Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Lạm phát cơ bản

Dân Trí đưa tin: "Phó Thủ tướng cũng cho rằng, phương pháp tính tăng giá của các nước không tính giá dầu, giá lương thực và nếu ta thực hiện theo cách này, chỉ số giá tiêu dùng của cả năm chỉ tăng 7,5%, không phải tăng 11,75% như cách tính hiện nay."

Không thể mập mờ giữa lạm phát 7,5% hay 11,75% như ông SH nói được.

Để đo lường sự thay đổi của chi phí sinh hoạt chúng ta phải dùng thước đo lạm phát tổng thế (Headline Inflation), 11,75%. Thước đo này cho biết người dân trung bình phải bỏ thêm bao nhiêu tiền để mua được rổ hàng hóa như trước.

Thước đo lạm phát cơ bản (Core Inflation) - loại trừ giá dầu và giá lương thực - được ngân hàng trung ương các nước dùng tham khảo để đưa ra phản ứng chính sách thích hợp. Ở nhiều nước, giá các mặt hàng này cả lên và xuống thường xuyên nên việc đưa ra phản ứng chính sách chỉ dựa vào lạm phát tổng thể là không thích hợp.

Tuy nhiên không phải lúc nào biến động giá năng lượng và lương thực cũng là tạm thời (volatility) mà có thể là xu hướng dài hạn (trend). Thailand, Colombia trong thời gian gần đây, và đặc biệt là Việt Nam là những nước rơi vào trường hợp này. Giá cả lương thực và năng lượng chỉ có xu hướng ngày càng tăng chứ không giảm. Đóng góp của mỗi mặt hàng vào lạm phát của Việt Nam năm 2010 trong hình vẽ dưới đây cho thấy rõ điều đó.

Cũng lưu ý trong hình vẽ này là đóng góp của nhóm hàng giao thông - transport đang bị bóp béo bởi sự trợ giá của chính phủ. Giá dầu thế giới thời gian tới khó giảm trừ khi lại có khủng hoảng. Trước sau cũng phải bỏ trợ giá, nếu không có sự trợ giá từ nửa cuối năm 2010 thì nhóm hàng này còn đóng góp thêm vào CPI năm nay ít nhất 1% nữa.

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Lạm phát và các quy tắc chính sách tiền tệ

Năm 2010 kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng kiến sự biến động mạnh của lạm phát và những bất ổn đi kèm. Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối năm đã ở mức hai con số so với cùng kì năm trước, đồng thời nó đặt các hoạch định chính sách trước bài toán nan giải phải cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng với bình ổn lạm phát, lãi suất, và tỉ giá. Ngoại trừ năm 2009, khi lạm phát ở mức thấp phần lớn nhờ vào sự suy giảm của tổng cầu cộng với sự rớt giá nguyên nhiên liệu đầu vào do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những năm gần đây lạm phát ở Việt Nam luôn ở mức hai con số và vượt xa mục tiêu đặt ra của chính phủ.

Việc lạm phát cao và vượt xa mục tiêu đề ra liên tiếp trong những năm gần đây cho thấy việc xác định mục tiêu và công tác điều hành chính sách tiền tệ trong việc đạt được mục tiêu đó còn có những bất cập nhất định. Việc thực thi chính sách tiền tệ có vẻ như còn thiếu một cơ sở lý luận vững chắc do vậy thường dẫn đến những phản ứng thụ động, không hiệu quả, hoặc gây sốc cho nền kinh tế. Trong bài viết này, trước tiên chúng tôi chúng tôi cố gắng phân rã CPI thành nhiều thành phần khác nhau. Việc phân rã này góp phần làm rõ xu hướng biến động từng thành phần và từ đó đưa ra những gợi ý phản ứng chính sách thích hợp và chủ động hơn. Tiếp theo, các quy tắc chính sách tiền tệ cũng được thảo luận trong việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, tránh những phản ứng không cần thiết gây sốc thanh khoản cho nền kinh tế.

Xem chi tiết ở đây

Từ khóa: phân rã lạm phát, mục tiêu lạm phát, quy tắc chính sách tiền tệ

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Nợ công

Quốc hội vừa thông qua bội chi ngân sách nhà nước là 121 ngàn tỉ đồng, tương đương 5,3% GDP tính theo giá hiện hành của năm 2011. Điều này cũng hàm ý GDP theo giá hiện hành của năm 2011 sẽ là 2.275 ngàn tỉ, tăng khoảng 18% so với con số dự kiến tương ứng của năm 2010.

Tăng trưởng của GDP theo giá hiện hành (GDP = tổngQxP) tương đương với tổng của tốc độ tăng sản lượng Q (tăng trưởng GDP theo giá so sánh hay còn gọi là tăng trưởng kinh tế) và tốc độ tăng giá cả P (lạm phát). Như vậy xem ra mục tiêu tăng trưởng 7-7.5% và lạm phát 7% (cộng lại mới chỉ bằng 14.5%) có vẻ như mâu thuẫn với con số tăng trưởng GDP theo giá hiện hành 18% này.

Như vậy, giả sử tăng trưởng kinh tế năm sau đạt 7%, thì một trong hai khả năng có thể xảy ra: (1) hoặc là bội chi ngân sách sẽ là 5,3% GDP nhưng lạm phát sẽ cao hơn mức mục tiêu (7%) hoặc; (2) Lạm phát sẽ là 7% và bội chi ngân sách sẽ cao hơn. Rõ ràng, bội chi ngân sách cao và kiềm chế lạm phát là hai mục tiêu khó có thể đạt được đồng thời.



Theo các quyết toán NSNN chính thức của Bộ Tài Chính, những năm gần đây chi tiêu công của Việt Nam đã vượt 30% GDP. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là rất nhiều khoản chi đầu tư phát triển được tài trợ bằng nguồn trái phiếu chính phủ đã được để ngoài bảng cân đối ngân sách (off-budget expenditure). Ngoài ra, cách tính toán bội chi của Việt Nam cũng khác so với các chuẩn mực của ADB hay IMF. Điều này dẫn đến các con số khác nhau về bội chi ngân sách và nợ công. Ví dụ trong năm 2009, bội chi ngân sách của Việt Nam theo công bố gần đây của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội là 6,9%, nhưng theo ADB là 7,7%, và theo IMF thậm chí lên tới 8,9% GDP.

Một điều đáng lo ngại nữa là cơ cấu các khoản thu ngân sách của Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều khoản thu kém bền vững. Những tính toán đơn giản từ bảng quyết toán NSNN cho thấy khoảng 17% tổng thu hàng năm là thu từ dầu thô và khoảng 8% là từ bán tài sản như đất đai và doanh nghiệp nhà nước. Đây không phải là những nguồn thu ổn định trong dài hạn, và việc đưa những khoản thu này vào tính toán bội chi ngân sách nhà nước cũng giống như một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu và trả nợ. Về bản chất, khoản vay và nợ của anh ta có thể giảm nhưng tài sản của anh ta cũng giảm tương ứng. Tức là anh ta đã nghèo đi.

Ngoài ra, thu viện trợ không hoàn lại và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chủ yếu là thuế nhập khẩu) lần lượt chiếm khoảng 1,7% và gần 25%. Sự gia tăng nhanh của nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu một phần cho thấy nhập khẩu của Việt Nam đang ngày càng lớn và nguồn thu này trong tương lai sẽ bị cắt giảm khi Việt Nam dần thực hiện các cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi đã chính thức gia nhập WTO.

Như vậy nguồn thu được coi là bền vững là thuế và phí trong nước chỉ chiếm khoảng trên 40% tổng thu, một con số quá thấp. Nhu cầu chi cho đầu tư phát triển vẫn rất lớn trong khi nguồn thu lại khó tăng trong những năm tới khiến cho thâm hụt ngân sách hàng năm sẽ còn tiếp tục ở mức cao.

Nợ công là lũy kế của các khoản bội chi ngân sách. Những con số công bố gần đây của Việt Nam cũng như IMF cho thấy tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện nay xấp xỉ 53%. Sự thay đổi của tỉ lệ này có thể được viết như sau:



Trong đó, D là nợ công, Y là GDP, G là tổng chi tiêu công, T là tổng thu NSNN, r là lãi suất của các khoản nợ công, g là tốc độ tăng hàng năm của GDP theo giá hiện hành, M là lượng tiền được in ra để tài trợ cho chi tiêu.

Phương trình này hàm ý rằng, tỉ lệ D/Y sẽ chỉ giảm khi có (i) thặng dư ngân sách; tăng trưởng GDP (g) lớn hơn lãi suất trả nợ và (iii) chính phủ in tiền để tài trợ cho chi tiêu.

Ngoài bội chi ngân sách hàng năm làm tăng tỉ lệ nợ/GDP của Việt Nam thì lãi suất vay nợ cũng là một vấn đề. IMF gần đây có tính toán mức lãi suất bình quân (Effective interest rates) của các khoản nợ bằng ngoại tệ (chiếm khoảng 75% tổng nợ) của Việt Nam là khoảng 3,3%/năm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp trước đây đang dần bị thay thế bởi các khoản vay thương mại với lãi suất cao (Các khoản vay được chính phủ bảo lãnh cho Vinashin, khoản vay 1 tỉ USD hồi đầu năm, và sắp tới bảo lãnh cho EVN 1 tỉ USD, và có thể sẽ là cả TKV, PVN,…). Những khoản vay này hiện có mức lãi suất khoảng 7% nhưng sẽ tăng theo mức bội chi ngân sách và nợ công. Ngoài ra, việc vay nợ bằng ngoại tệ còn chịu rủi ro về tỉ giá. Chỉ tính riêng năm 2010, VND đã mất giá khoảng 25% so với JPY (đồng tiền chiếm khoảng 40% trong tổng nợ nước ngoài), mất giá khoảng 15% so với USD và SDR (các đồng tiền chiếm hơn 45% trong tổng nợ nước ngoài),… Do vậy, khả năng kiềm chế tỉ lệ nợ công/GDP (hiện đã vượt 50%) trong những năm tới có lẽ chỉ còn kênh in tiền – một loại thuế đánh vào người dân thông qua việc gây lạm phát (Seigniorage).

Tổng chi cho hội làng Thăng Long vừa rồi vẫn chưa được tiết lộ.

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

On Vneconomy

VNeconomy đưa tin về vấn đề hạ lãi suất.

Bản tin Tài chính VTV1 tối qua đưa tin Kho bạc Nhà nước có khoảng 57 ngàn tỉ đồng, vượt cả con số phát hành trái phiếu phát hành từ đầu năm, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu là Agribank và BIDV.

Đây là một thông tin tốt cho khả năng giảm lãi suất sắp tới bởi nó cho thấy nhiều khả năng lượng trái phiếu phát hành thêm từ giờ đến cuối năm sẽ rất hạn chế.

Tuy nhiên nó lại một lần nữa khiến chúng ta đặt câu hỏi về khả năng lập kế hoạch những người liên quan. Lý do của việc tồn đọng này là do nhiều dự án chậm triển khai. Việc phát hành trái phiếu thời gian qua đã góp phần làm lãi suất khó giảm, tuy nhiên lượng tiền thu về chỉ để gửi tại các NHTM. Ước tính đến thời điểm này, số tiền lãi phải trả cho lượng trái phiếu phát hành (Với lãi suất hơn 10%/năm) từ đầu năm tới nay có thể lên tới khoảng 2500 tỉ đồng!

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Thâm hụt ngân sách (1)

Cafef đưa tin Bộ Kế hoạch & Đầu tư (MPI) vừa công bố số liệu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm. Tại sao lại là MPI mà không phải là Bộ Tài chính (MoF), cơ quan có chức năng quản lý tổng hợp thu chi ngân sách? Anh N dạo này hơn hẳn anh G ở NHNN về khoản im hơi bặt tiếng và không nổ linh tinh như hồi năm 2008 nữa.

Theo bản tin này thì tổng thu NSNN ước đạt gần 361 ngàn tỉ đồng, trong khi tổng chi ước đạt 405,5 ngàn tỉ đồng. Nhìn chung các nguồn thu, trừ thu dầu thô (có lẽ do đầu năm các anh dự kiến giá dầu thế giới cao hơn mức hiện tại), đều tăng khá so với dự toán. Như vậy, thâm hụt ngân sách từ đầu năm tới nay là gần 45 ngàn tỉ đồng.

So sánh con số này với tổng giá trị phát hành trái phiếu từ đầu năm là hơn 51,5 ngàn tỉ đồng thì MoF còn khoảng 6,5 ngàn tỉ đồng trong kho nhờ phát hành trái phiếu, chưa tính khoản 1 tỉ USD vay từ thị trường quốc tế (đã chi cho Vinashin 300 triệu trả nợ). Tuy nhiên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài năm nay cũng vào khoảng 1,1 tỉ USD. Sau đại lễ Thăng Long liệu nguồn chi có giảm? Xem ra con đường giảm lãi suất không hề dễ dàng.

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Kịch bản nào cho lạm phát cuối năm

Ngày 24 tháng 9 vừa qua Tổng cục Thống kê (TCTK) chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 tăng 1,31% so với tháng 8. Thông tin này hoàn toàn không gây sốc cho thị trường do nó đã được rò rỉ ra ngoài từ trước đó rất lâu và được thể hiện thông qua các bài dự báo CPI tháng 9 trên các trang báo điện tử. Tuy nhiên con số 1,31% rõ ràng là đột biến so với mức tăng chỉ từ 0,06-0,27% của nhiều tháng trước và đang gây ra những lo ngại nhất định về vấn kiểm soát lạm phát của kinh tế Việt Nam trong năm 2010. Hãy thử xem xem xét các kịch bản khác nhau cho lạm phát những tháng cuối năm trong mối tương quan với mức lạm phát mục tiêu (8%) trong năm nay của chính phủ và đồng thời phân tích những phản ứng có thể có của các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan.

Các kịch bản lạm phát cuối năm

Kể từ năm 2007 TCTK sử dụng thêm cách tính tốc độ tăng bình quân của CPI để phản ánh lạm phát trong năm. Con số lạm phát tính theo cách này chính là trung bình cộng của tốc độ tăng CPI mỗi tháng trong năm so với cùng kì năm trước. Gần đây, con số lạm phát tính theo cách này được sử dụng phổ biến nhất, ví dụ như các con số lạm phát được công bố 22,97% của năm 2008 và 6,88% của năm 2009 là tính theo cách này. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cũng ngầm sử dụng cách tính này để xác định lạm phát mục tiêu cho mỗi năm. Số liệu từ TCTK cho thấy, tốc độ tăng CPI của tháng 9 năm nay tăng 8,92% so với cùng kì năm trước, trong khi tốc độ tăng bình quân của CPI chín tháng đầu năm so với cùng kì là 8,64%, cao hơn khá nhiều so với lạm phát mục tiêu 8% của chính phủ.





Điểm qua các nhóm hàng trong giỏ hàng tính CPI chúng ta thấy rằng nhóm hàng có thể gây ra sức ép lạm phát cao trong những tháng cuối năm đó là lương thực và xăng dầu. Hai nhóm hàng này có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả khó lường của thế giới trong thời gian tới. Để có được bức tranh về các khả năng có thể xảy ra, chúng ta thử xây dựng ba kịch bản lạm phát cho những tháng cuối năm dựa vào số liệu quá khứ từ năm 2002 đến 2009. Kịch bản tốt sẽ lấy những số liệu thấp nhất, kịch bản xấu sẽ lấy những số liệu cao nhất, còn kịch bản trung bình sẽ lấy con số trung bình cộng của các tháng tương ứng trong giai đoạn 2002-2009. Kết quả của các kịch bản được trình bày trong Bảng 2.





Kết quả tính toán cho thấy kịch bản tốt là kịch bản có CPI giảm liên tiếp trong ba tháng cuối năm, một khả năng hầu như không thể xảy ra, sẽ cho con số lạm phát trung bình cả năm là 8,14%. Kịch bản xấu với mức CPI tăng khá cao trong những tháng tiếp theo sẽ cho con số lạm phát trung bình cả năm là 9,08%. Và kịch bản trung bình, nhiều khả năng xảy ra nhất, sẽ cho con số lạm phát trung cả năm là 8.6%. Như vậy có thể thấy, dù theo kịch bản nào đi chăng nữa, thì mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 8% sẽ là không khả thi (Tuy nhiên, nhiều khả năng vào cuối năm chính phủ sẽ thông báo rằng con số mục tiêu 8% là mức tăng CPI của tháng 12 so với cùng kì năm ngoái!).

Phản ứng của chính sách tiền tệ

Những phân tích thống kê sâu hơn cũng cho thấy nhiều khả năng lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay sẽ ở quanh mức 8,6-8,7% và vượt mức mục tiêu của chính phủ. Vậy Ngân hàng Nhà nước với công cụ chính sách tiền tệ trong tay sẽ phản ứng theo chiều hướng nào trong những tháng còn lại của năm? Cần lưu ý rằng thước đo lạm phát ở trên được gọi là thước đo lạm phát tổng thể (headline inflation). Nó là chỉ số phản ánh tổng mức lạm phát của một nền kinh tế và có thể bị ảnh hưởng bởi các nhóm hàng hóa có giá cả biến động bất thường như lương thực & thực phẩm và năng lượng. Sự biến động giá của của các nhóm hàng này phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính sách tiền tệ như thiên tai và sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Vì lý do này, thước đo lạm phát tổng thể nhiều khi không phản ánh chính xác bức tranh về hiện trạng của nền kinh tế. Các cơ quan thống kê trên thế giới thường tính toán thêm thước đo lạm phát cơ bản (core inflation), loại trừ những thay đổi tạm thời của của giá lương thực & thực phẩm và năng lượng. Đây thường là chỉ số được ngân hàng trung ương các nước theo dõi để đưa ra những thay đổi chính sách tiền tệ thích hợp.

Quay trở lại diễn biến lạm phát trong tháng 9, chúng ta có thể thấy sự đột biến lớn nhất xảy ra ở nhóm hàng giáo dục (tăng 12,02%). Với tỉ trọng chiếm 5,75% trong giỏ hàng tính CPI, nhóm hàng này đã đóng góp khoảng 0,69% trong tổng mức gia tăng 1,31% của cả giỏ hàng tiêu dùng. Các nhóm hàng có đóng góp lớn khác lần lượt là hàng ăn & dịch vụ ăn uống (0,32%), nhà ở, điện nước, chất đốt & vật liệu xây dựng (0,11%), và giao thông (0,08%). Như vậy, nếu loại trừ sự đóng góp của hai nhóm hàng ăn & dịch vụ ăn uống và giao thông thì chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam trong tháng 9 sẽ là 0,91%. Và nếu loại bỏ cả sự gia tăng bất thường, và gần như chỉ xảy ra một lần trong năm, của nhóm hàng giáo dục thì chỉ số lạm phát của các nhóm hàng khác trong nền kinh tế chỉ còn khoảng 0.22%!

Sự gia tăng đột biến của lạm phát tháng 9 rõ ràng là phần lớn đến từ sự gia tăng bất thường của nhóm hàng giáo dục và chưa khẳng định được đó có phải là xu thế gia tăng dài hạn của giá cả hay không. Do vậy, tôi cho rằng việc thắt chặt tiền tệ lúc này sẽ một biện pháp không hợp lý khi chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức lạm phát cao của tháng này sẽ làm hạn chế sự lựa chọn giải pháp của chính phủ đối với việc cắt giảm lãi suất.

Có hai phương án khả thi để cắt giảm lãi suất đó là NHNN nên mua lại trái phiếu chính phủ với kì hạn dài hoặc chính phủ phải hạn chế phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp. Việc phát hành trái phiếu chính phủ với số lượng lớn đã thu hút đáng kể dòng vốn trong nền kinh tế, làm giảm lượng vốn cung ứng trên thị trường, đẩy lãi suất lên cao, và do vậy lấn át đầu tư của khu vực tư nhân. Lạm phát cao bất thường trong tháng 9 sẽ hạn chế việc thực hiện phương án 1 bởi nó khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn. Do vậy phương án hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ cần được ưu tiên.



Quan sát diễn biến trên thị trường sơ cấp thời gian gần đây thì có lẽ chính phủ đang theo đuổi phương án 2. Lượng trái phiếu phát hành, cả qua hình thức đầu thầu và bảo lãnh phát hành, trên thị trường sơ cấp đã giảm rõ rệt. So với cao điểm hồi tháng 5 và 6, khi lượng trái phiếu chính phủ được phát hành với trị giá trên chục ngàn tỉ đồng mỗi tháng, thì đến tháng 8 và 9, lượng phát hành thành công chỉ còn 900 tỉ đồng. Tuy nhiên sức ép phát hành vẫn còn rất lớn khi tổng giá trị trái phiếu chính phủ đã phát hành thành công là 51.512 tỉ đồng, mới đạt hơn 51% kế hoạch trong tổng giá trị phát hành trong năm nay. Với việc tổng thu ngân sách ước tăng vượt kế hoạch, kế hoạch phát hành trái phiếu trên chắc sẽ được điều chỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài việc cắt giảm lãi suất cần phải được hỗ trợ từ việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Diễn Biến KT Việt Nam và Thế Giới tháng 8

KINH TẾ VIỆT NAM

Lạm phát tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù giá cả có thể tăng trở lại vào cuối năm nhưng mục tiêu 8% là hoàn toàn có thể đạt được. Lạm phát có thể không phải là vấn đề gây rủi ro chính sách của năm nay nữa khi dòng tiền đang bị kiểm soát chặt.

Sản lượng công nghiệp tăng trưởng mạnh trong tháng 8 (15,2% yoy). Tổng kết 8 tháng đầu năm sản lượng công nghiệp tăng 13,8% yoy. Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành chỉ tăng 12%, trong khi đó chỉ số hàng tồn kho tăng khoảng 40% so với cùng kì.

Dự kiến chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu trong thời gian tới đối với một số sản phẩm có mức tồn kho cao như nhựa, sắt thép, thức ăn gia súc,…

So với cùng kì năm ngoái nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đang có xu hướng giảm. Điều này làm giảm áp lực nhập siêu nhưng nó cũng cho thấy sản xuất trong nước có tín hiệu chậm lại trong thời gian tới.

Xuất khẩu đang có xu hướng giảm nhẹ kể từ tháng 5.

Việc phá giá tiền tệ gần đây giúp phần nào giảm khoảng cách giữa tỉ giá trên hai thị trường tuy nhiên nó có vẻ như chưa đủ lớn để loại bỏ việc mua tích trữ và kì vọng giảm giá VND, đặc biệt là trên thị trường tự do.

Những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là những người được lợi trong khi những doanh nghiệp nhập khẩu và những doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ sẽ là những người chịu thiệt từ sự phá giá này. Tuy nhiên, tác động của việc phá giá đến khối lượng nhập khẩu, và do vậy là thâm hụt thương mại, sẽ là rất nhỏ do phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là các yếu tố đầu vào quan trọng.

Mặc dù cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư khoảng 5-6 tỉ $ trong năm nay, nhưng từ giờ đến cuối năm VND có thể mất giá thêm 2-3% nữa khi (i) nhiều khoản vay bằng $ đến ngày đáo hạn; (ii) thâm hụt thương mại được kì vọng tăng cao vào cuối năm và; (iii) hoạt động găm giữ $ vẫn còn tồn tại.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn nhờ hoạt động bơm tiền (kì hạn ngắn) qua OMO của NHNN. Tuy nhiên lãi suất vẫn tiếp tục ở mức cao và khó giảm trong thời gian tới.

Rủi ro kinh tế lớn nhất hiện nay là vấn đề lãi suất. Đây là rào cản chính đối với sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế. Trong tháng 8, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tồn tại phổ biến ở mức từ 13,5-15,5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Nếu NHNN không có những phản ứng chính sách mạnh thì lãi suất sẽ rất khó giảm thêm do cầu về vốn trong nền kinh đang tăng mạnh trong khi nguồn cung bị hạn chế. Theo kế hoạch, chính phủ còn kế hoạch phát hành khoảng 55 ngàn tỉ đồng trái phiếu trong năm nay. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu. Đặc biệt, thông tư 13/2010/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/10/2010, ban hành bởi NHNN sẽ kiểm soát một cách khắt khe hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, một trong những điều khoản quy định của thông tư này là tỉ lệ tổng lượng vốn cho vay/tổng nguồn huy động không được vượt quá 80%, tuy nhiên các khoản tiền gửi không kì hạn của các tổ chức kinh tế, trái phiếu kho bạc, bảo hiểm xã hội, và các tổ chức khác, ước tính vào khoảng 15-20%, không được tính vào tổng nguồn vốn huy động. Do vậy, trên thực tế thông tư này sẽ chỉ cho phép các ngân hàng thương mại cho vay khoảng 65% tổng nguồn vốn huy động.

Lãi suất cao đang cản trở các đầu tư cũng như tiêu dùng của khu vực tư nhân. Với khi phí vốn vay hiện tại, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn kiếm được lợi nhuận từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Những con số thống kê cho chúng ta thấy rằng cầu nội địa đang khá thấp trong khi lượng hàng tồn kho đang tăng cao. Hơn nữa, lãi suất cao còn có thể tạo ra những rủi ro cho thị trường ngoại hối khi các doanh nghiệp tiếp tục lựa chọn các khoản vay bằng US$ nhằm tận dụng mức chênh lệch cao (khoảng 7-8%) giữa chi phí vốn vay bằng VND và US$. Khi các khoản vay này đáo hạn nó sẽ tạo ra sức ép giảm giá đối với VND.

GDP của quý 3 có thể tăng 6,6-6,8% yoy và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% có thể đạt được. Tuy nhiên nền kinh tế tăng trưởng chưa thực sự bền vững cho sự hồi phục hoàn toàn. Nhiều dấu hiệu rủi ro xuất hiện như tồn kho tăng cao, xuất khẩu và nhập khẩu nguyên vật liệu đang có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất cao cản trở tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) từ khu vực tư nhân.

Nếu chính phủ đồng ý với những rủi ro vĩ mô này thì phản ứng hợp lý nhất có lẽ sẽ là yêu cầu NHNN, bên cạnh việc tiếp tục đáp ứng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua OMO, cần thực hiện việc mua trái phiếu với kì hạn dài hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế. Nếu không thực hiện điều này, lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và sự hồi phục hoàn toàn sẽ khó có thể đạt được trong thời gian tới.

KINH TẾ THẾ GIỚI

Tăng trưởng kinh tế Mĩ trong 1,6 % mới được điều chỉnh giảm xuống còn 1.6% so với con số ước tính ban đầu 2,4%. Con số tương ứng của quý 1 là 3,7%. Như vậy tăng trưởng kinh tế Mĩ đang có xu hướng chậm lại (Đây là các con số được annualized).

Lý do điều chỉnh giảm chủ yếu là do không tính hết lượng nhập khẩu tăng đột biến trong quý 2 của Mĩ. Khu vực tư nhân vẫn sợ rủi ro. Với lãi suất thị trường 0.25%, khu vực tư nhân nhanh chóng trả các khoản MBS (mortgage backed securities) khiến luồng tiền quay trở lại Fed. Fed đã quyết định đưa trở lại thị trường dòng tiền này bằng cách mua trái phiếu kho bạc.

Thất nghiệp của quốc gia này tiếp tục ở mức cao 9,5% và dự kiến giảm chậm trong vòng 1-2 năm tới.

Lạm phát ước tính của Mĩ trong năm nay là 1%. Nhiều người lo ngại giảm phát sẽ xảy ra. Tuy nhiên quan điểm của Fed là lạm phát khó có thể thấp hơn. Thông điệp gần đây của Bernanke là sẽ chỉ thực hiện bơm thêm tiền vào nền kinh tế Mĩ với hai điều kiện: (i) nếu lạm phát xuống thấp hơn nữa (nguy cơ giảm phát) và (ii) GDP năm nay tăng thấp hơn 2,5% đồng thời thất nghiệp không giảm.

Tóm lại, lo ngại chính của giới đầu tư thế giới bây giờ là kinh tế Mĩ sẽ ở trong tình trạng tăng trưởng thấp đồng thời thất nghiệp cao trong một thời gian dài nữa. Nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng kép là nhỏ.

Kinh tế châu Âu có vẻ sáng sủa hơn. Kinh tế Anh tăng trưởng 1,2% chỉ trong quý 2 (so với quý 1), cao nhất trong vòng gần chục năm qua. Doanh số bán nhà và ngành xây dựng tăng trưởng mạnh. Chi tiêu của hộ gia đình lẫn chính phủ đều tăng. Chính phủ Anh cho rằng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên giới đầu tư tài chính lo ngại về kế hoạch thắt chặt chi tiêu và tăng VAT vào đầu năm tới của chính phủ Anh.

Kinh tế Đức thậm chí còn tăng tới 2,2% trong quý 2 (so với quý 1), mức cao kỉ lục trong vòng 20 năm qua, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và chi tiêu hộ gia đình và chính phủ đều tăng. Tuy nhiên mức tăng này được đánh giá là có tính mùa vụ nhờ ngành xây dựng tăng mạnh sau mùa đông lạnh giá và nhờ xuất khẩu tăng đột biến (tín hiệu tốt đối với sự hồi phục của kinh tế thế giới do Đức là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới). Các quý tới kinh tế Đức sẽ trở lại mức tăng bình thường.

Kinh tế Pháp tăng 0,6% trong quý 2. Các nền kinh tế gặp vấn đề nợ chính phủ như Tây Ban Nha và Hi Lạp và tăng trưởng thấp hoặc âm, tuy nhiên các kế hoạch thắt lưng buộc bụng ở các quốc gia nay đang được đánh giá tốt. Khu vực sử dụng đồng euro tăng trưởng 1% trong quý 2.

Kinh tế Nhật quý 2 chỉ tăng 0.1%, một con số quá thấp so với kì vọng. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu này đang gặp khó khăn khi để đồng yen lên giá quá mạnh trong thời gian qua. Tiêu dùng tư nhân không tăng. Gần đây, ngân hàng trung ương nước này đã công bố một kế hoạch bơm 3 ngàn tỉ yen (35 tỉ USD) với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực nội địa.

Nhìn chung kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi chậm, đặc biệt là ở Mĩ. Tuy nhiên các rủi ro, như khủng hoảng nợ ở châu Âu và bong bóng bất động sản ở TQ, đã thấp hơn rất nhiều so với trước đây.

Oh dear GSO!

Vẫn biết các con số thống kê của Việt Nam thiếu tin cậy nhưng chắc hẳn không ít nhà kinh tế sẽ cảm thấy sốc và ái ngại với hệ thống đo lường của Việt Nam khi biết được tin này. Theo ông Bùi Hà, xưa nay TCTK vẫn dùng CPI bình quân để tính tăng trưởng GDP. Tức là ban đầu TCTK sẽ tính giá trị GDP theo giá hiện hành (current prices), rồi bằng cách chia con số này cho CPI (deflate) để có được GDP theo giá so sánh (constant prices). Cuối cùng là tính tốc độ tăng của GDP theo giá so sánh để có được con số tăng trưởng.

Đây là một cách làm không giống ai trên thế giới và sai nghiêm trọng. Lưu ý rằng CPI chỉ phản ánh giá cả của giỏ hàng tiêu dùng đại diện của hộ gia đình. Nó bao gồm cả giá hàng nhập khẩu và nội địa. Trong khi tổng sản phẩm quốc nội, GDP (Gross Demestic Product), như cái tên vốn có của nó, chỉ tính giá trị của các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam.

Như vậy, GDP của Việt Nam có thể cao hơn so với thực tế nếu giá hàng nhập khẩu từ thế giới giảm/tăng chậm hơn so với hàng sản xuất trong nước và ngược lại.

Thực tế những năm qua CPI ở Việt Nam luôn tăng cao hơn các đối tác thương mại. Do vậy, rất có thể con số GDP của Việt nam đã được thổi phồng lên so với thực tế.

Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Quy tắc 70

Nếu bạn từng học qua các môn kinh tế và tài chính thì chắc hẳn bạn đã một lần nghe đến quy tắc này. Thật ra nó chỉ là một phép ước tính xấp xỉ giản đơn. Giả sử chúng ta có biến X hàng năm tăng với tốc độ x%, thì sau log(2)/x% = 70/x năm biến X sẽ có quy mô gấp đôi.

Áp dụng phép tính tắt này, nếu GDP của Việt Nam năm 2010 đạt 100 tỉ USD, và cứ lạc quan (tếu) tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của chúng ta là 7%/năm thì đến năm

2020: GDP của Việt Nam sẽ là 200 tỉ USD
2030: GDP của Việt Nam sẽ là 400 tỉ USD
2040: GDP của Việt Nam sẽ là 800 tỉ USD
2050: GDP của Việt Nam sẽ là 1600 tỉ USD

Về GDP bình quân đầu người, hiện nay GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1000USD/người. Cứ với tinh thần lạc quan trên thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm sẽ là 5,8% (=tốc độ tăng GDP (7%) – tốc độ tăng dân số (1,2%)), và cũng phải mất tới 70/5,8 = 12 năm thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới tăng gấp đôi. Như vậy, đến năm

2022: GDP/người của Việt Nam sẽ là 2000 USD
2034: GDP/người của Việt Nam sẽ là 4000 USD
2046: GDP/người của Việt Nam sẽ là 8000 USD

Những con số này có vẻ khác xa với ước tính của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (GDP là 2800 tỉ USD và GDP/người là 20.000 USD).

Sai số gì lớn thế!

Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Họp Quốc Hội (2)

Bác Trần Tiến Cảnh càng nói càng thấy đáng thương. Bác này có khi đi tàu chợ ở nước ngoài thấy nhanh quá tưởng là tàu cao tốc nên mới đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc cho trẻ em đi học và phụ nữ đi chợ, đi làm hị hị.

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn chính phủ. Phó thủ tướng NSH chịu trách nhiệm trả lời sáng nay đã tuyên bố “việc xây đường sắt cao tốc là việc không thể không làm”. Tiền không phải là vấn đề khi ông lạc quan (tếu) ước tính Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6-7% cho tới tận năm 2050!

Ông Dương Trung Quốc ví von Việt Nam như một đứa trẻ, còn nguồn vốn ODA như bầu sữa của cô hàng xóm. Đứa trẻ được mang đi cho bú nhờ khá lâu rồi. Để đảm bảo tính độc lập về kinh tế, chính trị, và thể diện quốc gia, chính phủ cần có kế hoạch cai sữa cho đứa trẻ.

Câu trả lời lòng vòng của NSH có vẻ như chưa thỏa mãn sự hưng phấn đang lên của các đại biểu. Thực ra, đáp án rất đơn giản: Việt Nam đã là một chàng trai trưởng thành vạm vỡ, còn bầu sữa của các cô hàng xóm thì quá đẹp.

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Xăng dầu và thuốc lá

Quốc hội đang thảo luận về luật thuế môi trường đánh vào xăng dầu, thuốc lá, và một số mặt hàng gây ô nhiễm khác. Đối với xăng dầu, luật thuế này có lẽ sẽ đạt được sự đồng thuận cao. Bất cứ khi nào lái xe ra đường bạn đang gây ra các hiệu ứng ngoại hiện tiêu cực (negative externalities): các con đường trở nên chật hẹp và dễ tắc nghẽn hơn; người tham gia giao thông mất nhiều thời gian hơn để thực hiện hành trình của mình; khả năng gặp tai nạn của người tham gia giao thông khác cao hơn; và đặc biệt là bạn đang thải ra môi trường rất nhiều khí thải độc hại…

Như trong một bài báo gần đây của Gregory Mankiw trên tờ NY times, việc tăng thuế đánh vào thuốc lá có lẽ sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn. Về cơ bản, những lập luận ủng hộ của việc đánh thuế môi trường đối với thuốc lá bao gồm: (1) thuốc lá gây ô nhiễm và làm hại sức khỏe những người xung quanh; (2) tăng số người tử vong và chi phí chữa bệnh và; (3) giá thuốc lá ở VN đang quá rẻ so với thế giới. Tuy nhiên, nếu luật cấm hút thuốc nơi công cộng ở Việt Nam được thực thi một cách nghiêm ngặt thì việc một người ngồi ở sân thượng nhà mình hút thuốc sẽ có rất ít ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác. Rất khó có thể kiểm chứng con số 40.000 người chết vì thuốc lá mỗi năm chính xác đến đâu bởi chúng ta không kiểm soát được những yếu tố khác có khả năng gây bệnh tương tự. Ngân sách nhà nước phải chi trả tiền chữa bệnh nhiều hơn cho những người nghiện thuốc, tuy nhiên đồng thời chi trả lương hưu cũng thấp hơn do tuổi thọ của họ bị rút ngắn. Nhiều nghiên cứu ở Mĩ chỉ ra rằng số tiền tiết kiệm được (nhờ người hút thuốc chết sớm :-() còn lớn hơn cả chi phí phải trả (bảo hiểm y tế). Cuối cùng, giá thuốc lá ở Việt Nam không hề rẻ so với mức thu nhập của người dân. Một bao thuốc lá 555 ở Mĩ giá khoảng 3-4$, đắt hơn gấp đôi so với giá một bao thuốc tương tự ở Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Mĩ lại cao gấp khoảng 40 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Hơn nữa, những người nghiện thuốc ở Việt Nam đa phần là những người cao tuổi và có thu nhập thấp và trung bình. Tăng thuế đánh mặt hàng (có cầu co giãn thấp theo giá) này sẽ chỉ gây thêm khó khăn tài chính cho họ mà khó giảm được hành vi hút thuốc.

Chỉ đánh thuế không thôi sẽ khó làm giảm được hành vi hút thuốc và bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe người dân. Để tăng thu ngân sách Việt Nam còn rất nhiều biện pháp để làm.

Nghị trường mấy ngày qua lại nóng lên với dự án đường sắt cao tốc. Ông nghị Trần Tiến Cảnh chắc chỉ có ý muốn khoe tôi đã từng đi Nhật, không ngờ anh em ném đá ác quá hị hị

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Diễn biến và tác động của cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp

Hi Lạp, sau nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhờ sự phát triển của khu vực dịch vụ, đang đứng trên bờ vực phá sản do những chính sách chi tiêu bừa bãi trong gần thập kỉ qua. Thâm hụt ngân sách của nước này đã lên tới 13,6% trong năm 2009 và tỉ lệ nợ/GDP hiện nay xấp xỉ 120%. Nguy cơ mất khả năng thanh toán đồng thời kéo theo sự sụp đổ dây truyền của các tổ chức tài chính liên quan đang là những lo ngại chính khiến cho thị trường tài chính thế giới bất ổn trong thời gian vừa qua.

Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng nợ bắt nguồn từ những chính sách duy trì đồng euro mạnh và lãi suất quá thấp trong gần thập kỉ qua ở khu vực châu Âu. Tận dụng lợi thế đó, Hi Lạp đã dễ dãi vay mượn với số nợ khổng lồ lên đến 400 tỉ $. Các tổ chức tài chính, bao gồm cả Goldman Sachs, cũng đã góp phần vào quá trình này bằng việc tạo ra các hợp đồng tài chính phức tạp giúp chính phủ trước đây của Hi Lạp che giấu mức độ thâm hụt ngân sách của mình. Khi kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng thì cũng là lúc Hi Lạp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ và gần như mất khả năng kiểm soát thâm hụt ngân sách.

Khởi đầu cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào tháng 12/2009 khi thủ tướng mới của đảng xã hội Hi Lạp, ông George A. Papandreou, thông báo rằng người tiền nhiệm của ông đã che dấu tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ mà nước này đang mắc phải. Thâm hụt ngân sách chính phủ của nước này là 12,7% GDP, chứ không phải 3,7% như chính phủ tiền nhiệm dự báo trước đó. Các nhà đầu tư bị sốc mạnh. Vào đầu năm 2010, nỗi lo sợ về khả năng mất thanh toán của Hi Lạp đã chuyển thành sự hoảng loạn tài chính khi các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng của chính phủ Hi Lạp trong việc thực hiện các biện pháp cứng rắn như cam kết nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Khi sự sợ hãi này lan sang cả với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo của các nước có ảnh hưởng lớn ở châu Âu như Đức và Pháp bắt đầu lo ngại về sự nguy hại kéo dài của nó đối với đồng euro. Họ cam kết bảo vệ đồng tiền của khu vực nhưng từ chối một gói cứu trợ ngay đối với Hi Lạp.

Bất đồng trong khu vực Euro

Với Hi Lạp, và với cả Tây Ban Nha, Ý, Ai Len, và Bồ Đào Nha, cuộc khủng hoảng tài chính đã cho thấy những hạn chế khi là thành viên của khu vực đồng tiền chung euro. Các nước này không có khả năng phá giá tiền tệ để lấy lại khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại quốc tế. Họ cũng buộc phải tuân thủ theo thỏa thuận chi tiêu ngân sách (thâm hụt ngân sách không được vượt quá 3% GDP) của khu vực EU. Tức là các nước này đang buộc phải thắt lưng buộc bụng khi mà nền kinh tế đang cần đến các khoản chi tiêu nhất nhằm kích thích kinh tế. Các nền kinh tế khác như Đức, Hà Lan, và Áo đang tiếp tục duy trì mức thâm hụt thấp đồng thời tránh sự gia tăng tiền lương nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Pháp là nước nằm giữa hai thái cực này.

Khó khăn chính trong việc đạt được đồng thuận cho một gói hỗ trợ Hi Lạp nằm ở quan điểm của Đức. Chính phủ Đức, vốn theo đuổi một chính sách chi tiêu cẩn trọng bấy lâu nay, khá cứng rắn trong vấn đề Hi Lạp do e ngại gói cứu trợ sẽ tạo tiền lệ xấu trong khu vực. Nước này cho rằng Hi Lạp cần phải trả giá cho chính sách chi tiêu bừa bãi của họ trong quá khứ. Các nhà lãnh đạo châu Âu tuy nhiên có lẽ cũng không muốn thấy có sự xuất hiện của IMF. Kể từ khi khu vực sử dụng đồng euro chung được thành lập năm 1999, không một nước nào cần đến sự hỗ trợ của IMF. Thông thường sự hỗ trợ của IMF chỉ giành cho các nền kinh tế mới nổi hơn là cho các nước phát triển. Sự căng thẳng leo cao đến mức khiến giới kinh tế và chính trị gia còn dự đoán rằng chính Đức, chứ không phải Hi Lạp, mới là nước đầu tiên rời bỏ khu vực đồng tiền chung euro.

Diễn biến và những nỗ lực giải cứu

Nỗi lo sợ về khả năng phá sản và quỵt nợ của Hi Lạp đã đẩy thị trường tài chính thế giới vào tình trạng bất ổn trong suốt vài tháng qua. Sự sụp đổ của Hi Lạp có thể kéo theo sự sụp đổ dây truyền của hàng loạt các tổ chức tài chính ở các quốc gia liên quan như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai-xơ-len, Anh, Đức, Pháp,… do mối quan hệ tài chính phức tạp chằng chịt giữa họ. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, gói cứu trợ kinh tế, nếu có, thực chất là giảicứu cho cả khu vực châu Âu chứ không chỉ riêng mình Hi Lạp.

Sau nhiều tháng tranh cãi, vào cuối tháng 3 các nước sử dụng chung đồng euro đã đồng ý về một giải pháp an toàn cho Hi Lạp. Theo đó Hi Lạp sẽ nhận được các khoản vay từ các quốc gia châu Âu và IMF. Tuy nhiên những cam kết thiếu cụ thể này chưa đủ sức thuyết phục để làm giảm sức ép lãi suất trên thị trường trái phiếu đối với chính phủ Hi Lạp. Lãi suất trái phiếu chính phủ Hi Lạp tiếp tục tăng mạnh do lo ngại của giới đầu tư về khả năng mất khả năng thanh toán của chính phủ nước này. Vào ngày 11/4 các nhà lãnh đạo châu Âu thông báo hứa sẽ cho chính phủ Hi Lạp vay 30 tỉ $, cùng với khoản vay 15 tỉ $ từ IMF, với mức lãi suất 5% - thấp hơn so với mức lãi suất 7,5% mà Hi Lạp đang phải trả, tuy nhiên nó cũng đủ lớn để các quan chức của Đức cho rằng đó không phải là một sự trợ cấp hay giải cứu đối với Hi Lạp.

Cũng trong tháng 4/2010, ông Papandreou đã chính thức thỉnh cầu gói cứu trợ trị giá 60 tỉ $ nhằm cứu con tàu kinh tế đang chìm dần. Giới đầu tư quốc tế tiếp tục hạ thấp mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Hi Lạp, điều này khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đối tác của Hi Lạp ở châu Âu buộc phải đứng ra cam kết một gói cứu trợ lớn hơn. Theo kế hoạch này, công bố ngày 2/5 và được thông qua bởi quốc hội Hi Lạp ngày 6/5, Hi Lạp sẽ nhận được khoản vay trị giá 110 tỉ euro hay tương đương 140 tỉ $ trong vòng 3 năm tới nhằm tránh mất khả năng thanh toán. Đổi lại, chính phủ Hi Lạp phải đáp ứng những cam kết cắt giảm nợ trong vòng 3 năm tới. Chính phủ Hi Lạp đã đồng ý thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và nhiều khả năng thâm hụt ngân sách sẽ giảm nhưng đồng thời cũng nhiều khả năng gây ra một chu kì khủng hoảng kinh tế mới cho nước này.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục hoài nghi với các khoản vay được cam kết này, các nhà đầu từ tiếp tục đẩy lãi suất đối với trái phiếu chỉnh phủ Hi Lạp lên cao hơn cả trái phiếu chính phủ của các nước đang phát triển như Ấn Độ và Philippines. Điều đó khiến Hi Lạp lầm vào tình thế khó khăn hơn trên thị trường tài chính và buộc ông Papandreou phải kêu gọi giải ngân ngay các khoản vay này nhằm tránh sự lo ngại leo thang.

Ngày 18/5 Hi Lạp đã nhận được khoản vay đầu tiên trong gói cứu trợ kéo dài 3 năm của 10 nước châu Âu, trong đó có Đức, và IFM nhằm tránh khả năng phá sản. Gói cứu trợ kéo dài 3 năm này được đưa ra nhằm giúp Hi Lạp không cần dựa vào thị trường tài chính cho tới cuối năm 2011 và quý đầu của năm 2012. Tuy nhiên bộ trưởng tài chính Hi Lạp Papaconstantinou cho rằng nước này có thể không cần phải đợi đến thời gian đó nếu kinh tế Hi Lạp hồi phục và niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính đối với trái phiếu chính phủ Hi Lạp quay trở lại. Khoản giải ngân ngày 18/5 đã giúp Hi Lạp trả món nợ trị giá 8,5 tỉ euro đáo hạn vào ngày hôm sau. Khoản nợ tiếp theo mà chính phủ Hi Lạp cần phải chi trả trị giá 8,6 tỉ euro sẽ đáo hạn vào tháng 3/2011.

Như vậy, sau khi những lời hứa thất bại trong việc lấy lại niềm tin của thị trường tài chính vào Hi Lạp thì phần đầu tiên của gói cứu trợ đã thực sự được giải ngân. Những lo ngại về khả năng tuyên bố phá sản và quỵt nợ của Hi Lạp hầu như không còn nữa. Giá trị đồng euro, thể hiện niềm tin của giới đầu tư vào khu vực châu Âu, đã tăng nhẹ trở lại. Cái mà thế giới đang quan tâm lúc này chính là khả năng phục hồi của kinh tế Hi Lạp cũng như tác động của nó đến kinh tế thế giới mà đầu tàu là kinh tế Mĩ.

Hi Lạp và các cải cách kinh tế

Nằm trong kế hoặc thắt lưng buộc bụng nhằm nhận được gói cứu trợ, vào đầu tháng 3/2010 chính phủ Hi Lạp đã phê chuẩn một kế hoạch cắt giảm chi tiêu bao gồm: cắt giảm lương của khu vực công, tăng thuế, và cắt giảm lương hưu. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng khó khăn này đã gặp phải sự phản ứng giận dữ từ công chúng khi mà có tới 1/3 lực lượng lao động thuộc khu vực nhà nước. Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình có thể là tín hiệu khởi đầu của một xã hội bất ổn. Nó có thể làm tê liệt và đẩy nền kinh tế lún sâu vào suy thoái.

Gần đây, bộ trưởng tài chính Hi Lạp, ông George Papaconstantinou, thông báo rằng Hi Lạp đã đồng ý tăng thuế VAT từ 21% lên 23%, giữ nguyên tiền lương và bỏ tiền thưởng của khu vực công. Đồng thời, các thành viên quốc hội sẽ không nhận tiền thưởng. Ông cũng cho rằng, những quy định đặc biệt cho phép về hưu sớm sẽ được thắt chặt và chính phủ dự định tăng thuế đối với nhiên liệu, thuốc lá, và rượu khoảng 10%. Hi Lạp hi vọng những cải cách kinh tế sẽ giúp thâm hụt ngân sách của Hi Lạp giảm xuống còn 8,1% GDP trong năm nay, so với mức 13,6% của năm 2009. Theo quy định của EU, các nước nên giới hạn thâm hụt ngân sách không quá 3% GDP nếu không muốn bị trừng phạt. Hi Lạp dự kiến sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 4,9% vào năm 2013 và xuống dưới mức giới hạn của EU vào năm 2014.

Ngay cả khi nhận được gói cứu trợ, Hi Lạp vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến việc tìm kiểm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Ngoài hiện trạng thâm hụt ngân sách cao khiến lãi suất tăng vọt trên thị trường tài chính, Hi Lạp còn đang phải đối mặt với một nền kinh tế yếu với khả năng cạnh tranh thấp. Khác với ở Đức, sự gia tăng tiền lương ở Hi Lạp trong thời gian qua không tương ứng với sự gia tăng năng suất. Khả năng cạnh tranh kém đã làm giảm cầu về hàng hóa Hi Lạp và dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại cao (khoảng 14% GDP). Hơn nữa, do sử dụng đồng tiền chung châu Âu nên Hi Lạp không có khả năng phá giá tiền tệ nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh. Tăng trưởng kinh tế năm 2009 của Hi Lạp giảm 1,2% và các cuộc biểu tình bãi công khiến cho khả năng hồi phục càng chậm lại. Các giải pháp thắt lưng buộc bụng hiện tại có thể chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Các nước đang kêu gọi Hi Lạp cần phải cắt giảm chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và thất nghiệp cao, việc thắt chắt chặt tài khóa trong khi không có khả năng nới lỏng tiền tệ, chỉ làm cho mọi thứ xấu thêm. Do vậy, có lẽ còn phải rất lâu nữa kinh tế Hi Lạp mới thoát khỏi cái mớ bòng bong hiện tại.

Ngoài ra, các nhà kinh tế còn lo ngại rằng, ngay cả khi có gói cứu trợ những người Hi Lạp giàu có và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rút tiền từ các ngân hàng Hi Lạp. Để có sự hỗ trợ từ châu Âu và IMF, Hi Lạp phải hứa tăng thu ngân sách thông qua tăng thuế. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là việc tăng thuế có thể khiến nhiều người chạy khỏi hệ thống tài chính của Hi Lạp hơn. Do vậy, sự tháo chạy của dòng vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chỉnh ở Hi Lạp. Sự sụp đổ như vậy sẽ có hai tác động chính. Thứ nhất, tác động tiêu cực của nó sẽ lan rộng sang các nền kinh tế dễ bị tổn thương khác. Cụ thể, sự tháo chạy của dòng vốn khỏi Hi Lạp có thể sẽ dẫn đến sự tháo chạy theo hiệu ứng domino ở các nền kinh tế khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,… Thứ hai, sự sụp đổ của hệ thống tín dụng sẽ tăng khả năng quỵt nợ của Hi Lạp. Trong trường hợp đó, Hi Lạp có thể phải tạm thời rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro và trở lại sử dụng đồng drachma trước đây của mình. Sau đó sự phá giá mạnh sẽ xảy ra.

Tác động đến kinh tế Mĩ và thế giới

Vào đầu tháng 3/2010, thủ tướng Hi Lạp George Papandreou đã đến thăm nước Mĩ đồng thời phát đi thông điệp: khủng khoảng nợ đang đe dọa kinh tế Hi Lạp, sự ổn định tài chính của Liên minh châu Âu có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của nước Mĩ, và chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Hi Lạp khi đó thậm chí còn liên hệ đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới nếu khủng hoảng nợ ở châu Âu lan rộng.

Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng nợ Hi Lạp đối với nước Mĩ không phải là một tác động trực tiếp. Liên minh châu Âu đang hi vọng có thể kiểm soát được khủng hoảng nợ của Hi Lạp trước khi nó có thể lan rộng trong khu vực và đe dọa sự ổn định của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, và sau đó thậm chí là bên kia bờ Đại Tây Dương. Khủng hoảng châu Âu, nếu có, sẽ tác động xấu đến nước Mĩ chủ yếu qua kênh xuất khẩu. Nếu khủng hoảng nợ lan rộng, đồng euro sẽ mất giá và lãi suất ở châu Âu sẽ tăng. Điều này khiến cho hàng hóa Mĩ trở nên đắt đỏ hơn và người dân châu Âu khó có khả năng thanh toán cho hàng xuất khẩu của Mĩ. Ngoài ra, xuất khẩu của Mĩ sang các nước khác như Trung Quốc có thể cũng giảm do hàng hóa châu Âu trở nên cạnh tranh hơn.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chỉ riêng cú sốc xuất khẩu không thôi sẽ là không đủ để đưa nước Mĩ và kinh tế thế giới quay trở lại suy thoái. Không phải xuất khẩu không ảnh hưởng đến kinh tế Mĩ tuy nhiên tiến trình hồi phục kinh tế của nước Mĩ phụ thuộc chủ yếu vào tiêu thụ nội địa chứ không phải xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của Mĩ sang khu vực sử dụng đồng euro chỉ xấp xỉ hơn 1% GDP của Mĩ. Do vậy tác động tiêu cực trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu với Mĩ là rất nhỏ.

Ngược lại, khủng hoảng nợ của Hi Lạp không phải không có những tác động tích cực đến kinh tế Mĩ và thế giới. Lo ngại về sự lan rộng khủng hoảng khiến cho giá dầu thế giới liên tục giảm trong thời gian vừa qua, và hiện ở mức khoảng dưới 70$/thùng. Rõ ràng điều này tác động tích cực đến chi phí sản xuất và sức mua ở nước Mĩ cũng như kinh tế thế giới. Hơn nữa, dòng vốn quốc tế cũng đang chu chuyển theo hướng có lợi hơn cho nước Mĩ. Dòng vốn quốc tế đang tự tìm đến nơi trú ẩn an toàn hơn. Cầu mua trái phiếu chính phủ Mĩ từ Trung Quốc và Anh tăng vọt kể từ tháng 3 sau những lo ngại về châu Âu. Điều này giúp cho lãi suất ở Mĩ tiếp tục được duy trì ở mức thấp và các tín hiệu hồi phục kinh tế ngày càng tốt hơn (kinh tế tăng trưởng trong quý thứ ba liên tiếp, hơn nửa triệu việc làm được tạo ra trong 4 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh quý 1 của nhiều công ty tốt hơn dự kiến,…). Trường hợp xấu nhất, khi khủng hoảng nợ lan rộng sang các nước khác ở châu Âu, hệ thống ngân hàng Mĩ một lần nữa có thể chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, lúc đó nước Mĩ có thể sẽ sử dụng lại những biện pháp giải cứu mà họ vừa ngừng sử dụng.

Thị trường tài chính thế giới đang trong tình trạng bất ổn do những lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ và tiến trình hồi phục kinh tế ở khu vực châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục chậm nhưng khá chắc của kinh tế Mĩ. Bài học về Hi Lạp với những hậu quả của nó có lẽ sẽ còn được nhắc lại nhiều lần với các quốc gia đang thiếu thận trọng với các quyết định chi tiêu của mình.

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Tỉ giá 2

Sự lên giá trở lại khiến thị trường lại có thêm những bình luận mới. Gần đây nhất Bloomberg có đăng tải nhận định của SSI. Xem ở đây.

Ý tưởng cơ bản của nhận định này là chính phủ Việt Nam nên phá giá tiền tệ khoảng 4% nữa nhằm kích thích xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng. Theo tôi, ngay cả khi không gặp phải sự phá giá trả đũa của các đối tác thương mại, thì mục đích phá giá tiền tệ nhằm kích thích xuất khẩu đối với kinh tế Việt Nam lúc này rõ ràng là một lập luận thiếu cơ sở. Chúng tôi có thể liệt kê ít nhất 3 lý do chính mà Việt Nam không nên phá giá lúc này như sau:

Thứ nhất, cùng với mục tiêu tăng trưởng (6,5%) thì mục tiêu kiểm soát lạm phát (đã được điều chỉnh lên 8%) là hai mục tiêu chính sách quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2010. Với đặc thù của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu, việc phá giá tiền tệ 4% cũng sẽ khiến cho giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu tăng gần tương ứng, đẩy chi phí đầu vào của các doanh nghiệp lên cao, đồng thời vừa gây ra lạm phát vừa làm giảm tăng trưởng kinh tế. Do vậy mục tiêu kích thích tăng trưởng bằng thông qua cầu xuất khẩu (nhờ phá giá tiền tệ) sẽ là một giải pháp tồi do nó gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí và cung của các doanh nghiệp. Quan trọng hơn, số liệu thống kê 4 tháng đầu năm cho thấy CPI đã tăng hơn 9,2% so với cùng kì năm ngoái và gần 4,3% so với đầu năm thì việc phá giá tiền tệ còn khiến cho mục tiêu kiểm soát lạm soát dưới hai con số trở nên xa vời. Rõ ràng đây là điều mà chính phủ Việt Nam hoàn toàn không mong muốn xảy ra với bất cứ giá nào.

Thứ hai, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là những sản phẩm thiết yếu (khoáng sản, nông thủy sản, may mặc, dầy dép,…) và đã có lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả với sản phẩm của các nước khác. Cầu về những sản phẩm này co dãn thấp so với thu nhập và giá cả (tức là khi giá cả giảm nhờ phá giá, hay thu nhập của khách hàng tăng thì cầu về hàng xuất khẩu của Việt nam không thay đổi nhiều). Điều này đã được chứng minh trong năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì lượng xuất khẩu của những mặt hàng này không hề suy giảm (thậm chí còn tăng). Do vậy, việc cố tình phá giá để kích thích xuất khẩu không những không đạt được mục tiêu mong muốn mà còn làm giảm uy tín đồng nội tệ và gây ra bất ổn trên thị trường tiền tệ. Cái mà Việt Nam nên làm lúc này để kích thích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại là tìm kiếm và khai thác thêm những thị trường xuất khẩu mới (bên cạnh những thị trường truyền thống như Mĩ, Nhật, và châu Âu) ví dụ như Trung Quốc, Asean, châu Phi, Trung Đông,… Những thị trường này rõ ràng là rộng lớn và chưa được khai thác đúng với tiềm năng, Việt Nam lại có ưu thế về chi phí vận chuyển và chất lượng đòi hỏi ở những thị trường này cũng không khắt khe như ở những thị trường truyền thống.

Cuối cùng, theo báo cáo gần đây của Ủy Ban Tài chính – Ngân sách Quốc Hội thì đến cuối năm 2010 nợ quốc gia sẽ vào khoảng gần 45% GDP, tương đương với khoảng 750 ngàn tỉ đồng. Quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài Chính cũng cho thấy vay nợ nước ngoài chiếm khoảng 18% bội chi ngân sách. Do vậy, tổng nợ quốc qia đối với nước ngoài sẽ vào khoảng hơn 18% x 750 ngàn tỉ = 135 ngàn tỉ đồng. Việc phá giá 4% cũng có nghĩa là gánh nặng nợ của Việt Nam đối với nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 4% x 135 ngàn tỉ đồng = 5400 tỉ đồng, hay tương đương với 285 triệu USD.

Cân nhắc giữa lợi ích và chi phí ở trên thì việc lập luận chính phủ nên phá giá để kích thích xuất khẩu và tăng trưởng rõ ràng là một giải pháp tồi đối với kinh tế Việt Nam. Những lập luận như vậy chỉ nhìn thấy một mặt của các vấn đề kinh tế. Việc phá giá chỉ nên được thực hiện khi sức ép thâm hụt thương mại cao và dự trữ ngoại hối về ngưỡng an toàn tối thiểu cho hệ thống tiền tệ quốc gia. Tỉ giá nên được tự do biến động theo cung cầu và với luồng ngoại tệ vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm thì rõ ràng việc phá giá tiền tệ sẽ là sai lầm. Nếu giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục thâm hụt thương mại chỉ đơn giản là phá giá tiền tệ thì có lẽ chính phủ Việt Nam đã thực hiện từ lâu chứ không cần đợi các “chuyên gia” đưa ra lời khuyên lúc này.

Các tin có liên quan được đăng ở đây , đây, và ở đây.


Sau khi NHNN khẳng định không có ý định phá giá lúc này thì Bloomberg & Bussiness đã cho thay đổi nội dung bản tin gốc. Xem ở đây.

Tỉ giá 1

Thị trường ngoại hối Việt Nam hơn 2 tháng qua có những diễn biến khá thú vị. Kể từ khi NHNN quyết định phá giá VND từ 17.941 lên 18.544 đồng 1 USD vào ngày 11/02/2010, đồng thời quy định lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức không vượt quá 1%/năm, thì giá USD bán ra trên thị trường chợ đen đã giảm một mạch từ 19.500 đồng/USD xuống mức thấp nhất 18.970 đồng/USD vào ngày 24/04/2010.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây USD đã bắt đầu tăng giá trở lại và hôm nay (13/05/2010) giá USD bán ra tại các cửa hàng thu đổi ngoại tệ tự do đã là 19.180 đồng/USD. Diễn biến lên xuống bất ngờ của đồng USD đã khiến cho nhiều tổ chức đưa ra các nhận định khác nhau. Đầu tiên đáng kể nhất là nhận định VND sẽ lên giá so với USD trong năm 2010 của Alan Phạm vào ngày 22/04/2010. Xem bài ở đây.

Không đồng ý với lập luận này, tôi có đưa ra một số ý kiến sau đó được các báo đăng lại ở đây, đây, và đây.

Có thể tóm tắt lý do lên giá của VND so với USD trong tháng 3 & 4 gồm, chủ yếu do yếu tố “cung” tăng:
- Giải ngân FDI và giải ngân trên thị trường tài chính của khối ngoại tăng
- Kiều hối tăng trong dịp Tết
- Lãi suất tiền gửi USD giảm khiến cho các tổ chức chịu bán USD cho các NHTM hơn
- Giá vốn vay USD rẻ nhiều so với giá vốn vay VND khiến lượng cung USD ra ngoài thị trường tăng.

Sự lên giá này chỉ mang tính tạm thời, các vấn đề về thâm hụt thương mại và FDI sẽ nhanh chóng khiến USD khó giảm giá và thậm chí sẽ tăng giá trở lại. Có thể tham khảo chi tiết thêm ở đây.

NHNN nên tranh thủ mua vào USD giá rẻ để bình ổn thị trường ngoại hối khi cần trong tương lai.
Luckily enough, những nhận định này có vẻ như không quá sai khi USD bắt đầu tăng giá trở lại trong những ngày vừa qua.

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Dollarization

Đôla hóa – dollarization – xảy ra khi dân cư một nước sử dụng ngoại tệ song song, hoặc thay thế, đồng nội tệ trong giao dịch, dự trữ giá trị, hoặc hạch toán các tài sản có giá trị cao. Theo một báo cáo của US Treasury năm 2006, có tới khoảng 2/3 lượng tiền phát hành của Mĩ (450 tỉ đôla) đang nằm ở nước ngoài. Việc đôla hóa sẽ gây khó khăn cho chính sách tiền tệ và làm mất ổn định thị trường ngoại hối ở những nước có hiện tượng này. Những chính sách tiền tệ dễ dãi gây lạm phát của Mĩ sẽ khiến cho sức mua của đồng đôla giảm sút. Hơn nữa, việc nắm giữ đôla tức là người nước ngoài đang nắm giữ một loại tài sản không lãi suất đối với nước Mĩ và, chắc hẳn, người Mĩ không mong đợi những đồng đôla này quay trở lại nước mình.

Theo ước tính của báo cáo này, Argentina là nước có mức độ đôla hóa cao nhất. Trung bình một người dân nước này nắm giữ khoảng 1300$. Panama và Nga cũng có mức độ đôla hóa trầm trọng với trung bình một người nắm giữ 500-600$. Tổng số đôla ở Việt Nam là 3 tỉ và bình quân một người dân Việt Nam nắm giữ khoảng 40$. Tuy nhiên đây là số liệu ước tính của trước năm 2005, hiện nay, với mức độ hội nhập sâu rộng kể từ khi trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2007, con số ước tính phải gấp gần chục lần.

Bảng: Thực trạng USD hóa ở một số nền kinh tế


















Đặc biệt, trong một nghiên cứu có liên quan, Linda Goldberg đã cho thấy rằng nhu cầu nắm giữ đồng 100$ ở ngoài nước Mĩ có xu hướng tăng theo thời gian, trong khi đó cầu đồng 50$ và đặc biệt là đồng 20$ giảm mạnh. Điều này cho thấy đồng USD có lẽ chủ yếu được dùng làm phương tiện dự trữ giá trị (tức là cất giấu dưới gầm giường), chứ không phải phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở ngoài nước Mĩ.

Hình: Tỉ trọng các tờ USD nắm giữ ở ngoài nước Mĩ

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Quan hệ kinh tế Việt Mĩ

Hôm qua ông Robert D. Hormatsm, người đứng đầu các vấn đề kinh tế, năng lượng và nông nghiệp của Đại Sứ Quán Mĩ tại Việt Nam đã có bài phát biểu về mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kì tại Đại học Ngoại Thương Hà Nội. Bài phát biểu đề cập đến nhiều vấn đề với hàm ý sâu sắc, hi vọng độc giả , đa số là sinh viên, có thể hấp thụ hết được nội dung của nó.

Gần đây các trường đại học kinh tế với bộ máy gọn nhẹ, năng động, và cầu tiến như Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại Thương,… thường xuyên tổ chức được các sự kiện rất hữu ích cho sinh viên cũng như giảng viên cập nhật và kết nối những kiến thức học thuật với thực tiễn kinh tế Việt Nam. Trường Kinh tế Quốc dân, với vị thế của một ông lớn, có vẻ như thụ động và đang ăn mòn dần vào thương hiệu vốn có lâu năm.

Quan hệ Việt Mĩ đã có những bước nhảy vọt lớn trong những năm qua đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Mĩ đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu hơn 16 tỉ USD, chiếm khoảng 20% GDP của VN. Sau khi ca ngợi những thành tích và tiềm năng của Việt Nam trong những năm tới, Hormatsm cũng cảnh báo rằng quan điểm bất đồng về vấn đề nhân quyền có thể làm chậm quá trình hợp tác trong một số lĩnh vực giữa hai quốc gia. Những nghi ngờ về việc tin tặc có liên quan đến chính phủ VN đã phá hoại các trang web bất đồng quan điểm ở hải ngoại cũng được hàm ý trong bài phát biểu khi ông kêu gọi tự do báo chí, mở cửa internet, thực thi xã hội dân sự,…

Hormatsm cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế kiểm soát giá đang được xem xét gần đầy của Việt Nam nhằm kiểm soát lạm phát có thể cản trở cả đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Rõ ràng, việc can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính, dù với mục tiêu nào đi nữa, cũng sẽ bóp méo các quyết định kinh tế thị trường và là không bền vững.

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Báo cáo kinh tế thường niên của VEPR

Sáng nay Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR đã tổ chức thành công hội thảo ra mắt báo cáo kinh tế thường niên. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước xoay quanh các vấn đề kinh tế quan trọng hiện nay như kích cầu, thâm hụt thương mại, tỉ giá, lạm phát…

Do thiếu số liệu điều tra nên bài đánh giá tác động của gói kích cầu năm 2009 còn chưa được hoàn chỉnh. Một số kết luận mang nặng cảm tính và thiếu cơ sở thực nghiệm (evidence based). Tuy nhiên theo tôi, tác động ít nhiều gì thì các biện pháp hỗ trợ cần phải được rút dần khỏi nền kinh tế. Một trong những nguyên tắc cơ bản của kích cầu là phải đảm bảo ngắn hạn và tạm thời. Vai trò tạo sự hưng phấn tạm thời cho nền kinh tế (tránh sự sụp đổ của một số doanh nghiệp, sa thải nhân công,…) của gói “viagra” kích thích kinh tế ở Việt Nam “coi như” đã hoàn thành. Để đảm bảo cân đối vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động,… nhằm đạt được tăng trưởng bền vững thì có lẽ kinh tế Việt Nam cần những thang thuốc bắc lâu dài hơn.



Cũng trong buổi hội thảo, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc hô hào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hiện nay chỉ mang tính khẩu hiệu và sai lầm. Lập luận của ông Thành là, ví dụ như ngành dệt may, 70% giá trị thành phẩm là do nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nếu như thay vì xuất khẩu mà người dân trong nước lại tiêu thụ thì còn làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại.



Có vẻ như ông Thành cố tình (?) diễn giải sai nghĩa của lời kêu gọi này. Đơn giản nó là việc kêu gọi người Việt Nam thay vì tiêu thụ hàng nhập khẩu (100% giá trị nhập khẩu từ nước ngoài) nên chuyển sang tiêu thụ sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước (có thể có 70% giá trị, hoặc thậm chí lớn hơn, là do nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài) thì chắc chắn, không ít thì nhiều, sẽ làm giảm thâm hụt thương mại. Đó là chưa còn kể đến tác động tích cực của nó đối với sản xuất và tạo việc làm trong nước.

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2010

Joseph Stiglitz vs. Paul Krugman(*)

Việc định giá đồng NDT quá thấp của Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt thương mại cao của Mĩ đối với Khựa trong những năm gần đây (Khoảng trên dưới 250 tỉ USD/năm). Nhiều kinh tế cũng như chính trị gia đã kêu gọi chính phủ Mĩ nên cứng rắn hơn với TQ về vấn đề đồng NDT. Thế giới đang e ngại về một “cuộc chiến thương mại” giữa hai quốc gia này và nếu xảy ra, có thể làm chậm lại quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới.

Joseph Stiglitz, người giành giải Nobel kinh tế năm 2001 về Lý thuyết Thông tin Không Cân xứng, từng cố vấn cho chính phủ Khựa trong quá trình đổi mới và rất được lòng dân Khựa, cho rằng ngoài tỷ giá còn có rất nhiều yếu tố khác quyết định đến thâm hụt thương mại. Tiết kiệm quốc gia là một nhân tố quan trọng. Vấn đề của nước Mĩ hiện nay là thâm hụt thương mại của Mĩ với nhiều quốc gia khác chứ không chỉ riêng với Khựa. Ông cho rằng, nước Mĩ chỉ có thể giảm thâm hụt thương mại khi nước Mĩ tiết kiệm nhiều hơn. Việc yêu cầu Khựa nâng giá NDT sẽ làm hàng hóa Khựa đắt hơn tương đối và chỉ có thể làm người dân Mĩ chuyển cầu tiêu dùng hàng Khựa sang hàng hóa của một nước khác (Việt Nam chẳng hạn :D). Nước Mĩ cần phải giải quyết vấn đề của chính mình trước khi đổ lỗi cho Khựa định giá đồng NDT quá thấp, và việc phát động chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho nước nào cả.

Paul Krugman, người dành giải Nobel kinh tế năm 2008 về lý thuyết thương mại, hôm qua đã cho rằng Joseph Stiglitz, đã trở thành nạn nhân của một học thuyết sai lầm. Krugman cho rằng việc nâng giá NDT sẽ làm hàng hóa Mĩ cạnh tranh hơn (hàng Khựa kém cạnh tranh hơn) và làm giảm thâm hụt thương mại của Mĩ. Thậm hụt thương mại giảm sẽ làm tăng sản xuất trong nước, tăng thu nhập cá nhân và do vậy làm tăng tiết kiệm quốc gia. Tức là mối quan hệ ở đây là nếu NDT lên giá, thâm hụt thương mại sẽ giảm và tiết kiệm quốc gia sẽ tăng. Krugman không đồng ý với quan điểm của Stiglitz coi tiết kiệm là nhân tố độc lập giúp làm giảm thâm hụt thương mại (tức là tiết kiệm quyết định thâm hụt thương mại). Ông cho rằng, nếu tỉ giá không đổi, việc tăng tiết kiệm, giảm tiêu dùng của người dân Mĩ sẽ chủ yếu là giảm cầu hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở Mĩ. Việc tăng cầu tiêu dùng của Khựa sẽ chủ yếu là tăng cầu về hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở Khựa. Do vậy, kết quả cuối cùng sẽ là thất nghiệp tăng ở Mĩ và sức ép lạm phát tăng ở Khựa – trừ khi dân Khựa tăng cầu tiêu dùng hàng hóa Mĩ thay cho hàng hóa Khựa.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam những năm gần đây liên tục ở mức cao (12,6 tỉ USD năm 2007, 17 tỉ năm 2008, 12 tỉ năm 2009, GDP năm 2009 khoảng hơn 90 tỉ USD). Với trường hợp Việt Nam, tôi nghiêng về lập luận của Stiglitz hơn. Tăng tiết kiệm, chuyển hướng tiêu dùng hàng ngoại (đặc biệt là hàng Khựa) sang hàng nội là những việc chúng ta cần làm hiện nay để giảm thâm hụt thương mại và tránh những bất ổn về tỷ giá và chính sách vĩ mô. Việc phát động chiến dịch mua hàng Việt Nam “buy Vietnamese” là một giải pháp đúng đắn tuy nhiên hiệu quả có vẻ chưa cao khi hàng hóa tiện ích giá rẻ (chất lượng kém) của Khựa vẫn tràn ngập thị trường VN. Sức mạnh của Kinh tế Việt Nam có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào hành vi tiêu dùng của mỗi người dân.

I expect a good response from Stiglitz 

------------
(*) Paul Krugman là người giành giải Nobel kinh tế năm 2008 về lý thuyết thương mại, đồng thời là cây bình luận kinh tế nổi tiếng của tờ The New York Times. Krugman là người ủng hộ mạnh mẽ cho những chính sách kích cầu nhằm giúp đưa các nền kinh tế thoát khỏi suy thoái hiện nay.

Đầu năm ngoái, trong chuyến đi vòng quanh châu Á, Krugman có ghé thăm Việt Nam. Sau khi làm thất vọng quần chúng Sài Gòn do không trả lời được những câu hỏi của giới đầu tư chứng khoán như “mua con gì, bán con gì” ở thời điểm đó, Krugman đã được đón tiếp nồng nhiệt ở HN bởi các quan chức chính phủ và giới kinh tế gia. Ông cho rằng chính phủ các nước cần sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn nữa để nhanh chóng đưa nền kinh tế hồi phục. Trong khi gói “Viagra” kích thích kinh tế lúc đó của VN còn đang bị phê phán và nghi ngờ thì phát biểu của Krugman tại HN rất được hoan nghênh và kiếm được không ít cái gật gù của các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, trước khi kết thúc buổi họp báo để ra thẳng sân bay, với bộ mặt mệt mỏi, ông cũng thú nhận mình léo hiểu gì về kinh tế Việt Nam nên không thể đưa ra được những lời khuyên chính xác.