Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Diễn biến và tác động của cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp

Hi Lạp, sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhờ sự phát triển của khu vực dịch vụ, đang đứng trên bờ vực phá sản do những chính sách chi tiêu bừa bãi trong gần thập kỉ qua. Thâm hụt ngân sách của nước này đã lên tới 13,6% trong năm 2009 và tỉ lệ nợ/GDP hiện nay xấp xỉ 120%. Nguy cơ mất khả năng thanh toán đồng thời kéo theo sự sụp đổ dây truyền của các tổ chức tài chính liên quan đang là những lo ngại chính khiến cho thị trường tài chính thế giới bất ổn trong thời gian vừa qua.

Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng nợ bắt nguồn từ những chính sách duy trì đồng euro mạnh và lãi suất quá thấp trong gần thập kỉ qua ở khu vực châu Âu. Tận dụng lợi thế đó, Hi Lạp đã dễ dãi vay mượn với số nợ khổng lồ lên đến 400 tỉ $. Các tổ chức tài chính, bao gồm cả Goldman Sachs, cũng đã góp phần vào quá trình này bằng việc tạo ra các hợp đồng tài chính phức tạp giúp chính phủ trước đây của Hi Lạp che giấu mức độ thâm hụt ngân sách của mình. Khi kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng thì cũng là lúc Hi Lạp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ và gần như mất khả năng kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Khởi đầu cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào tháng 12/2009 khi thủ tướng mới của đảng xã hội Hi Lạp, ông George A. Papandreou, thông báo rằng người tiền nhiệm của ông đã che dấu tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ mà nước này đang mắc phải. Thâm hụt ngân sách chính phủ của nước này là 12,7% GDP, chứ không phải 3,7% như chính phủ tiền nhiệm dự báo trước đó. Các nhà đầu tư bị sốc mạnh. Vào đầu năm 2010, nỗi lo sợ về khả năng mất thanh toán của Hi Lạp đã chuyển thành sự hoảng loạn tài chính khi các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng của chính phủ Hi Lạp trong việc thực hiện các biện pháp cứng rắn như cam kết nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Khi sự sợ hãi này lan sang cả với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo của các nước có ảnh hưởng lớn ở châu Âu như Đức và Pháp bắt đầu lo ngại về sự nguy hại kéo dài của nó đối với đồng euro. Họ cam kết bảo vệ đồng tiền của khu vực nhưng từ chối một gói cứu trợ ngay đối với Hi Lạp.

Bất đồng trong khu vực Euro

Với Hi Lạp, và với cả Tây Ban Nha, Ý, Ai Len, và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng tài chính đã cho thấy những hạn chế khi là thành viên của khu vực đồng tiền chung euro. Các nước này không có khả năng phá giá tiền tệ để lấy lại khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại quốc tế. Họ cũng buộc phải tuân thủ theo thỏa thuận chi tiêu ngân sách (thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3% GDP) của khu vực EU. Tức là các nước này đang buộc phải thắt lưng buộc bụng khi mà nền kinh tế đang cần đến các khoản chi tiêu nhất nhằm kích thích kinh tế. Các nền kinh tế khác như Đức, Hà Lan, và Áo đang tiếp tục duy trì mức thâm hụt thấp đồng thời tránh sự gia tăng tiền lương nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Pháp là nước nằm giữa hai thái cực này.

Khó khăn chính trong việc đạt được đồng thuận cho một gói hỗ trợ Hi Lạp nằm ở quan điểm của Đức. Chính phủ Đức, vốn theo đuổi một chính sách chi tiêu cẩn trọng bấy lâu nay, khá cứng rắn trong vấn đề Hi Lạp do e ngại gói cứu trợ sẽ tạo tiền lệ xấu trong khu vực. Nước này cho rằng Hi Lạp cần phải trả giá cho chính sách chi tiêu bừa bãi của họ trong quá khứ. Các nhà lãnh đạo châu Âu tuy nhiên có lẽ cũng không muốn thấy có sự xuất hiện của IMF. Kể từ khi khu vực sử dụng đồng euro chung được thành lập năm 1999, không một nước nào cần đến sự hỗ trợ của IMF. Thông thường sự hỗ trợ của IMF chỉ giành cho các nền kinh tế mới nổi hơn là cho các nước phát triển. Sự căng thẳng leo cao đến mức khiến giới kinh tế và chính trị gia còn dự đoán rằng chính Đức, chứ không phải Hi Lạp, mới là nước đầu tiên rời bỏ khu vực đồng tiền chung euro.

Diễn biến và những nỗ lực giải cứu

Nỗi lo sợ về khả năng phá sản và quỵt nợ của Hi Lạp đã đẩy thị trường tài chính thế giới vào tình trạng bất ổn trong suốt vài tháng qua. Sự sụp đổ của Hi Lạp có thể kéo theo sự sụp đổ dây truyền của hàng loạt các tổ chức tài chính ở các quốc gia liên quan như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai-xơ-len, Anh, Đức, Pháp,… do mối quan hệ tài chính phức tạp chằng chịt giữa họ. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, gói cứu trợ kinh tế, nếu có, thực chất là giảicứu cho cả khu vực châu Âu chứ không chỉ riêng mình Hi Lạp.

Sau nhiều tháng tranh cãi, vào cuối tháng 3 các nước sử dụng chung đồng euro đã đồng ý về một giải pháp an toàn cho Hi Lạp. Theo đó Hi Lạp sẽ nhận được các khoản vay từ các quốc gia châu Âu và IMF. Tuy nhiên những cam kết thiếu cụ thể này chưa đủ sức thuyết phục để làm giảm sức ép lãi suất trên thị trường trái phiếu đối với chính phủ Hi Lạp. Lãi suất trái phiếu chính phủ Hi Lạp tiếp tục tăng mạnh do lo ngại của giới đầu tư về khả năng mất khả năng thanh toán của chính phủ nước này. Vào ngày 11/4 các nhà lãnh đạo châu Âu thông báo hứa sẽ cho chính phủ Hi Lạp vay 30 tỉ $, cùng với khoản vay 15 tỉ $ từ IMF, với mức lãi suất 5% - thấp hơn so với mức lãi suất 7,5% mà Hi Lạp đang phải trả, tuy nhiên nó cũng đủ lớn để các quan chức của Đức cho rằng đó không phải là một sự trợ cấp hay giải cứu đối với Hi Lạp.

Cũng trong tháng 4/2010, ông Papandreou đã chính thức thỉnh cầu gói cứu trợ trị giá 60 tỉ $ nhằm cứu con tàu kinh tế đang chìm dần. Giới đầu tư quốc tế tiếp tục hạ thấp mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Hi Lạp, điều này khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đối tác của Hi Lạp ở châu Âu buộc phải đứng ra cam kết một gói cứu trợ lớn hơn. Theo kế hoạch này, công bố ngày 2/5 và được thông qua bởi quốc hội Hi Lạp ngày 6/5, Hi Lạp sẽ nhận được khoản vay trị giá 110 tỉ euro hay tương đương 140 tỉ $ trong vòng 3 năm tới nhằm tránh mất khả năng thanh toán. Đổi lại, chính phủ Hi Lạp phải đáp ứng những cam kết cắt giảm nợ trong vòng 3 năm tới. Chính phủ Hi Lạp đã đồng ý thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và nhiều khả năng thâm hụt ngân sách sẽ giảm nhưng đồng thời cũng nhiều khả năng gây ra một chu kì khủng hoảng kinh tế mới cho nước này.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục hoài nghi với các khoản vay được cam kết này, các nhà đầu từ tiếp tục đẩy lãi suất đối với trái phiếu chỉnh phủ Hi Lạp lên cao hơn cả trái phiếu chính phủ của các nước đang phát triển như Ấn Độ và Philippines. Điều đó khiến Hi Lạp lầm vào tình thế khó khăn hơn trên thị trường tài chính và buộc ông Papandreou phải kêu gọi giải ngân ngay các khoản vay này nhằm tránh sự lo ngại leo thang.

Ngày 18/5 Hi Lạp đã nhận được khoản vay đầu tiên trong gói cứu trợ kéo dài 3 năm của 10 nước châu Âu, trong đó có Đức, và IFM nhằm tránh khả năng phá sản. Gói cứu trợ kéo dài 3 năm này được đưa ra nhằm giúp Hi Lạp không cần dựa vào thị trường tài chính cho tới cuối năm 2011 và quý đầu của năm 2012. Tuy nhiên bộ trưởng tài chính Hi Lạp Papaconstantinou cho rằng nước này có thể không cần phải đợi đến thời gian đó nếu kinh tế Hi Lạp hồi phục và niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính đối với trái phiếu chính phủ Hi Lạp quay trở lại. Khoản giải ngân ngày 18/5 đã giúp Hi Lạp trả món nợ trị giá 8,5 tỉ euro đáo hạn vào ngày hôm sau. Khoản nợ tiếp theo mà chính phủ Hi Lạp cần phải chi trả trị giá 8,6 tỉ euro sẽ đáo hạn vào tháng 3/2011.

Như vậy, sau khi những lời hứa thất bại trong việc lấy lại niềm tin của thị trường tài chính vào Hi Lạp thì phần đầu tiên của gói cứu trợ đã thực sự được giải ngân. Những lo ngại về khả năng tuyên bố phá sản và quỵt nợ của Hi Lạp hầu như không còn nữa. Giá trị đồng euro, thể hiện niềm tin của giới đầu tư vào khu vực châu Âu, đã tăng nhẹ trở lại. Cái mà thế giới đang quan tâm lúc này chính là khả năng phục hồi của kinh tế Hi Lạp cũng như tác động của nó đến kinh tế thế giới mà đầu tàu là kinh tế Mĩ.

Hi Lạp và các cải cách kinh tế

Nằm trong kế hoặc thắt lưng buộc bụng nhằm nhận được gói cứu trợ, vào đầu tháng 3/2010 chính phủ Hi Lạp đã phê chuẩn một kế hoạch cắt giảm chi tiêu bao gồm: cắt giảm lương của khu vực công, tăng thuế, và cắt giảm lương hưu. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng khó khăn này đã gặp phải sự phản ứng giận dữ từ công chúng khi mà có tới 1/3 lực lượng lao động thuộc khu vực nhà nước. Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình có thể là tín hiệu khởi đầu của một xã hội bất ổn. Nó có thể làm tê liệt và đẩy nền kinh tế lún sâu vào suy thoái.

Gần đây, bộ trưởng tài chính Hi Lạp, ông George Papaconstantinou, thông báo rằng Hi Lạp đã đồng ý tăng thuế VAT từ 21% lên 23%, giữ nguyên tiền lương và bỏ tiền thưởng của khu vực công. Đồng thời, các thành viên quốc hội sẽ không nhận tiền thưởng. Ông cũng cho rằng, những quy định đặc biệt cho phép về hưu sớm sẽ được thắt chặt và chính phủ dự định tăng thuế đối với nhiên liệu, thuốc lá, và rượu khoảng 10%. Hi Lạp hi vọng những cải cách kinh tế sẽ giúp thâm hụt ngân sách của Hi Lạp giảm xuống còn 8,1% GDP trong năm nay, so với mức 13,6% của năm 2009. Theo quy định của EU, các nước nên giới hạn thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP nếu không muốn bị trừng phạt. Hi Lạp dự kiến sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 4,9% vào năm 2013 và xuống dưới mức giới hạn của EU vào năm 2014.

Ngay cả khi nhận được gói cứu trợ, Hi Lạp vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến việc tìm kiểm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ngoài hiện trạng thâm hụt ngân sách cao khiến lãi suất tăng vọt trên thị trường tài chính, Hi Lạp còn đang phải đối mặt với một nền kinh tế yếu với khả năng cạnh tranh thấp. Khác với ở Đức, sự gia tăng tiền lương ở Hi Lạp trong thời gian qua không tương ứng với sự gia tăng năng suất. Khả năng cạnh tranh kém đã làm giảm cầu về hàng hóa Hi Lạp và dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại cao (khoảng 14% GDP). Hơn nữa, do sử dụng đồng tiền chung châu Âu nên Hi Lạp không có khả năng phá giá tiền tệ nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh. Tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Hi Lạp giảm 1,2% và các cuộc biểu tình bãi công khiến cho khả năng hồi phục càng chậm lại. Các giải pháp thắt lưng buộc bụng hiện tại có thể chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Các nước đang kêu gọi Hi Lạp cần phải cắt giảm chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và thất nghiệp cao, việc thắt chắt chặt tài khóa trong khi không có khả năng nới lỏng tiền tệ, chỉ làm cho mọi thứ xấu thêm. Do vậy, có lẽ còn phải rất lâu nữa kinh tế Hi Lạp mới thoát khỏi cái mớ bòng bong hiện tại.

Ngoài ra, các nhà kinh tế còn lo ngại rằng, ngay cả khi có gói cứu trợ những người Hi Lạp giàu có và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rút tiền từ các ngân hàng Hi Lạp. Để có sự hỗ trợ từ châu Âu và IMF, Hi Lạp phải hứa tăng thu ngân sách thông qua tăng thuế. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là việc tăng thuế có thể khiến nhiều người chạy khỏi hệ thống tài chính của Hi Lạp hơn. Do vậy, sự tháo chạy của dòng vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chỉnh ở Hi Lạp. Sự sụp đổ như vậy sẽ có hai tác động chính. Thứ nhất, tác động tiêu cực của nó sẽ lan rộng sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác. Cụ thể, sự tháo chạy của dòng vốn khỏi Hi Lạp có thể sẽ dẫn đến sự tháo chạy theo hiệu ứng domino ở các nền kinh tế khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… Thứ hai, sự sụp đổ của hệ thống tín dụng sẽ tăng khả năng quỵt nợ của Hi Lạp. Trong trường hợp đó, Hi Lạp có thể phải tạm thời rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro và trở lại sử dụng đồng drachma trước đây của mình. Sau đó sự phá giá mạnh sẽ xảy ra.

Tác động đến kinh tế Mĩ và thế giới

Vào đầu tháng 3/2010, thủ tướng Hi Lạp George Papandreou đã đến thăm nước Mĩ đồng thời phát đi thông điệp: khủng khoảng nợ đang đe dọa kinh tế Hi Lạp, sự ổn định tài chính của Liên minh châu Âu có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của nước Mĩ, và chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Hi Lạp khi đó thậm chí còn liên hệ đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới nếu khủng hoảng nợ ở châu Âu lan rộng.

Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng nợ Hi Lạp đối với nước Mĩ không phải là một tác động trực tiếp. Liên minh châu Âu đang hi vọng có thể kiểm soát được khủng hoảng nợ của Hi Lạp trước khi nó có thể lan rộng trong khu vực và đe dọa sự ổn định của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, và sau đó thậm chí là bên kia bờ Đại Tây Dương. Khủng hoảng châu Âu, nếu có, sẽ tác động xấu đến nước Mĩ chủ yếu qua kênh xuất khẩu. Nếu khủng hoảng nợ lan rộng, đồng euro sẽ mất giá và lãi suất ở châu Âu sẽ tăng. Điều này khiến cho hàng hóa Mĩ trở nên đắt đỏ hơn và người dân châu Âu khó có khả năng thanh toán cho hàng xuất khẩu của Mĩ. Ngoài ra, xuất khẩu của Mĩ sang các nước khác như Trung Quốc có thể cũng giảm do hàng hóa châu Âu trở nên cạnh tranh hơn.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chỉ riêng cú sốc xuất khẩu không thôi sẽ là không đủ để đưa nước Mĩ và kinh tế thế giới quay trở lại suy thoái. Không phải xuất khẩu không ảnh hưởng đến kinh tế Mĩ tuy nhiên tiến trình hồi phục kinh tế của nước Mĩ phụ thuộc chủ yếu vào tiêu thụ nội địa chứ không phải xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của Mĩ sang khu vực sử dụng đồng euro chỉ xấp xỉ hơn 1% GDP của Mĩ. Do vậy tác động tiêu cực trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu với Mĩ là rất nhỏ.

Ngược lại, khủng hoảng nợ của Hi Lạp không phải không có những tác động tích cực đến kinh tế Mĩ và thế giới. Lo ngại về sự lan rộng khủng hoảng khiến cho giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian vừa qua, và hiện ở mức khoảng dưới 70$/thùng. Rõ ràng điều này tác động tích cực đến chi phí sản xuất và sức mua ở nước Mĩ cũng như kinh tế thế giới. Hơn nữa, dòng vốn quốc tế cũng đang chu chuyển theo hướng có lợi hơn cho nước Mĩ. Dòng vốn quốc tế đang tự tìm đến nơi trú ẩn an toàn hơn. Cầu mua trái phiếu chính phủ Mĩ từ Trung Quốc và Anh tăng vọt kể từ tháng 3 sau những lo ngại về châu Âu. Điều này giúp cho lãi suất ở Mĩ tiếp tục được duy trì ở mức thấp và các tín hiệu hồi phục kinh tế ngày càng tốt hơn (kinh tế tăng trưởng trong quý thứ ba liên tiếp, hơn nửa triệu việc làm được tạo ra trong 4 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều công ty tốt hơn dự kiến,…). Trường hợp xấu nhất, khi khủng hoảng nợ lan rộng sang các nước khác ở châu Âu, hệ thống ngân hàng Mĩ một lần nữa có thể chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, lúc đó nước Mĩ có thể sẽ sử dụng lại những biện pháp giải cứu mà họ vừa ngừng sử dụng.

Thị trường tài chính thế giới đang trong tình trạng bất ổn do những lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ và tiến trình hồi phục kinh tế ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục chậm nhưng khá chắc của kinh tế Mĩ. Bài học về Hi Lạp với những hậu quả của nó có lẽ sẽ còn được nhắc lại nhiều lần với các quốc gia đang thiếu thận trọng với các quyết định chi tiêu của mình.

2 nhận xét:

  1. Em chào thầy!
    Bài này em đã đọc và hi vọng phần nào cải thiện môn Kinh tế vĩ mô mà thầy dạy.
    Theo em, dù có đến lớp học đầy đủ mà không chú ý theo dõi, không có động lực thì kết quả cũng bằng con số không!
    Nhưng nếu, vì một vài lí do nào đó, phải nghỉ học 1, 2 hay 3 buổi, nhưng có tinh thần học hỏi, yêu thích môn học, và ý thức tự giác thì kiến thức vẫn ngày một dày lên trong quá trình học hỏi...
    Đối với thầy cô, thành tích của sinh viên là sự nỗ lực lao động không ngừng của bản thân, thầy cô cũng luôn luôn mong muốn sinh viên của mình có ý thức hơn trong học tập, giáo dục cho thế hệ mới kĩ năng tự học, và quan trọng hơn vẫn là KẾT QUẢ - những gì ta nhận được sau môn học.
    Tuy nhiên, một sự thật vẫn tồn tại, đối với sinh viên điểm số cũng rất quan trọng, đó không chỉ khẳng định kiến thức, đẳng cấp, mà còn giúp ích trong quá trình xin việc sau này! Nên, cá nhân em nghĩ rằng, điểm số - phải là thước đo giá trị tri thức tích lũy- không hoàn toàn dựa theo số buổi lên lớp. Liệu có nên đánh giá khách quan hơn, thông thoáng hơn, giúp sinh viên cải thiện thành tích hay ta chọn cách bó buộc tinh thần, đánh vào tâm lí ...
    Từ lâu đã có câu thành ngữ "thương con cho voi cho vọt" em hiểu thầy đã cố gắng thế nào để giúp sinh viên trách nhiệm hơn với học tập. Nhưng có lẽ, thời đại mới, tư duy thay đổi, phải chăng câu thành ngữ trên không còn hoàn toàn chính xác nữa trong bối cảnh ngày nay. Khi Văn hóa Đông- Tây dường như đã hòa chung một nhịp.
    Kính chúc thầy sức khỏe và 20-11 nhiều niềm vui
    Chân thành cám ơn thầy đã lắng nghe!

    Trả lờiXóa
  2. hay rat hay
    tot rat tot

    Trả lờiXóa