xuất của nền kinh tế sẽ tạo ra đủ thu nhập để hấp thụ/mua hết sản phẩm. Hay nói theo ngôn ngữ của ông, cung sẽ tạo ra cầu (supply creates its own demand). Sự chênh lệch giữa tổng cầu và tổng cung rất hiếm khi xảy ra, và nếu có, thì chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Do vậy, trường phái trọng cung nhấn mạnh vào việc làm thế nào để làm tăng các yếu tố sản xuất như lao động, vốn và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) để từ đó làm tăng tổng cung và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế học trọng cung trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi kể từ những năm 1970 trên thế giới, nổi tiếng nhất là bởi chính quyền Margaret Thatcher ở Anh và Ronald Reagan ở Mỹ. Thời kì này, khả năng bình ổn kinh tế của các chính sách thuộc trường phái Keynes bị đặt dấu hỏi lớn khi kinh tế thế giới trải qua thời kì đình lạm (stagflation) kéo dài. Lạm phát cao và suy thoái vẫn có thể xảy ra một cách đồng thời không như lý thuyết Keynes, và sau này là Keynes mới, dự đoán. Nhà kinh tế học cổ điển mới Robert Lucas, người đi đầu trong việc phổ biến và ứng dụng giả thuyết kì vọng duy lý (rational expectations) trong nghiên cứu kinh tế, tin rằng việc giảm thuế đánh vào vốn và thu nhập tạo ra từ vốn có thể làm tăng mạnh đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng. Mặc dù thừa nhận vai trò của những thay đổi chính sách bất ngờ (unanticipated policy changes) trong việc làm thay đổi sản lượng trong ngắn hạn nhưng ông lại cho rằng, chính phủ chỉ nên tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn (trend growth) thay vì thực thi các chính sách bình ổn.
Nhiều lý thuyết kinh tế khác cũng đã được phát triển để giải thích cho biến động chu kì kinh tế. Điển hình trong số này là lý thuyết chu kì kinh doanh thực (real business cycle) nhấn mạnh đến vai trò của các cú sốc công nghệ ngoại sinh đối với tổng cung. Lý thuyết này, gắn với hai cái tên nổi tiếng trong giới kinh tế là Finn E. Kydland và Edward C. Prescott, cho rằng chính phủ chỉ nên tập trung vào các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D), để từ đó thúc đẩy tiến bộ công nghệ và tăng trưởng, thay vì cố gắng bình ổn chu kì kinh tế thông qua các chính sách tài khoá và tiền tệ tuỳ nghi/tuỳ tiện (discretionary policy). Trong khi đó, trường phái kinh tế Áo (Austrian school), mặc dù thừa nhận nguyên nhân của suy thoái là do các yếu tố nội sinh, như tăng trưởng tín dụng thái quá và lãi suất thấp một cách giả tạo khiến nguồn lực được phân bổ một cách sai lầm, cũng không ủng hộ sự can thiệp của chính phủ. Các nhà kinh tế thuộc trường phái này, đứng đầu là Ludwig von Mises and Friedrich Hayek, cho rằng sự can thiệp của chính phủ chỉ làm tồi tệ thêm suy thoái.
Mặc dù còn có nhiều bất đồng về cách giải thích chu kì kinh tế và vai trò can thiệp của chính phủ, đa số các nhà kinh tế hiện đại đều thống nhất rằng các chính sách bình ổn kinh tế, thông qua việc thu hẹp/mở rộng tài khoá và tiền tệ, sẽ ít nhiều giúp làm giảm những biến động ngắn hạn của nền kinh tế như trường phái Keynes dự đoán. Hay nói cách khác, các chính sách bình ổn có thể làm giảm chênh lệch giữa đường tăng trưởng thực hiện với đường tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, chúng lại hầu như không có khả năng làm tăng xu hướng tăng trưởng dài hạn. Xu hướng tăng trưởng dài hạn này chủ yếu được quyết định bởi các yếu tố khuyến nghị bởi lý thuyết trọng cung, ví dụ như thúc đẩy tiến bộ công nghệ, giảm thuế thu nhập và thuế vốn, hay tăng cường tự do và giảm điều tiết kinh tế.
(Còn tiếp)




2 nhận xét: