Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Who pays the highest tax burden?

Two months ago I was interviewed by a journalist about the current tax burden in Vietnam. However, it seemed that the interview failed to get permission to go public. In this case, blogsphere is the best place to express some critical views.

Here is the interview:

Journalist (J): Trong số các mục tiêu của việc cải cách chính sách thuế giai đoạn tới, có việc xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý, theo ông mức động viên trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?

Me (M): Tôi nghĩ mức động viên là khá cao. Tại sao nói như vậy? Chúng ta hãy so sánh số liệu quốc tế, tỷ lệ động viên (thu ngân sách nhà nước) từ thuế, phí và lệ phí của Việt Nam vừa qua vào khoảng 25%-26% GDP, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Ma-lay-xia vào khoảng 15%, Philippin còn thấp hơn với khoảng trên dưới 13%, In-đô-nê-xia là 12%, một số nước có tỷ lệ này rất thấp ví dụ như Ấn Độ chỉ khoảng 7%-8%. Có thể nói trung bình mỗi người dân Việt Nam chịu tỷ lệ thuế/thu nhập cao gấp từ 1,5 đến 3 lần so với các nước trong khu vực.

Nước ta vừa bước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình (cận dưới), bên cạnh thuế thu nhập cá nhân còn nhiều khoản thuế khác đánh vào tiêu dùng, ví dụ như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Một vấn đề khác là lạm phát thường được ví như một loại “thuế” tàng hình ở ta rất cao, đối với các nước trong khu vực lạm phát ở mức 4%-5% đã được coi là cao thì ở ta lạm phát đang ở mức hai con số. Chống lạm phát và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý hơn, chính là để khoan sức dân, góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao đời sống người dân.

J: Nguồn thu ngân sách của nước ta có đóng góp quan trọng từ dầu thô, như vậy nếu loại trừ yếu tố dầu thô thì có thể tỷ lệ động viên không đến mức cao như số liệu ở trên?

M: Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, ước thực hiện thu ngân sách từ thuế và phí năm 2009 và 2010 lần lượt là 23,7% và 24,9% GDP, trong đó thu từ dầu thô lần lượt chiếm khoảng 13,7% và 13,4% tổng thu ngân sách, hay tương đương với 3,6% GDP. Do vậy, tỉ lệ thu từ thuế và phí loại trừ thu từ dầu thô vẫn chiếm tới trên 21% GDP – một con số quá cao so với các nước trong khu vực.

Hình 6.3. So sánh quốc tế - tỷ lệ thu từ thuế và phí, 2000 – 2009 (% GDP)

Nguồn: ADB Indicator 2010


J: Trên thế giới nhiều nước có mức động viên rất cao, ví dụ một số nước Bắc Âu?


M: Họ cao nhưng mình không so sánh được, vì hệ thống an sinh xã hội của họ rất tốt, người thất nghiệp được đảm bảo cuộc sống, người về hưu có chế độ tốt, người bệnh không phải trả chi phí y tế, sinh viên không phải đóng học phí,… Chúng ta chỉ có thể so sánh với những nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình thấp, có hệ thống an sinh xã hội tương đồng với mình, cụ thể là nên so sánh với các nước trong khu vực.

J: Chính phủ đang nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách, như vậy đề cập đến việc giảm thuế trong bối cảnh hiện nay có thể chưa phù hợp?

M: Để giảm bội chi ngân sách, Chính phủ có thể tiến hành cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công và/hoặc tăng thu ngân sách. Rõ ràng trong các việc đó thì cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công sẽ dễ nhận được sự ủng hộ của công chúng. Hơn nữa, với thực trạng nguồn thu hiện nay thì dư địa để tăng thu là không nhiều. Trung bình trong 5 năm gần đây, 2/3 nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm đến từ ba loại thuế là thuế giá trị gia tăng (23%), thuế thu nhập doanh nghiệp (30%) và thuế quan (tariff) thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (13%). Thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đang tăng nhanh, cho thấy sự phụ thuộc của nguồn thu vào các hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, theo lộ trình cam kết gia nhập WTO thì tariff là nguồn thu kém bền vững, vì đến thời điểm nhất định chúng ta phải giảm thuế để thực hiện cam kết hội nhập. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào những mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng là điều cần thiết, tuy nhiên thực tế trong thâm hụt thương mại thì hàng tiêu dùng xa xỉ chiếm tỷ lệ không lớn, vấn đề nằm ở cơ cấu nền kinh tế với sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ và việc không coi trọng thị trường hàng tiêu dùng trong nước. Thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, chuyển quyền sử dụng đất, cổ phần hóa,… là những nguồn thu hữu hạn. Tương tự, thu từ bán tài nguyên, nhất là dầu thô cũng hữu hạn. Hiện nay có chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường, tuy nhiên cần lưu ý khi so sánh giá xăng dầu nước ta với một số nước khác là họ không có nguồn thu từ dầu thô (sở hữu toàn dân) còn chúng ta thì ngược lại.

Thuế thu theo luật định, do vậy việc tăng thu không có nghĩa là lạm thu mà phải tập trung vào chống thất thu, chống buôn lậu, chống trốn thuế. Cách tốt nhất là làm sao để tăng tỷ lệ tuân thủ nộp ngân sách, chứ không thể tăng cơ sở đánh thuế, tăng mức thuế suất. Con đường duy nhất để giảm thâm hụt ngân sách và tránh sự gia tăng nhanh của nợ công là cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công một cách quyết liệt và với định hướng lâu dài.

J: Ông cho rằng nếu điều chỉnh giảm mức thuế suất chung một cách hợp lý hơn nữa đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể vẫn không ảnh hưởng đến thu ngân sách?

M: Việc điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp, sẽ giúp thu hút đầu tư tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay trong khu vực FDI chúng ta thấy có những doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng cứ xin mở rộng đầu tư, đó là hiện tượng chuyển giá để trốn thuế. Thực tế thuế thu nhập doanh nghiệp của mình cao hơn một số nước trong khu vực, đây là một trong những lý do góp phần tạo nên hiện tượng chuyển giá. Ví dụ nếu thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước nào đó trong khu vực thấp hơn nước ta, doanh nghiệp FDI sẽ chuyển lợi nhuận sang nước đó để chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn. Cho nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa chắc đã làm giảm thu ngân sách. Chúng ta biết rằng FDI là khu vực rất lớn, nhưng tỷ lệ đóng góp vào ngân sách không cao, chỉ khoảng 10%.

J: Vậy theo ông tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí ở mức bao nhiêu là hợp lý?

M: Trong bối cảnh nước nhà đang cần nhiều nguồn thu, nhiều vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, thì nguồn thu có thể cao hơn đôi chút so với các nước trong khu vực, nhưng không nên cao quá và với điều kiện là phải đưa lạm phát xuống. Đặc biệt, ở Việt Nam, lương thực & thực phẩm luôn có giá cả gia tăng nhanh hơn những hàng hóa khác. Trong khi đó, chi tiêu cho lương thực & thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của người nghèo. Điều này hàm ý, thuế lạm phát có thể làm giảm gánh nặng nợ công cho Chính phủ nhưng nó cũng đang khiến cho cuộc sống của người nghèo ngày càng khó khăn và khoảng cách giàu nghèo trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.

1 nhận xét:

  1. Nhiều người thắc mắc cách điều trị tàn nhang hiệu quả nhất là gì và có trị triệt để không, kem chống nắng nào tốt cho da để khi ra nắng tránh bị đen da và kem chống nắng đó có hiệu quả ngoài trời bao lâu hướng dẫn cách sử dụng bao cao su sẽ giúp chúng ta phòng tránh các bệnh xã hội và giúp bảo vệ bản thân hơn, dưỡng ẩm nào tốt nhất cho da và sử dụng lúc nào là tốt nhất, cách trị mụn bằng hiệu quả nhất sẽ giúp cho bạn có làn da mặt sạch mụn và ngăn ngừa mụn quay trở lại.

    Trả lờiXóa