Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Tại sao lại có hai con số tăng trưởng tín dụng?

Trả lời trong phiên thảo luận tại Quốc hội tuần trước thống đốc NHNN tiết lộ rằng tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 6,8%, tuy nhiên nếu tính cả trích lập dự phòng nợ xấu và bán nợ xấu qua VAMC thì con số này là 7,89%. Tôi tạm gọi hai cách tính cho ra hai con số khác nhau này lần lượt là cách tính (1) và cách tính (2). Vậy chúng khác nhau ở chỗ nào?

Trước tiên, cần hiểu rằng cả hai con số tăng trưởng tín dụng trên đều được tính bằng % tăng thêm của giá trị các khoản cho vay ra nền kinh tế từ các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối tháng 10 so với con số tương ứng ở thời điểm cuối năm 2012. Tuy nhiên, hai cách tính sử dụng hai giá trị tín dụng khác nhau ở thời điểm cuối năm 2012. Cụ thể, cách tính (2) đã loại trừ các khoản tín dụng xấu, mà các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng hoặc bán cho VAMC trong 10 tháng vừa qua, ra khỏi tổng giá trị tín dụng tại thời điểm cuối năm 2012. Cái kì lạ của cách tính (2) này là nó mặc nhiên xoá bỏ một khoản tín dụng đang tồn tại. Khi một khoản nợ xấu của doanh nghiệp được chuyển từ NHTM qua VAMC (một công ty con của NHNN), thì nó cũng tương đương với việc VAMC/NHNN đang thay thế NHTM cho doanh nghiệp vay trực tiếp. Khoản tín dụng xấu đó được đưa ra khỏi bảng cân đối của NHTM chứ không biến mất khỏi nền kinh tế.

Cách tính này làm rắc rối thêm các chỉ tiêu thống kê vốn đã kém tin cậy và có thể làm những người tham gia thị trường hiểu sai về diễn biến của kinh tế Việt Nam.

Thống đốc tự tin rằng có NHNN có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013, và tôi tin NHNN có thể làm hơn thế bằng những cách sau:

  1. Cách đơn giản nhất là dùng VAMC mua lại nợ xấu từ các NHTM. Làm càng nhanh càng tốt nếu không muốn để dành cho năm 2014. Với cách làm này thì hệ thống NHTM không cần tạo thêm  ra các khoản tín dụng mới mà chỉ cần xoá bỏ các khoản tín dụng xấu trong quá khứ bằng cách chuyển qua cho VAMC.
  2. Cách đơn giản thứ hai là phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ (75 nghìn tỉ còn dư + với 170 nghìn tỉ mới được Quốc hội phê duyệt). Tức là đẩy tín dụng qua kênh TPCP.  Từ nợ xấu chuyển thành trái phiếu VAMC (lãi suất 0%), tiếp theo là thế chấp tại NHNN để lấy khoảng 70% giá trị, cuối cùng là mua TPCP hưởng lãi suất khoảng 9% thì không có NHTM nào lại từ chối.
  3. Cách cuối cùng khó nhất đó là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng qua các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Kế hoạch 12% hay thậm chí là 15% có thể đạt được, tuy nhiên nó không có nghĩa là triển vọng kinh tế đang tốt lên nếu chưa bóc tách được trong tổng tín dụng đó có bao nhiêu là đóng góp từ việc mua nợ của VAMC; bao nhiêu là tín dụng TPCP và; bao nhiêu là xuất phát từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét